Một thương hiệu của GM nộp đơn phá sản

(Dân trí) - Sáng qua, 20/2, nhà sản xuất ô tô Mỹ General Motors (GM) đã xác nhận rằng thời gian thương hiệu Saab thuộc về GM chỉ còn tính bằng ngày.

 

Một thương hiệu của GM nộp đơn phá sản - 1
 
Saab, thương hiệu thuộc tập đoàn GM, đã nộp đơn xin phá sản lên tòa án tại quê hương Thụy Điển để được tiến hành tái cơ cấu, từ đó hoạt động độc lập khỏi GM.

 

Quá trình này cũng tương tự như thủ tục phá sản theo Chương 11 ở Mỹ. Tuy nhiên, để có thể thực hiện kế hoạch này, GM cần tìm nguồn tài chính cho công ty mới, và đây mới là vấn đề.

 

Theo hãng tin Automotive News, có thể cần tới 1 tỷ USD để Saab tự xoay xở.

 

GM dự kiến tập trung vào lĩnh vực kỹ thuật, hoạt động thiết kế và sản xuất của Saab tại Thụy Điển. Mác xe này dự kiến ra mắt 3 sản phẩm mới trong thời gian từ nay đến giữa năm 2010, đó là các mẫu xe 9-3X, 9-5 và 9-4X mới.

 

Trong đó, hai mẫu đầu đã được lên kế hoạch sản xuất tại Thụy Điển, còn mẫu 9-4X crossover mới được dự kiến lắp ráp tại Mexico cùng với mẫu Cadillac SRX.

 

Chính phủ Thụy Điển đã bác bỏ yêu cầu của GM về việc đầu tư cho Saab; do đó, nguồn tài chính sẽ phải được huy động từ nơi khác.
 

CEO Rick Wagoner của GM cho biết tập đoàn không thể duy trì quyền sở hữu Saab và mác xe này có thể bị đẩy ra thành một doanh nghiệp độc lập từ ngày 1/1/2010.

 

Ông Wagoner nói: “Ai đó phải tới và tiếp quản doanh nghiệp này trong tương lai gần.”

 

Tuy nhiên, chính phủ Thụy Điển đã chính thức khẳng định không có kế hoạch mua lại Saab. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thụy Điển Maud Olofsson cho biết bà rất thất vọng trước tuyên bố từ bỏ Saab của GM.

 

“Ý GM là họ phủi tay với Saab và phó thác nó vào tay người dân - những người nộp thuế  - Thụy Điển,” bà Olofsson nói.

 

Bà Olofsson cũng cho rằng tái cơ cấu Saab là cách giải quyết có tính thực tế nhất, đồng thời nhấn mạnh: “Chính phủ và người nộp thuế Thụy Điển sẽ không sở hữu các nhà máy sản xuất ô tô [của Saab].”

 

Nguyên là một nhà sản xuất máy báy, Saab bắt đầu lắp ráp ô tô kể từ sau Thế chiến thứ hai. Tập đoàn GM mua 50% cổ phần và nắm quyền điều hành Saab từ năm 1989, sau đó tăng tỷ lệ sở hữu lên 100% vào năm 2000. Phân nhánh sản xuất máy bay hiện vẫn tồn tại và hoạt động độc lập.

 

Năm ngoái, doanh số toàn cầu của Saab giảm 25,5% xuống còn 93.338 xe. Hiện tại, Saab sử dụng khoảng 4.500 nhân công tại Thụy Điển, chủ yếu ở nhà máy đặt tại Trollhattan. Hoạt động sản xuất chủ yếu diễn ra tại quê hương Thụy Điển, còn thị trường tiêu thụ chính của Saab là Mỹ, Anh, Thụy Điển, Đức, Ý, Úc, Pháp, Hà Lan và Na Uy.  

 
Nhật Minh

Theo AP, Automotive News