Teen mắc bệnh... "cầm nhầm"

Nhân lúc người bán hàng lơ là, Ngọc Mai nhanh chóng chộp lấy chiếc hộp đựng bút bỏ túi rồi ra về như chẳng có chuyện gì. Hành động như kiểu của Mai là thói quen xấu trong một bộ phận giới trẻ hiện nay...

Hỉ hả vì được... "cầm nhầm"

 

Ngọc Mai (Tây Hồ, Hà Nội) là con một của một gia đình khá giả. Di động, laptop, xe máy….cô có đủ, nhưng thỉnh thoảng Mai lại "cầm nhầm" một thứ gì đó trong cửa hàng, siêu thị về nhà. Những thứ Mai mang về thường là dây cột tóc, kẹp, sữa rửa mặt loại mini…

 

Không chỉ vậy, khi bạn bè ở lớp có món đồ gì mới lạ, Mai đều nổi lòng tham muốn sở hữu. Những thứ mang về có khi cô chẳng bao giờ động đến nhưng mỗi lần "thó" được một món đồ mới Mai đều hỉ hả ra mặt. Thậm chí cô cho rằng đó là "chiến tích" ít ai có thể  sánh được.

 

Minh họa: DAD
Minh họa: DAD

 

Với Ngọc Anh, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội "điên đầu" vì vớ phải anh người yêu thích "cầm nhầm". Lần đầu tiên cô phát hiện ra chuyện này là lúc cả hai cùng nhau đi nhà sách.

 

 "Mình hí hửng sà vào quầy phụ kiện kẹp cài rồi khuân đến quầy thanh toán. Xong xuôi đi uống nước thì thấy anh chìa ra cho mình thêm cái móc điện thoại pha lê rất đẹp. Mình ngạc nhiên không biết anh mua lúc nào. Vì trong nhà sách tụi mình ở bên nhau suốt thì làm sao anh có thời gian mua riêng?

 

Mình không dám nghĩ anh "thó" đồ của người ta. Vì cửa hàng có camera hẳn hoi, dù là ăn cắp chuyên nghiệp cũng không liều đến thế", Ngọc Anh kể.

 

Nhưng đến lần thứ hai, thứ ba, Ngọc Anh thực sự choáng. Có lần cô và người yêu đi mua trái cây, trong lúc cô bán hàng cúi xuống tủ lấy tiền  trả lại thì anh người yêu đã nhanh tay bỏ thêm 2 quả táo vào bao nilon.

 

"Mình sửng sốt "cấm khẩu" vì sợ người ta biết sẽ rắc rối. Trên đường về mình cằn nhằn hỏi vì sao anh làm thế. Anh tỉnh queo trả lời rằng bà ta bán đắt nên lấy thêm cho bõ ghét, với lại hai quả táo có đáng mấy xu. Nhưng đó là táo Mỹ, 2 quả cũng đã 70- 80 nghìn đồng, có giá trị với người buôn bán nhỏ lẻ lắm chứ. Quan trọng hơn là thái độ của anh không nhận sai làm mình rất bực", Ngọc Anh cho biết.

 

Tẩy chay thói... ăn cắp vặt

 

Việc thường xuyên "cầm nhầm" đồ của người khác là hành vi xấu, nhưng Mai lại nghĩ khác, rằng: "Rất nhiều người nổi tiếng cũng làm vậy".

 

Mai tiếp tục lặp đi lặp lại hành vi của mình. Hậu quả là rất nhiều lần cô bị nhân viên bảo vệ các cửa hàng bắt được và gọi bố mẹ đến làm việc để đền bù. Không những thế, việc Mai thường xuyên lấy đồ của bạn gây nên nghi kị trong bạn bè và khi phát hiện ra đã đồng loạt tẩy chay không chơi với Mai.

 

Ngọc Anh sau rất nhiều lần khuyên nhủ, khóc như mưa như gió vì giận và cảm thấy mất mặt thì anh người yêu hứa sửa chữa. "Thế nhưng đâu lại vào đấy. Anh không bao giờ đi siêu thị, bảo ngại vì đông đúc ồn ào. Mình tưởng thật nhưng hóa ra không phải.

 

Anh không muốn đi siêu thị lớn vì an ninh chặt chẽ mà chỉ muốn đi đại lý, tạp hóa nhỏ lẻ cho dễ “hành động". Quan trọng hơn anh không coi đó là ăn cắp mà xem là “đồ khuyến mãi đi kèm”, Ngọc Anh buồn rầu cho biết.

 

 Không thể "trị" được anh người yêu, Ngọc Anh đành nói lời chia tay với chàng đẹp trai nhưng lại có thói ăn cắp vặt.

 

"Cầm nhầm" là một căn bệnh, chắc chắn có hại. Việc thử một hai lần có thể tạo cho ta cảm giác lạ nhưng lặp đi lặp lại thì sẽ thành thói quen xấu có thể phải trả giá trước pháp luật...

 

Theo Nguyễn Dũng

Tuổi trẻ thủ đô