1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Quảng Nam:

Làng bánh truyền thống giảm 40% sản lượng, lo người dân "chê"

Ngô Linh

(Dân trí) - Do giá vật liệu tăng cao, lo sức mua giảm, người dân làm bánh in truyền thống ở làng An Lạc, xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam chủ động giảm hơn 40% sản lượng.

Làng bánh in An Lạc xưa kia có hàng chục hộ làm nghề, hiện chỉ còn vài hộ sản xuất thường xuyên, chủ yếu vào dịp Tết. Đây là thời điểm người dân có nhu cầu mua bánh để thờ cúng, làm quà biếu tặng.

Làng bánh truyền thống giảm 40% sản lượng, lo người dân chê - 1

Làm bánh in thủ công phục vụ thị trường Tết ở làng bánh An Lạc (Ảnh: Ngô Linh).

Thời điểm đầu tháng Chạp, đến thăm làng bánh in An Lạc, từ đầu làng, đã nghe tiếng máy xay bột, tiếng gõ lốc cốc của người thợ đổ bánh ra khuôn. Đặc biệt, cả làng thơm nức mùi nếp mới, đậu xanh.

Tại cơ sở của gia đình ông Đặng Xuân Cầm (70 tuổi), 4 lao động đang hăng say làm việc để kịp cung ứng các đơn hàng được đặt trước. Ông Cầm đã gắn bó với nghề làm bánh in truyền thống 30 năm nay.

Làng bánh in truyền thống xứ Quảng tất bật vào mùa Tết (Video: Ngô Linh).

Ông Cầm cho biết: "Năm nay cơ sở sản xuất khoảng 4 tấn bánh, giảm hơn 40% so với năm ngoái, do vật giá tăng cao, lo ngại thị trường tiêu thụ kém. Nhiều người mất việc, kinh tế khó khăn, thương lái đặt hàng cũng ít hơn nên cơ sở chủ động giảm sản lượng".

Theo ông Cầm, nhiều hộ làm bánh đã áp dụng máy móc hiện đại vào sản xuất như máy xay bột, trộn bột, máy in bánh, lò nướng; công việc làm bánh thuận tiện hơn, sản lượng tăng cao. Cơ sở chủ yếu hoạt động vào dịp Tết nên ông Cầm duy trì cách in bánh thủ công bằng khuôn gỗ, vẫn đảm bảo chiếc bánh in bắt mắt, tinh xảo.

Làng bánh truyền thống giảm 40% sản lượng, lo người dân chê - 2

Bánh in được làm từ bột nếp, đậu xanh và đường (Ảnh: Ngô Linh).

Cơ sở làm bánh in của ông Đặng Xuân Cầm phục vụ cho các tiểu thương ở khắp nơi đến lấy sỉ để bán cho các thị trường TP Tam Kỳ, TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Ngãi...

Công việc làm bánh phù hợp với những lao động nông nhàn tại địa phương, với thu nhập dao động từ 200.000-300.000 đồng/ngày.

Đối diện nhà ông Cầm là cơ sở bánh in Tường Vi của ông Huỳnh Quang Trung (62 tuổi). Dịp Tết năm nay, hộ ông Trung sản xuất 2 tạ bánh mỗi ngày với 2 loại bánh đậu xanh và bánh nếp truyền thống, đa dạng các mẫu mã và đóng gói theo yêu cầu của khách hàng.

Làng bánh truyền thống giảm 40% sản lượng, lo người dân chê - 3

Máy nướng giúp tiết kiệm sức lao động, kiểm soát được nhiệt độ trong quá trình sản xuất bánh (Ảnh: Ngô Linh).

Ông Trung đã đầu tư hơn 200 triệu đồng để trang bị nhiều máy móc sản xuất bánh. Đặc biệt, máy in bánh trị giá 96 triệu đồng đã giúp ông giảm chi phí, tăng năng suất, đa dạng mẫu mã, hoa văn.

"Tết Nguyên đán là mùa vụ làm bánh chính, tôi phải thuê thêm 4 lao động để kịp đáp ứng đơn hàng. Dù năm nay có giảm sản lượng do lo ngại thị trường tiêu thụ kém, nhưng không khí ở khắp các cơ sở vẫn nhộn nhịp, tất bật", ông Trung cho hay.

Làng bánh truyền thống giảm 40% sản lượng, lo người dân chê - 4

Dịp Tết, đơn đặt hàng cao hơn ngày thường, các cơ sở phải thuê thêm nhân công (Ảnh: Ngô Linh).

Năm nay, giá nguyên liệu tăng cao, nhưng những hộ làm bánh ở An Lạc vẫn duy trì mức giá cũ, dao động 30.000-36.000 đồng/kg tùy loại. Đặc biệt, mẫu bánh in được xếp theo hình tháp, trang trí bắt mắt hiện đang bán rất chạy, được người dân ưa chuộng mua làm quà hoặc bày bàn thờ ngày Tết.

Làng bánh truyền thống giảm 40% sản lượng, lo người dân chê - 5

Nhiều cơ sở sản xuất mua sắm máy in bánh để đa dạng mẫu mã, giảm nhân công (Ảnh: Ngô Linh).