Nữ sinh và thầy giáo: Bình thường và bất thường

N.T.H.H - học lớp 8 ở một trường THCS nọ khăng khăng với bạn là thầy G “để ý” mình. H nhất mực tin rằng chỉ có thầy G mới có thể hiểu được nỗi niềm riêng của mình. Trong lớp, H luôn dành những ánh mắt tôn thờ, trìu mến cho thầy.

Học sinh phổ thông yêu mến thầy cô giáo và xem thầy cô của mình như thần tượng là tín hiệu đáng mừng vui, vì điều đó thể hiện niềm tin của học trò với những người thầy mẫu mực. Tuy nhiên trong thực tế, một số bạn ngộ nhận thần tượng của mình và đồng nhất hóa thần tượng với... người yêu đầu đời.

 

Hiện tượng này thường xuất hiện chủ yếu ở các nữ sinh. Quan hệ giữa nữ sinh và thầy giáo có nhiều lúc hết sức tế nhị và rất nhạy cảm, đặc biệt là đối với nữ sinh bậc trung học cơ sở.

 

Khi được hỏi về quan hệ giữa thầy G và H, các bạn của H đều cười và cho rằng chẳng có chuyện gì xảy ra. Thầy G còn chưa phân biệt được H với những học trò khác, thậm chí thầy vẫn chưa rõ chính xác H học lớp 8 mấy. Chỉ có mỗi H là rất vô tư tưởng tượng và thêu dệt... chuyện tình trên mây.

 

Tìm đến chuyên viên tư vấn học đường và thổ lộ chuyện... tương tư, H thú thật tim mình đập thình thịch mỗi khi có tiết dạy của thầy, trong lớp chỉ lo ngắm nhìn thầy và ra sức “bảo vệ” thầy tới cùng. Sau khi trò chuyện và tìm hiểu vấn đề, chuyên viên tư vấn chợt suy tư: lỡ mà ai đó lợi dụng những cảm xúc bồng bột của sự non dại ấy thì chuyện gì có thể xảy ra!

 

N thì học thêm với thầy giáo dạy toán lớp 9; luôn đi học sớm để mong được thầy trò chuyện nhưng chưa lần nào được toại nguyện. Lý do đơn giản: thầy rất bận rộn không có thời gian... tiếp khách, nhiều lúc không kịp ăn giữa ca thì lấy đâu ra giờ để nói chuyện với N.

 

Thật ra N cũng đâu có chuyện gì để nói. N tâm sự với bạn rằng em chỉ muốn đến sớm và nhìn thầy từ xa thôi, dáng thầy giảng bài nhìn từ xa hay lắm. Sức học toán của N khá dần lên và em không ngần ngại công khai hi vọng rằng mình sẽ là một học trò cưng của thầy, và chỉ có mình mới có thể làm thầy vui lên.

 

Quả thật thầy vui lên thấy rõ khi N tiến bộ, điều đó vô tình làm N thêm tin là thầy luôn quan tâm đặc biệt đến mình, thầy luôn dành cho mình một tình cảm nồng thắm... Nghe các bạn kháo nhau rằng thầy đã có người yêu, cũng là cô giáo cùng trường nhưng N nhất định không tin và cho rằng các bạn muốn... chia rẽ.

 

Một hôm tình cờ nhìn thấy thầy đang chở cô giáo, trò chuyện rất gần gũi và thân mật, N ít nói hẳn đi và cố tình lánh mặt thầy, trong lớp không chịu theo dõi bài học như trước đây, sức học sa sút. “Thầy đã không tôn trọng mình, tại sao thầy vui vẻ, thường hay khen ngợi và tươi cười với mình mà lại... yêu cô giáo!” - N nói với các bạn. 

 

Tuổi mới lớn nhiều lúc không phân biệt được các cảm xúc, thường tự suy diễn vấn đề theo cách nhìn chủ quan và rất bồng bột. Các bạn cũng chưa đủ kinh nghiệm để phân biệt tình thương của trách nhiệm và tình yêu đôi lứa. Do đó khi đặc điểm tâm lý chưa ổn định đi kèm với sự xao xuyến lãng đãng rất dễ bị lợi dụng nếu chẳng may rơi vào tay kẻ xấu...

 

Một số thầy giáo trẻ vui tính, nhanh nhẹn và hào phóng, thường chiều chuộng học trò, nhất là với các em hoạt bát, nhí nhảnh. Đôi lúc do tính cách tuổi trẻ, có thầy vui chơi với học trò rất hồn nhiên, nhiều lúc làm các em nhõng nhẽo, vòi vĩnh rồi... rung động và bồi hồi tơ tưởng.

 

Nhiều thầy khi biết điều đó, ngay lập tức bày tỏ thái độ công khai, rõ ràng và thể hiện những hành vi của người lớn để học trò “ngộ” ra được vấn đề. Tình hình trở nên dễ chịu, quan hệ thầy trò vẫn bình thường và sau đó học trò lại tin vào thầy như những thần tượng thật sự, một người thầy đáng kính đúng nghĩa.

 

Tuy nhiên, khi gặp trường hợp như vậy, một số thầy rất chủ quan cứ tưởng chuyện nhỏ, có gì mà... ầm ĩ, thậm chí có lúc lại thích ỡm ờ. Câu chuyện trở nên phức tạp, thầy giáo dễ dàng bị mang tiếng là thiếu nghiêm túc và học trò thì cứ như... người cõi trên.

 

Theo TS Tâm lý Đinh Phương Duy
Tuổi Trẻ