1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Bình:

Xảy ra 46 vụ tai nạn lao động khiến 48 người thương vong trong năm 2020

Tiến Thành

(Dân trí) - Năm 2020, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 46 vụ tai nạn lao động khiến 48 người bị nạn. Trong đó 15 người chết, bị thương nặng 33 người.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Quảng Bình vừa có thông báo về tình hình tai nạn lao động tại địa phương này trong năm 2020. Cụ thể, năm 2020, toàn tỉnh Quảng Bình đã xảy ra 46 vụ tai nạn lao động làm 48 người bị nạn. Trong đó 15 người chết, bị thương nặng 33 người.

Đặc biệt, từ tháng 6 - 8, 7 vụ tai nạn lao động trong sản xuất đã xảy ra, làm chết 8 người lao động. Trong đó có 1 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng làm chết 2 người lao động.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do người sử dụng lao động, người lao động chưa thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, vi phạm nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn; do lỗi hỗn hợp của cả người sử dụng lao động chưa thực hiện huấn luyện an toàn lao động theo định kỳ và người lao động chưa tuân thủ nghiêm ngặt công tác an toàn lao động trong sản xuất, bất cẩn, chủ quan….

Xảy ra 46 vụ tai nạn lao động khiến 48 người thương vong trong năm 2020 - 1

Lò gạch tại huyện Bố Trạch, nơi xảy ra vụ tai nạn lao động khiến 2 người tử vong, xảy ra vào tháng 7/2020.

Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chưa chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra, chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, phòng ngừa tai nạn lao động tại đơn vị; chưa chú trọng việc tổ chức huấn luyện công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.

Để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình đề nghị các ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền, vận động người sử dụng lao động và người lao động chấp hành tốt công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động; nội quy, quy trình làm việc an toàn, sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân tại đơn vị để hạn chế các nguy cơ rủi ro về tai nạn lao động.

Tổ chức khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, lập hồ sơ sức khỏe thông qua khám sức khỏe nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp.

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn.

Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động nhằm hạn chế thấp nhất tai nạn lao động, bảo đảm an toàn cho người lao động.