DNews

Hiến kế để chợ nổi không... chìm

Bảo Trân

(Dân trí) - Chợ nổi Cái Răng (TP Cần Thơ) được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2016. Trước tình trạng mai một hoạt động đặc trưng này, các chuyên gia, du khách đang sốt sắng lo cứu chợ nổi.

Hiến kế để chợ nổi không... chìm
Hiến kế để chợ nổi không... chìm - 1
Hiến kế để chợ nổi không... chìm - 2
Hiến kế để chợ nổi không... chìm - 3

Chợ nổi Cái Răng đã vắng bóng nhiều thương hồ (Ảnh: Bảo Trân).

Trong một chuyến ghé thăm chợ nổi Cái Răng, tỷ phú Joe Lewis-chủ câu lạc bộ Tottenham đã bày tỏ sự quan tâm đến đặc thù vùng sông nước miền Tây Nam Bộ tại Việt Nam đồng thời đặt ra nhiều câu hỏi về hệ thống bờ kè bảo vệ bờ sông Cần Thơ khỏi sạt lở.

Là người trực tiếp dẫn đoàn của tỷ phú người Anh đi tham quan, ông Nguyễn Hồng Hiếu - Giám đốc điều hành của Công ty Lữ hành quốc tế Hieutour (Cần Thơ) kể lại: "Tỷ phú người Anh hỏi rằng, có cách nào để làm cho những bờ kè bê tông trở nên sinh thái hơn? Nếu từ bến Ninh Kiều đi vào chợ nổi mà hai bên là những hàng cây ngập nước đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long, cảnh sắc sẽ rất tuyệt vời.

Hình ảnh đó sẽ cho du khách thấy rõ hơn Cần Thơ một thành phố sinh thái, có một khu chợ nổi truyền thống rất đặc biệt trong lòng thành phố phát triển. Điều này sẽ làm du khách thích thú và muốn trở lại đây nhiều lần hơn".

Mong muốn nhìn thấy những đặc thù sông nước miền Tây trên chợ nổi Cái Răng không chỉ là của riêng vị tỷ phú Anh, mà là của hầu hết khách du lịch khi ghé nơi đây.

Hiến kế để chợ nổi không... chìm - 4
Hiến kế để chợ nổi không... chìm - 5

Đến chợ nổi Cái Răng, người ta đã không còn nhìn thấy cảnh trên bến dưới thuyền mà thay vào đó là cảnh người thương hồ chật vật lên hàng giữa bê tông cốt thép (Ảnh: Bảo Trân).

Du khách càng tăng, thương hồ rời bỏ chợ nổi càng nhiều!

Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch địa phương, lượng khách đến tham quan chợ nổi Cái Răng tăng 12 - 15% mỗi năm. Bình quân cao điểm mỗi ngày có trên 200 lượt tàu đưa đón khách du lịch. 

Ngược với số lượng khách du lịch ngày một tăng, số lượng ghe, tàu mua bán của thương hồ trên chợ nổi ngày một giảm. Từ 500-600 ghe, tàu cách đây hàng chục năm với các hoạt động giao thương sôi nổi, nay chợ nổi chỉ 250-300 ghe, giảm 50%-60%.

Báo cáo của UBND quận Cái Răng nhận định, nguyên nhân đầu tiên khiến chợ nổi giảm sức hút là do cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương bằng đường bộ, thương hồ lên bờ kiếm kế sinh nhai.

Tiếp đến, tác động từ công trình kè sông Cần Thơ đã phá vỡ cấu trúc "trên bến dưới thuyền" vốn có của chợ nổi, khiến thương hồ bị phân tán. Trong bối cảnh đó, đề án "Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng" được xem hoạt động cấp thiết và quan trọng.

Hiến kế để chợ nổi không... chìm - 6

Ghe, tàu du lịch chiếm phần lớn số lượng phương tiện hoạt động trên chợ nổi Cái Răng (Ảnh: Bảo Trân).

Trong suốt 5 năm triển khai, đề án đã hoàn thành phần lớn các hạng mục bảo tồn giá trị văn hóa của chợ nổi Cái Răng kết hợp với phát triển du lịch. Cụ thể như: Hỗ trợ vốn vay cho gần 500 hộ phát triển du lịch, đầu tư hơn 35 tỷ đồng xây dựng cầu tàu chợ nổi, di dời nhiều bè nổi đến nơi neo đậu an toàn; bố trí phân luồng, đảm bảo giao thông thủy; thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về an toàn vệ sinh trên chợ nổi.

Cùng với đó, thời gian qua UBND quận Cái Răng còn đầu xây dựng một số hạ tầng phụ trợ như: Cải tạo hệ thống điện trên sông, kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư trạm dừng chân và đầu tư các du thuyền bán quà lưu niệm, đặc sản địa phương.

Hiến kế để chợ nổi không... chìm - 7
Hiến kế để chợ nổi không... chìm - 8

Thương hồ chật vật vận chuyển hàng, cảnh "trên bến dưới thuyền" nay không còn nữa (Ảnh: Bảo Trân).

Cần chuyển từ chợ nổi tự nhiên sang chợ nổi tự tạo

Bên cạnh bức tranh chợ nổi đổi mới, công tác bảo tồn văn hóa chợ nổi còn gặp nhiều mặt hạn chế. Điển hình như thiếu thực cảnh trên bến dưới thuyền, ghe của thương hồ ngày càng giảm số lượng. Bên cạnh đó người dân cũng chưa xây dựng ý thức giữ chân khách du lịch lâu dài.

Theo tìm hiểu, khách du lịch vào chợ nổi phần lớn đến từ bến tàu du lịch ở Bến Ninh Kiều (quận Ninh Kiều), phần còn lại đến từ các bến tự phát, các công ty có tàu du lịch, lượng khách theo nhiều đầu mối, không được quản lý, kiểm soát chặt chẽ. Từ yếu tố này, chất lượng du lịch trên chợ nổi bị giảm sút.

Hiến kế để chợ nổi không... chìm - 9

Hoạt động mua bán hiện tại trên chợ nổi đa phần dành cho khách du lịch (Ảnh: Bảo Trân).

Hiến kế để chợ nổi không... chìm - 10

Khách du lịch đi cầu tạm xuống bè nổi (Ảnh: Bảo Trân).

Bà Đặng Thị Kiều Trang (45 tuổi, ngụ Ninh Thuận) khách du lịch đến chợ nổi cho hay: "Tôi xem review (hướng dẫn) thấy nói đi từ bến nhưng vì dậy trễ nên tôi được một người dân giới thiệu đi tàu riêng, muốn đến đâu họ sẽ chở đến đó. Nhưng giá mỗi chuyến tàu 200.000 đồng/người là khá cao, sau đó tôi trả giá mãi mới xuống được mức 150.000 đồng/người".

Theo bà Trang, chợ nổi Cái Răng đã thay đổi nhiều so với lần đi gần nhất của bà vào năm 2019. Hiện tại, chợ nổi đã hút khách hơn nhưng lại không kiểm soát được chất lượng dịch vụ du lịch.

"Tôi vẫn có ấn tượng với chợ nổi mặc dù nó đã khác biệt so với nhiều năm trước. Tôi nghĩ nếu chợ có thêm nhiều ghe tàu bán trái cây như trên ảnh sẽ thú vị hơn". 

Không riêng gì bà Trang, nhiều khách du lịch cũng cho rằng chợ nổi thiếu ghe của thương hồ. Thay vì xem cảnh mua bán rau, củ, quả tấp nập thì nay, du khách thấy những ghe, xuồng bán đồ ăn phục vụ du lịch nổi trội hơn.

"Không chỉ là trải nghiệm ẩm thực, tôi muốn xem cách người dân sông nước bán buôn hàng hóa, nông sản trên sông như thế nào, họ bán có rẻ không, ăn thử có được không?... Thế nhưng tôi không có nhiều cơ hội trải nghiệm những việc đó bởi vì các ghe ở đây đa phần là ghe ẩm thực. Tôi chỉ thấy ít ghe dưa hấu, khoai lang, khác hẳn so với những gì tôi thấy trên ảnh", bà Kim Liên (48 tuổi, ngụ Thái Bình) chia sẻ.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng nhận định, văn hóa nguyên bản của chợ nổi Cái Răng hiện ở thời điểm đã bị phai nhạt. Hình ảnh giao thương của thương hồ tạo nên một trong những nét văn hóa sông nước đặc trưng trên bến dưới thuyền nay không còn thấy nữa.

"Làm du lịch không có nghĩa là làm mất đi những văn hóa vốn có, mà phải giữ các yếu tố cấu thành một văn hóa chợ nổi ngày xưa, ví dụ như giữ mối quan hệ giữa các thương hồ. Thương hồ là chủ thể của văn hóa chợ nổi, cần tạo mọi điều kiện để họ ở lại chợ nhằm làm sinh động bức tranh trên bến dưới thuyền".

Theo nhà nghiên cứu Nhâm Hùng, cần chấn chỉnh nhiều hoạt động trên chợ nổi. Trước mắt là làm hài lòng du khách, kế đến phải giữ chân thương hồ. Gần nhất là cần phải biến bờ kè chống xói lở thành bờ kè phục vụ chợ nổi. 

Ông Hùng chia sẻ, người làm công tác bảo tồn cần phải hiểu về các mối quan hệ trên chợ nổi. Đầu tiên là mối quan hệ giữa các thương hồ, tiếp theo là giữa người cung ứng dịch vụ và khách du lịch.

"Trước đây, cấu trúc của một chợ nổi là thương hồ và nhà nông, nhà nông đem sản phẩm ra bán, thương hồ mua lại sau đó bán ở nơi khác. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa nông sản có trước, dần mới hình thành các loại dịch vụ khác. Những người bán buôn hàng hóa, ăn uống trước đây chủ yếu phục vụ cho thương hồ", nhà nghiên cứu Nhâm Hùng giải thích.  

Hiến kế để chợ nổi không... chìm - 11

Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng (Ảnh: Bảo Trân).

Cần có "bàn tay xã hội"

Nhà nghiên cứu Nhâm Hùng cũng chỉ ra nhiều ưu điểm chứng minh Cái Răng là một trong những chợ nổi có quy mô và vị trí địa lý thuận tiện nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.  

"Ưu điểm của chợ nổi Việt Nam là sông tự nhiên, hoạt cảnh tự nhiên, còn chợ nổi của Thái Lan hoạt động trên sông đào và có yếu tố dàn dựng. Chợ nổi của họ cách nội đô khoảng 50km, trong khi chợ nổi Cái Răng nằm ngay trong lòng đô thị, lại ở giữa miệt vườn", ông Hùng phân tích những lợi thế của chợ nổi Cái Răng.

Theo ông Nhâm Hùng, chợ nổi Cái Răng vốn đã có vị thế trên bản đồ du lịch thế giới. Thế nhưng để sản phẩm phát triển vươn tầm quốc gia, về lâu dài, cần có "bàn tay xã hội" tham gia đầu tư. Trong quá trình bảo tồn, văn hóa chợ nổi sẽ trở thành sản phẩm du lịch.

"Đã đến lúc nhà nước nên kêu gọi doanh nghiệp lớn tham gia, đầu tư, song song với những cam kết phát triển chợ nổi. Cần phải làm sao cho lợi ích các bên hài hòa, trong đó người được hưởng lợi đầu tiên phải là du khách.

Người làm dịch vụ trên chợ nổi vốn đã nhạy bén, nhưng họ vẫn cần một cơ chế thiết lập bài bản. Trong đó có sự tham gia của 5 thành phần cộng hưởng: Cơ quan quản lý - Nhà đầu tư - Thương hồ - Dịch vụ - Du khách, tất cả cùng chia sẻ hài hòa", ông Nhâm Hùng nhấn mạnh.

Hiến kế để chợ nổi không... chìm - 12