1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nhà tuyển dụng đứng hình khi "bố mẹ trực thăng" đòi tăng lương cho con

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Thuật ngữ "bố mẹ trực thăng" ám chỉ những phụ huynh quan tâm quá mức kể cả khi con đã trưởng thành, đi làm đang trở nên phổ biến. Hành động này khiến ứng viên trẻ thấy xấu hổ, thậm chí gây bất lợi.

Ứng viên "mang bố mẹ đi làm"

Theo Wall Street Journal, một số chuyên gia tại Mỹ nhận định, hiện ngày càng có nhiều bậc phụ huynh can thiệp vào hành trình mới "ra đời", đi làm của con cái. Các nhà tuyển dụng cho biết, một số phụ huynh chủ động nộp đơn xin việc thay cho con của họ. Thậm chí, nhiều bố mẹ còn cố gắng giải quyết những vấn đề trong công việc của con.

Nhà tuyển dụng đứng hình khi bố mẹ trực thăng đòi tăng lương cho con - 1

Không ít ứng viên cảm thấy xấu hổ với đồng nghiệp khi bố mẹ của họ gọi điện trực tiếp cho nhà quản lý, tuyển dụng.

Theo đó, không chỉ nhờ bố mẹ làm giúp bài tập trên trường, một số ứng viên gen Z (thế hệ Z) còn làm điều tương tự kể cả khi đã đến tuổi đi làm.

Shawna Lake, một nhà tuyển dụng, huấn luyện viên nghề nghiệp tại Zionsville (Indiana, Mỹ) chia sẻ, cô đã thấy sự xuất hiện của bố mẹ ứng viên trên các cuộc phỏng vấn xin việc qua ứng dụng Zoom.

"Đôi khi tôi sẽ nghe thấy tiếng họ thì thầm, nói rằng 'con nên nói điều này, hỏi về điều kia'. Một số ứng viên còn trực tiếp gọi điện và nói với nhà tuyển dụng rằng bố mẹ của họ không đồng ý về điều gì đó", Shawna kể.

Thậm chí, khi thỏa thuận về tiền lương và các phúc lợi khác, các ứng viên cũng tham khảo ý kiến bố mẹ và đề nghị tương tự với nhà tuyển dụng.

Thực tế, một số công ty có phần cởi mở hơn đã nảy ra ý tưởng lôi kéo bố mẹ của nhân viên vào môi trường văn phòng. Đáng chú ý, công ty công nghệ Cornerstone Ondemand trước đây đã tổ chức sự kiện "Mang bố mẹ đi làm".

Theo Kim Cassady, cựu Giám đốc nhân sự của Cornerstone OnDemand, mục đích của công ty là muốn thấy nhân viên mang bố mẹ đến. Sau đó, họ sẽ trình bày với phụ huynh rằng họ đang làm công việc gì.

Nhà tuyển dụng đứng hình khi bố mẹ trực thăng đòi tăng lương cho con - 2

Nhiều nhà tuyển dụng cho biết, phụ huynh thường gọi điện để yêu cầu tăng lương hoặc phàn nàn về công việc của con họ.

Trang NPR viết, ngày càng có nhiều bậc bố mẹ có hành động nói trên. Megan Huffnagle, cựu quản lý nhân sự công viên giải trí ở Danver nhớ lại, Megan đã sốc khi từng nhận được cuộc gọi từ mẹ của ứng viên trẻ tuổi.

"Một nhân viên được thuê làm thực tập sinh công nghệ thông tin. Phụ huynh của người này đã gọi điện cho tôi để nói rằng con của bà ấy tài năng, xứng đáng nhận số tiền nhiều hơn. Bà ấy còn cho rằng con mình có thể kiếm được nhiều tiền hơn ngoài công việc này", Huffnagle ngán ngẩm.

Sau cuộc điện thoại đó, người quản lý bất chấp áp lực và cho chàng trai trẻ nhận việc. Thế nhưng, ứng viên này cảm thấy xấu hổ khi hay tin mẹ mình đã gọi điện cho quản lý.

Khi nào bố mẹ chịu "hạ cánh trực thăng"?

Lindsay Pollack là một chuyên gia về nghề nghiệp và nơi làm việc. Pollack cho biết, các khách hàng chia sẻ rằng, việc phụ huynh gọi điện cho nhà tuyển dụng nhân sự để yêu cầu về tiền lương hoặc vấn đề khác, đã trở thành "chuyện thường ở phường".

Tại Mỹ, các nhà tuyển dụng gọi đây là "bố mẹ trực thăng" (helicopter parents). Thuật ngữ này dành cho những cặp bố mẹ tỏ ra quan tâm quá mức đến cuộc sống của con cái. Các chuyên gia cho rằng, hành động này có thể gây bất lợi cho chính con của họ và khiến chúng thấy không thoải mái.

Nhà tuyển dụng đứng hình khi bố mẹ trực thăng đòi tăng lương cho con - 3

Các chuyên gia cho rằng, việc bố mẹ cổ vũ con là tốt nhưng chỉ nên đứng bên ngoài quan sát.

"Bạn có thể cổ vũ nhưng làm ơn hãy đứng ngoài lề, còn hơn là can thiệp vào cuộc. Một cuộc gọi đến nhà tuyển dụng có thể sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi. Đã đến lúc bố mẹ hạ cánh 'trực thăng' rồi", Pollack nói.

Việc người trẻ dựa dẫm vào bố mẹ có thể là điều hữu ích, nhưng họ không nên để phụ huynh liên hệ trực tiếp với người quản lý hoặc bộ phận nhân sự.

Theo trang NPR, đại học bang Michigan đã thực hiện cuộc khảo sát hơn 700 nhà tuyển dụng những sinh viên mới tốt nghiệp đại học. "Gần một phần ba nhà tuyển dụng cho biết bố mẹ đã nộp hồ sơ thay cho con. Thậm chí một số người còn không thông báo cho đứa trẻ", bài báo cáo viết.

Nhà tuyển dụng đứng hình khi bố mẹ trực thăng đòi tăng lương cho con - 4

Việc bố mẹ can thiệp quá sâu vào công việc có thể khiến con cái quen dựa dẫm, thiếu tính lãnh đạo, quyết đoán.

Không những vậy, một phần tư báo cáo chỉ ra rằng bố mẹ thường thúc giục người tuyển dụng thuê con của họ vào một vị trí họ muốn. Trong đó, 4% nhà tuyển dụng chia sẻ bố mẹ của ứng viên đã xuất hiện trong buổi phỏng vấn.

Margaret Fiester, thuộc Hiệp hội quản lý nguồn nhân lực cho rằng, những kiểu can thiệp này có thể phản tác dụng, thể hiện rằng con của họ không có khả năng lãnh đạo, không tự cho ra những quyết định tốt.