1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhân sự khối ngành vốn "thất sủng" chưa ra trường đã được... hốt

Mỹ Hà

(Dân trí) - Nhiều thí sinh không mấy mặn mà với khối xã hội nhưng thực tế không ít ngành sinh viên chưa ra trường đã có việc làm.

Thông tin được chia sẻ tại ngày hội việc làm Trường Đại học Công đoàn (tổ chức ngày 23/6). Tại đây, một số đơn vị tuyển dụng cho biết, nhiều ngành khối C hoặc thiên về xã hội dễ kiếm việc làm, thậm chí chưa ra trường đã được doanh nghiệp "hốt".

Doanh nghiệp kỹ thuật "khát" nhân lực ngành xã hội

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Th.S Đào Thị Thu Hà, đại diện gian hàng Khoa An toàn lao động và Sức khỏe (Trường Đại học Công đoàn) cho biết, đây là một trong những đơn vị có tỷ lệ sinh viên có việc làm cao nhất trường, nhiều em chưa tốt nghiệp đã có việc làm.

"Tốt nghiệp khoa này, sinh viên có thể làm liên quan đến bảo hộ, phòng cháy chữa cháy cho các công trình, huấn luyện quan trắc về an toàn…

Riêng công tác bảo hộ, người học ra trường thường có việc làm ngay bởi các doanh nghiệp rất khát nhân lực.

Sinh viên có thể đầu quân vào các công ty nước ngoài, công ty liên doanh hoặc tư vấn", cô Thu Hà cho hay.

Nhân sự khối ngành vốn thất sủng chưa ra trường đã được... hốt - 1

Sinh viên tìm hiểu về Công ty Honda Việt Nam tại "Ngày hội việc làm" Trường Đại học Công đoàn (Ảnh: M.H).

Cũng theo giảng viên này, mỗi năm khoa này tuyển sinh được khoảng 3-4 lớp nhưng ưu điểm là ra trường có việc làm luôn, không phải chờ đợi.

Đại diện Công ty Honda Việt Nam tại ngày hội việc làm này cũng thừa nhận, nhiều người nghĩ đây là doanh nghiệp sản xuất và thiên về kỹ thuật.

Tuy nhiên, doanh nghiệp này có rất nhiều vị trí tuyển dụng nhân sự tốt nghiệp khối C như: hành chính nhân sự; phát triển thương hiệu; bảo hộ lao động và an toàn lao động, chống tai nạn rủi ro…

Cũng theo đại diện đơn vị này, do định hướng toàn cầu nên ngoài bằng cấp, khi tuyển dụng, công ty cần kỹ năng tiếng Anh với nhân sự các ngành khối C để trình bày các báo cáo, văn bản, cần các kỹ năng mềm, tư duy logic.

"Sinh viên hiện nay khá năng động. Các nhân sự khi ra trường thường mất khoảng vài tháng để doanh nghiệp đào tạo lại, sau đó rất nhanh chóng tiếp cận công việc", đại diện này nói.

Nhân sự khối ngành vốn thất sủng chưa ra trường đã được... hốt - 2

Sinh viên có cơ hội cọ xát với doanh nghiệp (Ảnh: M.H).

Không làm nếu lương dưới 12 triệu đồng

TS Nguyễn Đức Tĩnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công đoàn cho biết, ngày hội có 45 doanh nghiệp với 120 vị trí việc làm và tổng 1.200 sinh viên tham gia.

"Hiện chưa có con số thống kê cụ thể nhưng thông qua các ngày hội hàng năm, có hàng trăm sinh viên tìm kiếm được cơ hội việc làm", TS Tĩnh cho biết.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Nguyễn Đức Tĩnh, nhiều người nói học ngành xã hội thường bị "thất sủng", khó kiếm việc làm nhưng thực tế ở trường, sinh viên một số ngành học thiên về xã hội đều có việc làm nhanh chóng.

Trong đó, ngành an toàn lao động, sinh viên mới năm 3 đã được doanh nghiệp "hốt" ngay, mức lương dưới 12 triệu các em không thèm nhận việc.

Ngày hội việc làm là dịp giúp các ứng viên cọ xát với doanh nghiệp, hiểu được công việc sau khi tốt nghiệp, để có kinh nghiệm trong việc tuyển dụng ở các doanh nghiệp. Tại đây, nhân sự học được thêm kỹ năng mềm, là bước đầu để chuyển đổi từ môi trường học đường sang doanh nghiệp.

Nhân sự khối ngành vốn thất sủng chưa ra trường đã được... hốt - 3

Sinh viên tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp (Ảnh: M.H).

Theo lãnh đạo Trường Đại học Công đoàn, ngày hội việc làm nhằm nối liền nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp với nhu cầu việc làm của sinh viên, giúp các em có cơ hội tiếp xúc, thể hiện năng lực bản thân và tìm kiếm cơ hội việc làm tại các đơn vị tuyển dụng uy tín.

Các ứng viên được trải nghiệm từ việc viết hồ sơ, phỏng vấn xin việc thành công tới việc tiếp cận thị trường lao động và tìm được việc làm phù hợp thông qua các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp.

Sinh viên cũng cùng các doanh nghiệp chia sẻ môi trường làm việc và cơ hội thách thức trong sự đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường lao động.