1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Nạn “cò” lao động làm đau đầu ngành dệt may

Trong khi các doanh nghiệp dệt may đang chạy đôn chạy đáo để tìm kiếm lao động nhằm ứng cứu kịp thời các đơn hàng đã ký thì nạn môi giới xuất hiện. Vì quá thiếu nhân lực, nhiều đơn vị đã tặc lưỡi đút tiền cho các tay "cò" mồi với giá khoảng 200.000 đồng/lao động.

Giám đốc Công ty may tư nhân Kim Nam Trương Thị Thu Văn cho biết, hiện tượng "cò" lao động đang diễn ra khắp nơi trên địa bàn thành phố, nhất là tại các khu chế xuất, khu công nghiệp. Các đại gia có tiền chỉ cần bỏ ra khoảng 100.000-200.000 đồng/người cho "cò" là có ngay công nhân. Tuy nhiên, trong khi doanh nghiệp này có lao động thì nơi khác lại đau đầu vì công nhân đã bị "cò" lôi kéo ra đi.

Kim Nam nằm gần khu chế xuất nên rất khó khăn trong việc tìm kiếm nhân lực, nay còn thấp thỏm lo sợ thêm việc các tay "cò" xuất hiện dụ dỗ công nhân. "Trong khi tôi phải chạy ngược chạy xuôi tìm thêm công nhân sản xuất đáp ứng nhu cầu của đơn hàng thì một đơn vị may ở tỉnh Bình Dương đã thuê "cò" lấy đi 15 lao động mỗi ngày. Con số này không lớn nhưng ở vào thời điểm nóng bỏng về công nhân tôi không biết phải xoay xở như thế nào", bà Văn bức xúc.

Theo bà Văn, vì thiếu lao động mà một số đơn vị đã tuyển lao động vào nhà máy mà không đòi hỏi một giấy tờ tùy thân kèm theo. Công nhân ngành may chủ yếu là những người lao động phổ thông chỉ cần những lời dụ dỗ ngon ngọt đầu hứa hẹn của các tay "cò" sẽ đồng ý. Còn doanh nghiệp không thể quản lý đời sống của họ, ngoài giờ làm bước chân ra khỏi cổng nhà máy, công nhân hoàn toàn tự do.

Từ những sơ hở trên dẫn đến tình trạng tự ý bỏ việc ngày càng tăng và doanh nghiệp đành bất lực. Thay vào đó là điều kiện thuận lợi cho các "cò" lao động dễ dàng lộng hành, kiếm tiền một cách bất chính.

Đáng chú ý là khi một người xin nghỉ thì sau đó có nhiều người khác cũng nộp đơn xin thôi việc, do sự rủ rê của đồng nghiệp. Nếu công ty không đồng ý họ cũng tự ý nghỉ. "Vẫn biết công nhân ra đi vì thu nhập ở chỗ làm mới cao hơn, đó cũng là lý do chính đáng để họ lựa chọn. Không vị giám đốc nào lại muốn trả lương thấp cho công nhân nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên không thể đáp ứng. Giá gia công của các đơn hàng vẫn giữ nguyên. Ngược lại, chi phí mọi thứ đều tăng do tác động của giá xăng dầu. Như thế, thử hỏi làm sao doanh nghiệp có thể tăng lương cho công nhân", chủ một công ty may tư nhân than thở.

Để giải quyết những khó khăn này, theo ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần Garmex Saigon, doanh nghiệp cần đảm bảo thu nhập ổn định cho lao động ngành may. Mức lương trung bình của mỗi công nhân phải tối đa khoảng 1 triệu đồng/tháng, cho dù công ty không có nhiều đơn hàng nhưng phải móc thêm "hầu bao" để tăng lương cho công nhân. Như thế, đời sống lao động mới được đảm bảo và yên tâm làm việc.

Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may và Thêu đan TP HCM (Agtek) Diệp Thành Kiệt cho rằng, nhà sản xuất cần đổi mới công nghệ để giảm thiểu lao động, nhằm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực của ngành. Bản thân công ty may Wec Saigon của ông Kiệt cũng phải tính đến giải pháp này và đã mang lại kết quả. Cụ thể, trước đây Wec Saigon có 500 lao động sản xuất được 5.000 lố hàng. Nay chỉ còn 400 lao động nhưng năng suất vẫn giữ nguyên.

Theo Nguyễn Thùy
Vnexpress