1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhiều lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do doanh nghiệp nợ bảo hiểm

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Nhiều trường hợp người lao động nộp hồ sơ xin hưởng trợ cấp thất nghiệp mới phát hiện sổ bảo hiểm không được chốt, do doanh nghiệp chưa đóng bảo hiểm đầy đủ cho nhân viên.

Theo bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó giám đốc Trung Tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội, thời gian qua, có nhiều trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi mất việc làm. Nguyên nhân là không thỏa mãn một trong 4 điều kiện quy định tại Điều 49, Luật Việc làm như: có việc làm trong thời gian 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ để hưởng trợ cấp thất nghiệp, không đóng bảo hiểm đủ tháng theo quy định, hoặc nộp hồ sơ hưởng trợ cấp quá thời hạn 3 tháng từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động...

Trong đó, phổ biến là trường hợp người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do không đáp ứng yêu cầu đóng bảo hiểm thất nghiệp vào tháng liền kề trước khi mất việc.

Nói về vấn đề này, ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm Thất nghiệp, Cục Việc Làm, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - cho biết, trước hết nên hiểu thế nào là "đang đóng bảo hiểm thất nghiệp". Trước đây, Nghị định 28/2015/NĐ-CP quy định người lao động đang đóng bảo hiểm thất nghiệp là những người có đóng bảo hiểm thất nghiệp đến khi chấm dứt. Người lao động đóng là đóng theo tháng, chấm dứt thì lại chấm dứt theo thời điểm. 

"Nghị định 28 quy định đang đóng là tháng đó có đóng cũng được hoặc tháng này không đóng nhưng tháng trước có đóng cũng được. Một số trường hợp đặc thù (ốm đau, thai sản, nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng) mà đang hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội thì được coi là người đang đóng. Một số trường hợp pháp luật cho phép người lao động, người sử dụng lao động được thỏa thuận về việc nghỉ việc không hưởng lương", ông Tú cho biết.

Nhiều lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do doanh nghiệp nợ bảo hiểm - 1
Ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm Thất nghiệp, Cục Việc Làm (Ảnh: Hữu Nghị).

Nghị định 61/2020/NĐ-CP đã mở rộng hơn nữa, giúp người lao động thuận tiện hơn trong thụ hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Theo đó, người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo tháng, thông qua người sử dụng lao động. Nên tại thời điểm người sử dụng lao động chi tiền lương cho người lao động, bản thân người lao động đã hoàn thành trách nhiệm đóng của mình. Song, có trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện đúng quy định, không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, thậm chí chiếm dụng phần đóng của người lao động.

"Những trường hợp này sẽ bị xử lý trên hành vi vi phạm của người sử dụng lao động. Quy tắc là có đóng có hưởng, chưa đóng vào quỹ thì chưa được ghi nhận thời gian đóng, dẫn đến việc người lao động không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp, chế độ bảo hiểm thất nghiệp", ông Tú cho biết.

Cũng theo Trưởng phòng Bảo hiểm Thất nghiệp, khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, quyền lợi của người sử dụng lao động lớn hơn rất nhiều so với việc trốn tránh. Trong bối cảnh Covid-19, người sử dụng lao động được giảm đóng từ mức 1% xuống 0% trong 12 tháng nhưng vẫn được ghi nhận đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp để hưởng các chế độ.

Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó giám đốc Trung Tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội - cho biết, một số lao động khi đến Trung Tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội nộp hồ sơ để được hưởng trợ cấp thất nghiệp thì phát hiện sổ bảo hiểm không được chốt, vì doanh nghiệp chưa trả hết tiền tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (có khi chỉ 1-2 tháng) và ảnh hưởng đến người lao động.

"Người lao động nghỉ việc tại thời điểm nào thì bảo hiểm xã hội sẽ căn cứ xem doanh nghiệp mà họ đang làm đã đóng bảo hiểm đến thời điểm đó chưa để chốt mức trợ cấp thất nghiệp. Người lao động đã đóng xong phần của mình, nhưng phía doanh nghiệp lại không đóng cho quỹ bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội thì không thể chốt sổ bảo hiểm được, ảnh hưởng quyền lợi người lao động", bà Liễu giải thích thêm.

Nhiều lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp do doanh nghiệp nợ bảo hiểm - 2
Bà Vũ Thị Thanh Liễu - Phó giám đốc Trung Tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội (Ảnh: Hữu Nghị).

Với những trường hợp này, Trung tâm Dịch vụ Việc làm Hà Nội thường hướng dẫn người lao động quay lại doanh nghiệp đề nghị đóng bảo hiểm để chốt cho người lao động. Sau khi doanh nghiệp đóng cho bảo hiểm xã hội Việt Nam, có người quay lại trung tâm thì đã quá thời hạn 3 tháng nộp hồ sơ theo quy định để hưởng trợ cấp thất nghiệp.

"Có trường hợp bác bảo vệ bị tai biến nhưng chưa được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nguyên nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đi công tác nước ngoài, không có người ký giấy tờ để đóng bảo hiểm cho người lao động trong tháng đó. Bác này cấp cứu trong khi đang có hợp đồng lao động nhưng không sử dụng được thẻ bảo hiểm y tế", bà Liễu kể.

Với trách nhiệm của mình, đơn vị này khuyến cáo doanh nghiệp nên tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đúng thời hạn. Điều này cũng mang lại lợi ích cho chính doanh nghiệp khi bảo vệ quyền lợi cho người lao động, tránh tình trạng người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp, dù đã tham gia đóng bảo hiểm đầy đủ.

Ngày 11/4, Báo Dân trí đã phối hợp với Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức tọa đàm "Hiểu đúng về bảo hiểm thất nghiệp - Giá đỡ với người lao động Việt". Chương trình giải đáp những vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Độc giả quan tâm, có thể xem lại tại đây.