1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lấy ý kiến về thời gian làm việc, nghỉ ngơi của lao động tại hầm lò

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Bộ Công thương đang xin ý kiến các bộ, ngành về dự thảo Thông tư quy định thời gian làm việc, nghỉ ngơi của người lao động làm các công việc trong hầm lò.

Lấy ý kiến về thời gian làm việc, nghỉ ngơi của lao động tại hầm lò - 1

Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (thứ 2, từ trái qua) xuống mỏ than Núi Béo (Quảng Ninh) thăm hỏi điều kiện làm việc của thợ mỏ.

Theo đó, dự thảo Thông tư quy định người lao động làm việc thường xuyên theo ca tối đa 8 giờ. Thời gian làm việc được tính từ lúc người lao động có mặt ở cửa công trình khai thác hầm lò để vào làm việc, gồm cả thời gian giao ca, ăn giữa ca…

Thời giờ làm việc ngoài ca được tính là thời giờ làm thêm. Đồng thời, việc làm thêm giờ phải tuân thủ quy định của Điều 107 và 108 Luật Lao động 2019. 

Về thời gian nghỉ ngơi, dự thảo quy định, người lao động làm việc từ 6 giờ/ngày trở lên thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 30 phút liên tục, nếu làm việc ban đêm thì được nghỉ giữa giờ ít nhất 45 phút liên tục. 

Trường hợp người lao động làm việc liên tục 6 giờ theo ca thì thời gian nghỉ giữa giờ được tính vào thời giờ làm việc. Ngoài ra, người sử dụng lao động có thể bố trí cho người lao động các đợt nghỉ giải lao và ghi vào nội quy lao động.

Về thời gian nghỉ chuyển ca. Người lao động làm việc theo ca được nghỉ ít nhất 12 giờ trước khi chuyển sang ca khác.

Dự thảo thông tư cũng quy định, thời gian nghỉ Lễ, tết, nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương và nghỉ hàng năm theo quy định của pháp luật về lao động.

Về nhóm người sử dụng lao động liên quan tới lĩnh vực, dự thảo Thông tư cũng quy định gồm doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động trong lĩnh vực khai thác than, khoáng sản bằng phương pháp hầm lò.