1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Chọn người được lòng hay được việc?

(Dân trí) - Trưởng phòng kinh doanh đột ngột nghỉ việc. Là giám đốc điều hành, tôi phải chọn gấp 1 phó phòng thay thế trong tháng 11. Nhưng biết chọn ai trong 2 phó phòng đương nhiệm: Một người thân thiết với tôi nhưng năng lực vừa phải, một người không thân thiện nhưng năng lực vững?

Chọn ai: Người năng lực hay thân tín? (ảnh minh họa)
Chọn ai: Người năng lực hay thân tín? (ảnh minh họa)

Phòng kinh doanh vừa có xáo trộn nhân sự. Trưởng phòng chuyển sang một doanh nghiệp Hàn Quốc làm việc từ tháng 11. Vị trí đang để ngỏ, tôi phải nhanh chóng bổ sung trong tháng để đáp ứng nhịp độ kinh doanh cuối năm.

Trong các ứng viên, 2 phó phòng đương nhiệm được tôi cân nhắc.

Phó phòng Minh - vốn là người chiếm được thiện cảm của tôi. Ngoài công việc, Minh thường dành nhiều thời gian gần gũi với tôi trong những dịp liên hoan, tiếp khách hoặc cùng chơi thể thao. Chúng tôi có thể dễ dàng chia sẻ quan điểm với nhau về cuộc sống và công việc.

Minh khá chu đáo quan tâm tới gia đình tôi. Ngày lễ, Tết anh thường tới thăm và có quà tặng. Dịp Trung thu vừa qua, Minh cũng tới nhà tặng quà cho con và vợ tôi.

Trong cuộc họp hay giữa đám đông, Minh đều bảo vệ quan điểm của tôi và luôn tạo cơ hội để tôi nổi bật.

Tôi không cho rằng Minh là người xu nịnh. Đơn giản chỉ là sự hòa hợp tính cách và kỹ năng ứng xử xã hội tốt của Minh.

Năng lực trong công việc của Minh ở mức trung bình. Nhưng tôi thấy thoải mái khi gần Minh.

Ứng viên thứ 2 là Thảo. Anh này về làm việc ở công ty hơn 3 năm. Thảo có nhiều thành tích về nghiệp vụ. Mảng phụ trách, Thảo đảm nhiệm với hiệu quả tốt. Nhiều phần việc của Thảo có tính sáng tạo, đôi khi kết quả tốt hơn kỳ vọng của lãnh đạo.

Về công việc, Thảo thường có sự hồi đáp với lãnh đạo mỗi khi nhận được yêu cầu, thậm chí có những phản biện sắc bén trong giới hạn của sự tôn trọng. Có khi trong cuộc họp, tôi phải toát mồ hôi để tranh luận mới làm Thảo nhường bước.

Thăng chức - ảnh hưởng lớn tới tâm lý, công việc, thu nhập của đối tượng.
Thăng chức - ảnh hưởng lớn tới tâm lý, công việc, thu nhập của đối tượng.

Trong thâm tâm, tôi không hề giận Thảo. Ngược lại, tôi đánh giá Thảo có trí tuệ và tầm nhìn xa điều phối công việc. Năng lực tư duy và khả năng làm việc độc lập của Thảo khá tốt.

Tuy nhiên, tôi không hiểu nhiều về Thảo. Ngoài mối quan hệ công việc, chúng tôi ít chia sẻ với nhau về cuộc sống riêng tư, sở thích, nguyện vọng. Điều này cũng có thể do tôi phần nào hơi quan liêu chăng?

Đợt bố tôi ốm và vợ tôi sinh con thứ 2, Thảo cũng chỉ hỏi thăm xã giao ở cơ quan. Trong khi đó, Minh phóng ô tô đi hơn 60 km về quê tôi - Quốc Oai (Hà Nội) - để thăm hỏi. Điều này không khỏi làm tôi suy nghĩ.

Nếu so sánh giữa Thảo và Minh. Tôi đánh giá cao Thảo ở năng lực chuyên môn. Còn Minh chiếm ưu thế về tình cảm cá nhân, sự hiểu biết giữa hai chúng tôi.

Nhiều đêm nằm nghĩ về nhân sự công ty, tôi thầm ao ước có được một người cấp dưới hội tụ đủ 2 tính cách ưu điểm của Thảo và Minh.

Nếu tôi chọn Minh, có thể tạo ra 1 ê kíp tâm đầu ý hợp. Nhưng chắc chắn Thảo sẽ không phục và có thể cậu ta sẽ ra đi. Công ty sẽ phải mất nhiều công và thời gian để tìm được người tương xứng.

Nếu chọn Thảo, tôi thấy có gì đó khó nói vì tình cảm, sự chăm sóc của Minh thời gian qua. Nhưng tôi hiểu năng lực và tính cách của Minh, khả năng anh ra đi sẽ ít trường hợp của Thảo

Tôi vẫn biết, nhân sự luôn là điều hệ trọng của một tổ chức, cộng đồng thậm chí là quốc gia. Tổ chức dù có công nghệ, máy móc hiện đại nhưng nhân sự điều hành không tốt thì khó đem lại hiệu quả.

Thời hạn tháng 11 sắp tới, tôi phải ra quyết định chọn ai cho vị trí này?

Chọn người được lòng mình hay người được việc?

Nếu bạn là tôi, bạn sẽ chọn người nào?

Trịnh Văn Hùng (vanhung@...)