1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhọc nhằn nghề "chẻ" đá đổi cơm ở Đà Nẵng

Hoài Sơn

(Dân trí) - Thợ nghề chẻ đá tại Hòa Sơn (Hòa Vang - Đà Nẵng) được chủ trả lương theo ngày. Nếu làm siêng năng, họ có thể kiếm từ 200.000 đồng/ngày trở lên. Đổi lại, người thợ đối mặt với nhiều vất vả, hiểm nguy.

Mưu sinh từ… đá

Giữa buổi trưa tháng 3, chúng tôi tìm đến thôn Phú Hạ (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng). Con đường nhỏ dẫn chúng tôi đến thôn bị bao phủ bởi lớp bụi mờ mịt, trắng xóa từ các xưởng đá hai bên đường. Tiếng máy cưa đá chua chát cứ rít lên liên hồi, cùng tiếng cạch cạch của búa gõ đá vọng lại khiến nhiều người phải inh tai nhức óc.

Nhưng nơi đây, hàng trăm con người hàng ngày vẫn cần mẫn làm việc, người đập đá, người cưa, người chẻ để mưu sinh.

Có trực tiếp chứng kiến những người thợ chẻ đá làm việc, chúng tôi mới thấy hết cái cơ cực và hiểm nguy của cái nghề này. Để tạo ra những sản phẩm đá đạt tiêu chuẩn, người thợ chẻ đá phải đánh đổi bằng những giọt mồ hôi, thậm chí nguy hiểm thì mới có những viên đá vuông vức phục vụ cho các công trình.

Nhọc nhằn nghề chẻ đá đổi cơm ở Đà Nẵng - 1
Mỗi ngày, các thợ chẻ đá phải gồng mình trước bụi đá, tiếng ồn…

Tôi ghé vào một xưởng đá ven đường, một người đàn ông trung niên da đen nhẻm, đang cắm cúi đập đá. Mồ hôi đầm đìa, dính cùng với khói bụi như điểm thêm sự khổ cực cho cái nghề "mặn chát mồ hôi" này.

Thấy có người ghé lại hỏi chuyện, anh Hà Quang Bảo (32 tuổi) buông cây búa và lau vội những mồ hôi còn chảy ròng ròng trên mặt.

Nhọc nhằn nghề chẻ đá đổi cơm ở Đà Nẵng - 2
Những người thợ ở Hòa Sơn vẫn còn chẻ đá bằng phương pháp thủ công

Anh Bảo cho biết: "Nghề chẻ đá không yêu cầu bằng cấp, nhưng đòi hỏi người làm nghề phải có sức khỏe tốt, dẻo dai, và có tính kiên nhẫn. Vì để tạo ra sản phẩm cần phải trải qua rất nhiều công đoạn khó và rất vất vả. Hằng ngày phải phơi mình ngoài nắng, tiếp xúc thường xuyên với khói bụi và tiếng ồn phát ra từ máy cưa đá".

Mặc dù hiện nay nhiều máy móc hiện đại có thể cắt đá dễ dàng thay cho sức người nhưng giá của những lưỡi cắt khá đắt lại dễ gãy khi gặp đá cứng nên họ ít khi dùng đến. Và để giữ được sự đặc biệt cho đá Hòa Sơn, những người thợ nơi đây vẫn phải chẻ đá bằng phương pháp thủ công, thô sơ với những chiếc nêm sắt như nhiều năm trước.

Nhọc nhằn nghề chẻ đá đổi cơm ở Đà Nẵng - 3
Bụi bẩn và ô nhiễm là nỗi lo của người chẻ đá

"Nghề này, vất vả và nguy hiểm dữ lắm, lúc nào cũng nhem nhuốc vì tiếp xúc liên tục với bụi. Cả ngày chỉ ngồi chẻ, đục, đẽo, nghe nhiều âm thanh của sắt, đá va vào nhau cũng đủ inh tai, nhức óc rồi", anh Bảo chia sẻ.

Vừa nói dứt câu anh lại hì hục đưa từng phiến đá vào dàn máy cắt. Tiếng sắt thép tiếp xúc với đá kêu chát chúa giữa trưa nắng. Từng giọt mồ hôi đục ngầu thấm đẫm trên những phiến đá. Thỉnh thoảng những mảnh đá vụn lại cứa vào cánh tay anh, nhưng anh Bảo vẫn cười vang: "Chuyện thường thôi, quen rồi".

Nhọc nhằn nghề chẻ đá đổi cơm ở Đà Nẵng - 4
Theo các thợ chẻ đá, làm nghề này nếu đeo bao tay thì bị vướng, khó làm việc

Có nhọc nhằn nào bằng miếng cơm, manh áo người thợ đá làm ra. Đời phu đá đối mặt với sinh tử trong gang tấc, nhưng vì cơm, áo, gạo tiền nhiều người vẫn hiên ngang bước vào cái nghề "vắt" đá đổi cơm này.

Đời đá, đời người

Nguy hiểm luôn rình rập và là nỗi lo thường nhật của những người làm nghề chẻ đá. Những vết thương do các mảnh đá nhỏ trong khi chẻ bay trúng vào cơ thể là điều quá bình thường đối với một người thợ đá.

Có người bị mảnh sắt (từ cây đục) hay vụn đá bắn vào hỏng cả mắt, cả tai. Còn chuyện bẹp ngón tay, ngón chân, thậm chí gãy chân vì đá là thường. Sau những tai nạn đó, người bỏ nghề thì ít, đa số vẫn gắn bó như một cái nghiệp của cuộc đời họ.

Nhọc nhằn nghề chẻ đá đổi cơm ở Đà Nẵng - 5
Thu nhập của nghề chẻ đá trung bình từ 200.000 đồng/ngày trở lên

Nhoẻn cười qua chiếc khẩu trang dính đầy bụi cát, chị Nguyễn Thị Minh Hương (35 tuổi, quê Quảng Nam) tâm sự: Ở quê chị không có việc làm, nên ra đây làm đá kiếm thu nhập.

Mỗi ngày chị chẻ được hơn một ngàn viên đá. Dù nguy hiểm và hơi bụi bặm, nhưng bù lại có đồng ra đồng vô phụ thêm cho con ăn học.

"Mấy lần đầu chưa quen, bị đập vô tay nhiều lắm, ngồi cả ngày nên đêm về đau ê ẩm cả xương sống. Nhưng giờ quen rồi, thấy công việc cũng đơn giản", chị Hương cười nói.

Nhọc nhằn nghề chẻ đá đổi cơm ở Đà Nẵng - 6
Vì cuộc sống mưu sinh, họ phải "vật lộn" cùng những phiến đá, để kiếm cơm và tiếp bước cho những đứa trẻ đến trường

Ngoài ra, công việc nặng nhọc, vất vả nhưng họ không có dụng cụ bảo hộ lao động. Họ chỉ được cái khẩu trang mỏng manh dùng để che bụi. Không chỉ vậy làm lâu năm các thợ chẻ đá có nguy cơ bị bệnh viêm đường hô hấp, viêm xoang, viêm họng… do tiếp xúc với bụi đá lâu ngày.

Không chỉ có những người đàn ông khỏe mạnh, vạm vỡ mới làm được nghề này, mà còn có cả những người phụ nữ chân yếu, tay mềm vì cuộc sống mưu sinh, họ phải "vật lộn" cùng những phiến đá, để kiếm cơm và tiếp bước cho những đứa trẻ đến trường.

Nhọc nhằn nghề chẻ đá đổi cơm ở Đà Nẵng - 7
Mặc dù tai nạn nghề nghiệp, bệnh tật luôn rình rập thế nhưng họ vẫn quyết bám trụ với nghề

Trong túp lều xiêu vẹo, ngồi giữa đống đá ngổn ngang, những người phụ nữ che mặt sơ sài bằng tấm khẩu trang mỏng, đôi găng tay vải cũ sờn, với các dụng cụ đơn giản là một cái búa và một thanh kim loại dẹt cứng.

Họ nhanh thoăn thoắt, tay đục, tay búa chuẩn xác để tạo nên những phiến đá đủ mọi hình thù vẫn không làm cho đá bị vỡ vụn. Nhìn những giọt mồ hôi và bàn tay chai sần rướm máu mới thấy, phải thật khéo léo và kiên nhẫn, chịu khó thì mới mong bám trụ mưu sinh với nghề này.

Tay lau những giọt mồ hôi nhễ nhại, cô Đinh Thị Kim Ánh cho biết, đa phần những người phụ nữ làm nghề này đều có chồng, con đang hành nghề tại đây. Nghề chẻ đá được chủ trả lương theo ngày. Nếu làm siêng năng thì mỗi ngày có thể kiếm được 200.000 đồng trở lên.

"Hơn 10 năm nay gia đình tôi sống bằng nghề chẻ đá tại nơi đây rồi. Giờ không làm nghề này thì biết kiếm gì lót dạ từng bữa, còn lo học phí cho tụi nhỏ đi học nữa", cô Ánh thở dài tâm sự.

Khó khăn là vậy, nguy hiểm là vậy nhưng khi được hỏi về ý định chuyển nghề, thì ai ai cũng đều lắc đầu. Có lẽ họ không còn sự lựa chọn nào khác dù đang phải đương đầu với bao bệnh tật, tai nạn đang chực chờ nhưng vì chuyện cơm, áo, gạo, tiền họ vẫn chấp nhận một cuộc mạo hiểm từng ngày, từng giờ.