1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Phận đời mưu sinh nơi cổng bệnh viện

Phạm Công

(Dân trí) - Khu chợ nhỏ trước Cổng phụ bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tấp nập người mua bán mỗi sáng. Đây cũng là nơi mưu sinh nhiều năm qua của hàng chục người lao động ngoại tỉnh lên Hà Nội kiếm sống.

Vất vả mưu sinh

Hàng ngày, từ 6h sáng trước cổng phụ bệnh viện Bạch Mai thuộc phố Phương Mai (quận Đống Đa, TP Hà Nội) đã đông đúc bệnh nhân, người thân và cả những người lao động tự do kiếm sống bằng việc bán hàng quà ăn sáng, trưa, tối.

Trao đổi với PV Dân trí, chị Lương Thị Thanh (quê ở Giao Thuỷ, Nam Định) đã có 6 năm bán hàng tại đây, cho biết: “Trước đây, tôi đã bán hàng ở chợ Đông Tác (Đống Đa) nhưng không ăn thua nên chuyển ra đây bán. Khách ở đây chỉ mua củ khoai, nắm xôi, hộp nhựa, sữa nhưng tần suất nhiều hơn nơi cũ. Tiền lời mỗi ngày tôi dư khoảng hơn 200.000 đồng”.

Phận đời mưu sinh nơi cổng bệnh viện - 1

Chị Lương Thị Thanh cùng nhiều người khác vẫn hàng ngày chật vật mưu sinh nơi cổng viện

Mặt hàng chị Lương Thị Thanh bán chủ yếu là ngô, khoai, sắn được chị mua lại từ chợ đầu mối Long Biên, về rửa sạch, chế biến rồi đem ra cổng viện bán. Từ lúc chuyển hàng ra cổng viện, chị kéo người chồng ở quê lên làm xe ôm.

“Hàng ngày, tôi chuẩn bị hàng xong thì hai vợ chồng cùng đi làm từ lúc 6h sáng. Bữa trưa qua loa chỉ ăn ngô với khoai nhà bán cho xong. Tối muộn về nhà trọ thì cả hai vợ chồng cùng nấu cơm ăn” - chị Lương Thị Thanh tâm sự.

Theo chị Lương Thị Thanh, từ việc bán hàng nơi cổng viện, mỗi tháng anh chị gửi về quê được gần chục triệu đồng nuôi các con ăn học, dần dà mua được chiếc xe máy. Năm ngoái, anh chị cũng cất được căn nhà 1 tầng nơi quê nhà Nam Định.

Phận đời mưu sinh nơi cổng bệnh viện - 2

Hàng trăm hình thức kinh doanh khác nhau tại khu vực này

Cùng cảnh mưu sinh nơi cổng viện, chị Hoàng Ngọc Thuý quê ở Cẩm Khê, Phú Thọ tâm sự: “Ở đây không ai cho buôn bán đâu, mình phải trả tiền thuê chỗ ngồi trước cửa nhà người ta, mỗi ngày 50.000 đồng thì công an phường đuổi chỉ cần lùi lại là được không phải chạy”.

Được biết, chị Hoàng Ngọc Thuý làm nghề chính là trông bệnh nhân. Những lúc không có việc, chị lại hành nghề bán đồ ăn nhanh tại cổng viện.

Chị Hoàng Ngọc Thuý thuê nhà trọ cùng 4 người nữa cũng làm nghề này ở phố Trương Định, Hàng ngày chị phải dây từ 3 giờ sáng để chuẩn bị bánh  rồi gánh bộ 2 km đến cổng phụ bệnh Viện Bạch Mai để bán.

“Mỗi ngày trừ chi phí đi tôi cũng được hơn 200.000 đồng. Năm nay dịch bệnh cũng chẳng được bao nhiêu. Vất vả nắng mưa đều phải đi làm, ráo mồ hôi là hết tiền” - chị Hoàng Ngọc Thuý tâm sự.

Phận đời mưu sinh nơi cổng bệnh viện - 3

Có cả những người đàn ông làm nghề 

Còn hơn nghề... làm muối

Hàng ngày con ngõ số 4 đối diện Cổng phụ bệnh viện Bạch Mai tấp nập người nhà bệnh nhân qua lại từ sáng sớm đến tối muộn, đây cũng là nguồn sống của hàng chục người bán hàng như chị Thuý, chị Thanh. Họ đều là những lao động đến từ các vùng quê nghèo lên Hà Nội kiếm sống.

“Thường trú” ở Hà Nội với nghề bán hàng rong đã hơn 10 năm nay nhưng chưa bao giờ chị Lương Thị Thanh nghĩ đến chuyện về quê làm. Chị nói: “Ở quê tôi giờ về chỉ có làm muối. Nuôi 3 đứa con ăn học mà về quê làm muối thì cả nhà chết đói. Bây giờ nghề muối cũng chẳng còn thịnh như trước nữa, người dân quê tôi lên Hà Nội kiếm sống nhiều lắm”.

Chưa biết ngày sẽ về hẳn quê để làm ăn nhưng lúc nào trong đầu chị cũng nghĩ khi nào trả hết nợ xây nhà, các con tự lo được cho bản thân chị sẽ về quê mở cho mình một quán bán đồ ăn sáng nho nhỏ.

Phận đời mưu sinh nơi cổng bệnh viện - 4

Nhiều người thân bệnh nhân tới đây để ăn uống và nghỉ ngơi

Trên tay một "siêu thị mini” trị giá vài trăm nghìn đồng nào là đôi dép, chiếc cốc, dao cạo râu thậm chí là những gói tăm, chị Bùi Thị Thoa (quê ở Việt Yên, Bắc Giang) thường ngày mưu sinh bên cổng bệnh viện.

Mỗi ngày, chị chỉ bán được khoảng 150.000 đồng. Hôm nào công an họ đuổi còn không bán được đồng nào, thế nhưng chị Bùi Thị Thoa cho rằng vẫn hơn là ở quê trông chờ vào ba sào ruộng với mấy con gà, con vịt.

Chị Bùi Thị Thoa tâm sự, ở quê đất đai cằn cỗi, kinh tế kém phát triển, lúc nông nhàn người người kéo nhau xuống Hà Nội kiếm sống, chật vật suốt ngày nhưng vẫn còn có đồng ra, đồng vào.

Khi được nhắc đến việc về quê chị nói: “Đi làm thì cứ đi thôi chứ, bây giờ về thì biết làm gì cho ra tiền, chồng tôi ốm đau nên cũng chỉ làm thuê lặt vặt trong xã ngoài làng. Cả nhà trông chờ vào cái gánh hàng này đấy chú ạ”. Vừa nói chị vừa vẫy tay mời những người khách đi qua.

Phận đời mưu sinh nơi cổng bệnh viện - 5

Chị Bùi Thị Thoa với chiếc "siêu thị mini" trị giá chưa đầu 1 triệu đồng

Buôn bán ở cổng viện chẳng dễ dàng gì, vì cổng viện đông người ra vào. Việc bán hàng gây ùn tắc nên đương nhiên công an rồi bảo vệ “hỏi thăm”  liên tục. 

“Biết là vi phạm trật tự nên khi bị bắt là thu hết đồ ngay. Đầu tuần trước, chị Hương cùng làng với tôi đang mải trả lại tiền cho khách thì bị thu hết cả bộ đồ nghề bán bánh mì. Chúng tôi đều biết buôn bán ở đây là vi phạm quy định của thành phố thế nhưng ngoài nghề này ra chẳng biết làm gì” - chị Bùi Thị Thoa kể.

Thật khó thống kê có bao nhiêu người mưu sinh hè phố tại khu vực này, với cả trăm hình thức. Bám vỉa hè phố mưu sinh đã trở thành "nguồn sống chính" của những người dân nghèo, người thôn quê thiếu việc làm.