Hãng xe Trung Quốc thuê đóng tàu để chủ động vận chuyển hàng xuất khẩu

Nhật Minh

(Dân trí) - Dự kiến BYD sẽ sở hữu 8 tàu biển để có thể chủ động việc vận chuyển ô tô, hạn chế sự phụ thuộc vào các đơn vị vận tải đang có xu hướng "kỳ thị" xe điện vì lo ngại nguy cơ cháy nổ.

BYD đã đánh dấu một cột mốc quan trọng khi con tàu Ro-Ro mang tên Explorer 1 đã hoàn tất chuyến chạy thử đầu tiên kéo dài 7 ngày trên biển.

Công ty đóng tàu quốc tế Quảng Châu, chi nhánh của Công ty đóng tàu Trung ương Trung Quốc, triển khai dự án số 1 đóng tàu chuyên chở 7.000 ô tô (PCTC) ở Quảng Châu vào đầu năm nay.

Hãng xe Trung Quốc thuê đóng tàu để chủ động vận chuyển hàng xuất khẩu - 1

Dự án này có ý nghĩa chiến lược trong nỗ lực của BYD nhằm tăng năng lực vận chuyển và phân phối sản phẩm (Ảnh: BYD).

Tàu PCTC 7000 của BYD có chiều dài 199,9m, rộng 38m, độ mớn nước 9m, vận tốc thiết kế 35km/h. Điểm đặc biệt là nó vận hành bằng khí gas tự nhiên hóa lỏng (LNP) hoặc dầu, xả ra khí thải sạch hơn.

Thêm vào đó, con tàu này lần đầu tiên tích hợp pin vào máy phát điện đồng trục. Nó cũng được thiết kế với nhiều tính năng tiết kiệm năng lượng, như các thiết bị tiêu thụ năng lượng hiệu quả, các giải pháp giúp cản lực cản, và sử dụng sơn chống gỉ.

Dự kiến BYD sẽ có 8 con tàu như thế, được kỳ vọng sẽ giải quyết những khó khăn trong vận chuyển hàng hóa của các hãng tàu châu Âu.

Chi phí ước tính cho dự án đầy tham vọng này của BYD là gần 5 tỷ nhân dân tệ (khoảng 17,1 nghìn tỷ đồng).

Khoản đầu tư chiến lược vào lĩnh vực vận tải biển phù hợp với kế hoạch mở rộng hoạt động ra thị trường nước ngoài của BYD. Trong tháng 11 vừa qua, BYD đã ghi nhận lượng xe điện xuất khẩu cao kỷ lục, đạt 30.629 chiếc.

Cộng dồn 11 tháng đầu năm nay, xuất khẩu xe của BYD đạt 206.679 chiếc, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái. 

Mục tiêu của BYD là soán ngôi Tesla, sớm trở thành nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới.

Tuy nhiên, hồi đầu năm nay, hãng tàu biển Havila Kystruten của Na Uy cho biết sẽ không nhận vận chuyển xe điện nữa, dù xe điện là một phần hay thuần điện. Lý do chính mà hãng đưa ra là nguy cơ cháy nổ.

Đây là một trong hai công ty có đội tàu di chuyển giữa thành phố cảng Bergen và Kierkenes, nhưng giờ đây chỉ nhận chở xe cá nhân sử dụng động cơ đốt trong.

Dù các nghiên cứu cho thấy nếu tính bình quân, tỷ lệ cháy xe động cơ đốt trong cao hơn xe điện, nhưng hãng tàu Havila Kystruten giải thích rằng lý do họ từ chối vận chuyển xe điện là khả năng chữa cháy trên tàu hạn chế, chứ không phải nguy cơ cháy cao hay thấp.

Quyết định của hãng tàu Havila Kystruten được đặc biệt chú ý vì Na Uy là một trong những thị trường tiêu thụ xe điện lớn nhất thế giới hiện nay. Hơn 80% ô tô bán ra ở nước này trong năm 2022 vừa qua là xe điện thuần túy.

Do đó, việc BYD tính phương án chủ động vận chuyển xe điện được cho là quyết định có tầm nhìn xa.

Nhà sản xuất ô tô Trung Quốc này đã có mặt tại khoảng 70 thị trường nước ngoài.

Theo CarNewsChina