1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

“Đào tạo kiểu mới” để có việc làm sớm

(Dân trí) - Trong hai ngày 18,19/03 đã diễn ra hội thảo “Công nghệ đào tạo và môi trường nghề nghiệp ở Việt Nam” do ĐH Huế và ĐH Toulouse 1 (Pháp) phối hợp tổ chức. Các chuyên gia bàn luận quanh vấn đề đào tạo để sinh viên có việc làm sớm sau khi ra trường.

 
“Đào tạo kiểu mới” để có việc làm sớm - 1

Hội thảo “Công nghệ đào tạo và môi trường nghề nghiệp tại Việt Nam”.
 
Theo báo cáo Hội thảo, Việt Nam đã khởi đầu chương trình quốc gia 3 năm đào tạo theo nhu cầu xã hội (2008-2010), trong đó quan hệ nhà trường - doanh nghiệp là yếu tố quyết định. Tuy nhiên, với sự khống chế quá chặt của bộ GD-ĐT về chương trình khung, ví dụ: một chương trình đào tạo cử nhân khoảng 120-130 tín chỉ thì đã có trên 100 tín chỉ là môn chung (gồm các môn cơ bản, cơ sở, cơ sở ngành…) nên kiến thức chuyên ngành chỉ còn “teo tóp” khoảng 5-6 môn trở lại.

 

“Nên phải bắt đầu lại câu hỏi “Dạy cái gì”, xem nhu cầu thị trường cần cái gì từ chính sản phẩm của chương trình đào tạo như kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ chuyên môn, phẩm chất nghề để thiết kế chương trình cho phù hợp”, PGS. TS Hà Văn Hội, ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) tâm huyết trao đổi.

 

“Nên xem xét công nghệ đào tạo gắn với nhu cầu xã hội thông qua chính …giảng viên. Người thầy, cô đã có sẵn một vị trí cao ngoài xã hội sẽ giúp được rất nhiều sinh viên của mình!

 

Ví dụ, tại trường ĐH Kinh tế, Chủ nhiệm khoa Quản trị kinh doanh là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tập đoàn Gami, Phó chủ nhiệm Khoa Tài chính Ngân hàng là Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Hà Nội… “Chính những kinh nghiệm, kiến thức quý báu từ chính công việc thầy cô giáo sẽ đi vào lòng sinh viên rất nhanh qua những bài giảng “sống”. Thời gian thực tập trước lúc ra trường, các em sẽ có nhiều điều kiện tiếp xúc cụ thể công việc nhanh hơn nếu được vào trong công ty thầy cô”, TS Hội cho biết thêm.

 

“Lượng nhân lực ở thành thị hiện đã tiến nhiều bước đáng kể qua “đào tạo từ xa”. Có nhiều sinh viên trẻ tuổi luôn tạo thói quen tiếp nhận thông tin qua nhiều kênh truyền thông khác nhau, thiết kế ra những nguồn đa truyền thông như blog riêng, website hay các mạng xã hội thu hút người vào xem. Chỉ một thời gian rất ngắn, chủ nhân sẽ nhận lại sự phản hồi thông tin vô cùng nhanh chóng. Nguồn thông tin “quay” liên tục sẽ làm bạn trẻ trở nên “nhạy” vô cùng, biết được rất nhiều vốn sống.

 

Như vậy, cần chăng phát triển hình thức đào tạo theo kiểu từ xa? Có thể như một chất xúc tác tốt, đào tạo từ xa sẽ giúp người học phát triển rất mạnh mẽ”, Th.s Phan Thị Kim Liên, ĐH Ngoại Ngữ Huế cho ý kiến.

 

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Phòng thương mại Công nghiệp Việt Nam, Tổ chức Lao động quốc tế và Trung tâm nghiên cứu thị trường lao động thuộc ĐH Leicester (Anh), có hơn 2/3 doanh nghiệp cho rằng kênh tuyển dụng hiệu quả nhất là đăng tuyển dụng trên báo và internet.

 

Nên, 2 kinh nghiệm quý giá theo Th.s Ông Nguyên Chương (Đà Nẵng), các sinh viên phải biết chủ động đọc báo và thành thạo các kỹ năng săn lùng việc làm trên mạng. Đồng thời, cần đến sàn giao dịch việc làm hàng tháng trong năm học cuối. Điều này sẽ giúp các em tự biết mình thiếu gì, từ đó sẽ phải trang bị thêm kiến thức nào để phù hợp với công việc tương lai.

 

Đại Dương