1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Lao động nhí lên phố bán hàng

"Ôi dào, người ta thuê đầy đấy thôi, có thấy ai nói gì đâu, với lại mình thuê chúng nó, gia đình chúng nó còn biết ơn không hết nữa là...", bà H., một chủ hàng bánh kẹo, tạp phẩm ở Kim Liên, nói về cô giúp việc nhỏ tuổi.

Quầy hàng bán mũ trên phố Đinh Tiên Hoàng từ trước đến giờ vốn không chỉ được mọi người biết đến bởi nhiều mẫu mã đẹp, hợp thời trang mà còn có hai cô bé bán hàng thuê nổi tiếng "ranh ma". "Chiếc mũ này bao nhiêu tiền?", tôi hỏi cô bé chừng 12 tuổi tên Lan, quê ở Thanh Hóa.

"Ôi, cô tinh mắt thế, chọn đúng chiếc mũ xịn đấy. Cô nhìn đường may và cách thêu những bông hoa này, lại còn kiểu dáng nữa, rất hợp với khuôn mặt cô. Giá rẻ thôi, 70.000 đồng". "Đắt thế?". "Cô cứ xem đi rồi mua được bao nhiêu thì trả giá, thuận mua vừa bán mà...". Nói rồi, Lan quay ngay sang một người khách khác và lại tiếp tục liến thoắng chào mời.

Đứng chưa đầy 10 phút mà tôi chứng kiến em tiếp không biết bao nhiêu lượt khách hàng các loại: nam phụ ấu lão, người Việt có, khách nước ngoài có. Tôi không hiểu Lan học được ở đâu mà nói tiếng Anh bồi khá chuẩn, hết "ết ết, nô, nô" lại hoa chân múa tay, rồi cười cười nói nói, thậm chí cô bé sẵn sàng nguýt ngoáy không thương tiếc, nếu một vị khách nào đó lỡ trả giá quá rẻ.

Chúng tôi được bà chủ hàng toang toác: "Cứ về quê mà lôi lên, đầy ra ấy chứ. Thuê bọn này rẻ lắm, 200.000 đồng/tháng tiền lương, ăn ngủ ở nhà mình. Cái quan trọng là tìm được đứa thật thà…". Khi tôi tỏ ý khen hai cô bé nhanh nhẹn, bà chủ trề môi: "Không nhanh mà được à? Đã lên đến đây là cứ phải nhanh hết, không thì đừng có trách".

Phố Lương Định Của vốn nổi tiếng với hàng chục quán ăn bình dân, thì quán nào cũng có trẻ em giúp việc, mỗi quán thuê từ 3 - 4 người. Những đứa trẻ này làm tất tần tật các công việc ở quán: từ trông xe, bưng bê đồ ăn, rửa bát thậm chí kiêm luôn cả đầu bếp. Mang tiếng làm ở quán ăn suốt ngày hùng hục với dầu mỡ, với những món xào nấu béo ngậy, nhưng đứa nào cũng gầy quắt queo.

Bà H. thuê bé Hoa, người Nam Định, 12 tuổi trông hàng với giá 300.000 đồng/tháng. "300.000 đồng là giá khá cao đấy, tôi thương tình thì trả như thế, chứ nhà khác ấy à, 200.000 đồng là hết cỡ. Cô không biết chứ nhà nó nghèo lắm, mẹ nó lại thường xuyên đau yếu, bố nó làm phụ nề ở quê bữa đực bữa cái, không đủ tiền đóng học cho hai đứa em, thế nên đừng tưởng bé mà coi thường nhé, tính ra nó là lao động chính trong nhà đấy".

Những người sử dụng lao động trẻ em, họ không biết hoặc cố tình không biết. Còn trẻ em, những nhân vật chính thì lại "không có nghĩa vụ biết" và "không được biết". Với chúng, mà hầu hết là trẻ em ở nông thôn, được ra thành phố, được làm việc để kiếm tiền mang về cho bố mẹ là điều may mắn. Chính vì thế, thảng hoặc nếu có đứa nào biết thì cũng sẵn sàng thông đồng, bao che cho chủ.

Tại một hàng nem nổi tiếng trên phố Hàng Thùng, luôn luôn có gần chục đứa trẻ phục vụ, tranh thủ lúc bà chủ hàng không để ý, tôi "khều" một em bé ước chừng 14 tuổi: "Cháu bao nhiêu tuổi?". "16 rồi ạ". "Bé thế này mà đòi 16, thế còn đứa kia", tôi chỉ một đứa bé hơn. "Cũng 16 rồi đấy". Thấy tôi không tin, cô bé cố gắng thuyết phục: "Cháu nói thật đấy, cháu là cháu bà chủ, nghỉ hè thì lên làm giúp thôi".

Trở lại trường hợp cô bé Hoa, người Nam Định, bán hàng bánh kẹo trên phố Kim Liên đang là lao động chính của cả gia đình, vốn là khách hàng quen thuộc, nên tôi hiểu về em khá tường tận. Hoa kể: "Lúc đầu lên Hà Nội em cũng nhớ nhà lắm, nhưng sau dần thành quen…". Lúc tôi và bà H. nói chuyện về việc vi phạm luật lao động, tôi thấy Hoa mặc dù đang bán hàng cho khách nhưng vẫn chú ý.

Khi tôi chào về, Hoa đã chạy theo thôi níu áo: "Cháu xin cô đừng báo cho các cơ quan chính sách (Hoa nghe loáng thoáng câu chuyện giữa chúng tôi nên nói theo) biết, nếu cháu phải về quê, thì mẹ cháu lấy đâu ra tiền chữa bệnh…".

Theo Công an Nhân dân