1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Hàn Quốc trao đổi về nhân lực, Bộ trưởng chú trọng nhóm lao động kỹ thuật

Sơn Nguyễn

(Dân trí) - Vui mừng vì gần 1.300 người Việt đã xuất cảnh, làm việc trong ngành đóng tàu tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung mong phía bạn mở rộng nghề tiếp nhận lao động kỹ thuật.

Ngày 19/3, tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung có cuộc gặp gỡ, làm việc với ông Chang Won Sam - Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA).

Thí điểm chương trình di cư lao động tại Việt Nam 

Trở lại Việt Nam sau 16 năm, ông Chang Won Sam nhấn mạnh, quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, đặc biệt hợp tác lĩnh vực lao động ngày càng phát triển mạnh mẽ. Chủ tịch KOICA bày tỏ mong muốn được đóng góp, đồng hành cùng Việt Nam nói chung, Bộ LĐ-TB&XH nói riêng trong thời gian tới.

Hàn Quốc trao đổi về nhân lực, Bộ trưởng chú trọng nhóm lao động kỹ thuật - 1

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với ông Chang Won Sam - Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) (Ảnh: Gia Đoàn).

Ông Chang Won Sam gửi lời cảm ơn Chính phủ Việt Nam, cũng như cá nhân Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã quan tâm, tạo điều kiện để số lượng lao động Việt sang Hàn Quốc làm việc không ngừng tăng lên. Ông Chang Won đánh giá, việc hợp tác này đưa lại lợi ích cho cả người lao động Việt Nam cũng như cho Hàn Quốc, khi tiếp nhận được nguồn nhân lực tốt.

Tại cuộc gặp, hai bên cùng nhau thảo luận nhiều vấn đề về hợp tác giữa hai chính phủ về lao động, giáo dục nghề nghiệp, trong đó tập trung vào đào tạo lao động có kỹ năng trong các ngành công nghiệp gốc như đóng tàu, sản xuất ô tô, thiết bị điện tử thông minh…

Đặc biệt, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông Chang Won Sam đề xuất ý tưởng về chương trình NEXUS phát triển di cư của KOICA sẽ được triển khai tại một số quốc gia, trong đó ưu tiên thí điểm với Việt Nam trong năm 2024. Chủ tịch KOICA mong được nghe ý kiến của lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam về dự án này.

Ông Chang Won Sam thông tin, Hàn Quốc muốn thí điểm chương trình nhằm hỗ trợ Việt Nam trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực các ngành công nghiệp gốc. Chương trình hướng tới việc tăng cơ hội việc làm cho các lao động di cư, cải thiện thu nhập và củng cố năng lực cá nhân.

Hàn Quốc trao đổi về nhân lực, Bộ trưởng chú trọng nhóm lao động kỹ thuật - 2

Ông Chang Won Sam - Chủ tịch Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) (Ảnh: Gia Đoàn).

Tháng 6 năm ngoái khi Tổng thống Hàn Quốc sang thăm chính thức Việt Nam, lãnh đạo hai nước có tuyên bố chung về chương trình hành động, cam kết hỗ trợ đào tạo nguồn nhân. Đồng thời, lãnh đạo hai nước nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ triển khai hiệu quả các khoản hỗ trợ ODA của Hàn Quốc cho Việt Nam. Theo đó, Hàn Quốc nhất trí tiếp tục mở rộng quy mô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam, với quy mô 200 triệu USD trong giai đoạn 2024-2027.

Theo Chủ tịch KOICA Chang Won Sam, trước đây việc viện trợ không hoàn lại chủ yếu tập trung vào các cơ quan hành chính sự nghiệp nhà nước, lao động phổ thông. Tuy nhiên, hiện tại, Hàn Quốc mong mở rộng ra các đơn vị tư nhân để đào tạo nhân lực có tay nghề, chất lượng cao.

"Tôi biết trong chương trình hành động, phát triển của Bộ LĐ-TB&XH có phần liên quan đến đào tạo nhân lực chất lượng cao. Do đó, chúng tôi mong muốn sẽ tiến hành đào tạo nhân lực ở Việt Nam giúp lao động có kỹ năng nghề, có cơ hội vào làm việc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, cũng như cơ hội sang Hàn Quốc làm việc.

Lao động sau thời gian làm việc, tích lũy kinh nghiệm tại Hàn Quốc có thể trở về Việt Nam lan tỏa những giá trị học được cho nhiều lao động khác.

Ngoài ra, chúng tôi cũng hướng đến việc đào tạo lao động bậc cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ về các ngành khoa học công nghệ cao, công nghệ tiên tiến như AI, bán dẫn…", ông Chang Won Sam nêu kế hoạch.

Ngược lại, nguồn nhân lực từ Việt Nam sẽ giúp nhiều cho Hàn Quốc trong giải quyết vấn đề thiếu lao động tại các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

"Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao lao động Việt Nam vì tính cần cù, chăm chỉ. Do đó, khi có bất kỳ dự án nào liên quan đến lao động, chúng tôi mong được thí điểm ở Việt Nam chứ không phải quốc gia nào khác bởi Việt Nam luôn là lựa chọn hàng đầu của Hàn Quốc. Mong rằng sau cuộc gặp Bộ trưởng, chương trình sẽ sớm được triển khai, ngay trong năm nay", ông Chang Won Sam nói.

Đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với hợp tác lao động

Trao đổi với Chủ tịch KOICA, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh ý nghĩa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Hàn.

"Quan hệ đó không chỉ bắt đầu từ kinh tế mà văn hóa, con người và hợp tác chung trên tất cả các lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, nhất là hợp tác về đào tạo và nhân lực", Bộ trưởng đánh giá.

Hàn Quốc trao đổi về nhân lực, Bộ trưởng chú trọng nhóm lao động kỹ thuật - 3

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và ông Chang Won Sam thảo luận nhiều vấn đề về hợp tác lao động, giáo dục nghề nghiệp (Ảnh: Gia Đoàn).

Thông tin với ông Chang Won Sam, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH Việt Nam cho biết, qua đề xuất từ các nghiệp đoàn của Hàn Quốc, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 70/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 152/2020/NĐ-CP quy định về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.

Tham gia cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (chương trình EPS) của Hàn Quốc, phía Việt Nam đánh giá đây là một chương trình rất hữu ích, với cả người lao động và hai quốc gia.

"Người lao động Việt Nam tham gia chương trình EPS ngoài có công ăn việc làm, thu nhập cao, đời sống ổn định, còn đem lại lợi ích cho quốc gia. Tương tự, chương trình mang đến lực lượng lao động trẻ trung, dồi dào cho Hàn Quốc", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận xét.

Thông tin thêm với vị Chủ tịch KOICA, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, cuối năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc đã và đang xúc tiến hợp tác về bảo hiểm giữa hai quốc gia trên tinh thần thống nhất cao.

Giữa năm 2024, khi Việt Nam thông qua luật BHXH sửa đổi, người lao động hai nước chỉ phải đóng bảo hiểm ở 1 nơi để hưởng đầy đủ quyền lợi, tránh được việc đóng song trùng bảo hiểm.

Hàn Quốc trao đổi về nhân lực, Bộ trưởng chú trọng nhóm lao động kỹ thuật - 4

Hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng, với khoảng 54 triệu lao động. Theo Bộ trưởng, đây là lợi thế rất lớn của Việt Nam. Để tận dụng lợi thế này, Việt Nam xác định phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao là 1 trong 3 khâu đột phá chiến lược.

Theo Bộ trưởng, thời gian tới, cùng với đào tạo nghề cơ bản, Việt Nam sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng khoảng 50.000 kỹ sư về công nghệ chip, bán dẫn... đồng thời phấn đấu có được 150.000 nhân lực có tín chỉ carbon theo tiêu chuẩn quốc tế.

Tại buổi tiếp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng gửi lời cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc đã tạo điều kiện tiếp nhận lao động trong ngành đóng tàu, đánh bắt hải sản gần bờ.

Ông thông tin, hiện Việt Nam có 58 doanh nghiệp tham gia cung ứng với các công ty tiếp nhận lao động ngành đóng tàu của Hàn Quốc và đã có hơn 1.270 lao động Việt Nam xuất cảnh đi làm việc trong ngành đóng tàu tại Hàn Quốc. Nhân dịp này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung mong muốn phía bạn tiếp tục quan tâm, mở rộng một số nghề trong ngành đóng tàu như sơn tàu biển, điện.

Về chương trình phát triển di cư NEXUS mà ông Chang Won Sam đề cập, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao ý tưởng này. Ông tin tưởng đề án có nhiều thuận lợi khi thí điểm ở Việt Nam.