1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bỏ nghề kế toán, cô gái Pleiku mở xưởng làm nhang gia truyền kiếm bộn tiền

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Nghỉ công việc kế toán, chị Phạm Thị La đã về mở xưởng làm nhang sạch, thừa hưởng nghề gia truyền của dòng họ, thu nhập hơn 100 triệu đồng mỗi năm.

Chị Phạm Thị La (sinh năm 1982, trú tại phường Phù Đổng, TP Pleiku, Gia Lai) từng làm kế toán cho một công ty sản xuất bao, bì ở Gia Lai. Công việc ổn định với lương tháng hơn 7 triệu đồng, nhưng chị La lại quyết định từ bỏ để về làm nhang, với bí quyết làm hương trầm gia truyền của dòng họ.

"Tôi là một người xa xứ vào Gia Lai lập nghiệp, nên khi có gia đình, sinh con rất khó xoay sở trong việc lo toan mọi thứ. Bên cạnh đó, nghề làm nhang truyền thống của ông, bà kế truyền nhưng gia đình tôi không một ai theo đuổi. Vì thế, đầu năm 2013, tôi quyết định từ bỏ công việc để tiện chăm sóc gia đình, mở xưởng sản xuất hương trầm truyền thống", chị La bộc bạch. 

Khi xác định làm nhang, chị La đã dành nhiều tháng về quê quán ở Nghệ An để học việc. Từ khâu nhỏ nhất đến khâu phức tạp, chị đều tiếp thu một cách nhanh chóng và thuận lợi. Bên cạnh đó, chị còn học hỏi thêm những kiến thức trên mạng internet nhằm trau dồi thêm kỹ thuật làm nhang hiện đại.

Bỏ nghề kế toán, cô gái Pleiku mở xưởng làm nhang gia truyền kiếm bộn tiền - 1

Nữ kế toán bỏ việc về đầu tư hơn 150 triệu đồng để mở xưởng sản xuất nhang sạch.

Giữa năm 2013, sau khi học hỏi công thức gia truyền, chị La đã mạnh dạn đầu tư hơn 150 triệu đồng trang bị máy móc, nguyên liệu để sản xuất nhang sạch. 

Bỏ nghề kế toán, cô gái Pleiku mở xưởng làm nhang gia truyền kiếm bộn tiền - 2

Nhang được làm từ nhiều nguyên liệu tự nhiên như cây bời lời, rễ cây hương bài, quế, hồi, …

Thời gian đầu, chị đã gặp nhiều khó khăn, nhang làm ra không đảm bảo, bị nứt, mẻ, vỡ ra. Lúc đó, chị đã thử nhiều lần mà vẫn không thành công, tổn thất không biết bao nhiêu nguyên liệu trong những ngày tháng đầu khởi nghiệp.

Không nản chí, chị La tiếp tục nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân để khắc phục và sản xuất thành công cây nhang đúng chuẩn theo công thức gia truyền.

Bỏ nghề kế toán, cô gái Pleiku mở xưởng làm nhang gia truyền kiếm bộn tiền - 3

Mỗi tháng chị La sản xuất hơn 4-5 tạ nhang, những tháng gần Tết con số lên đến một tấn.

Chị La chia sẻ: "Thời điểm đó, phải mất khá lâu, tôi mới tìm ra nguyên nhân là nguyên liệu keo của bột cây bời lời ở Nghệ An và Gia Lai không giống nhau. Tôi đã dùng keo lá, nên việc tạo ra cây nhang không đúng chuẩn. Sau đó, tôi đã thay thế bằng keo đỏ. Nhang làm ra đẹp hơn, không xuất hiện vết nứt khi phơi". 

Sản xuất thành công cây nhang, chị La được người quen giúp đỡ tìm thị trường đầu ra tiêu thụ sản phẩm. Chưa đầy một năm làm nghề nhang, chị đã có thu nhập ổn định, hoàn đủ số tiền vốn đầu tư trước đó. 

Bỏ nghề kế toán, cô gái Pleiku mở xưởng làm nhang gia truyền kiếm bộn tiền - 4

Nhang của chị La có mùi hương đặc trưng, dịu, ngọt nhẹ và ít khói.

Trước thành công ban đầu, chị La tiếp tục đầu tư máy sấy nhang để phòng những ngày mưa, không phơi được. Đồng thời, chị cũng thuê nhân công để phụ giúp mình trong công đoạn phơi, đóng gói nhang. 

Chị La cho biết, nghề làm hương trầm không quá khó nhưng đòi hỏi người thợ phải thật cẩn thận, tỉ mỉ và dày dặn kinh nghiệm cùng với máy móc hiện đại để cho ra các sản phẩm chất lượng.

Nghề làm nhang gia truyền trên phố núi

Còn để làm được cây nhang đạt chuẩn, có mùi hương dịu thì phải kỹ càng trong khâu chọn nguyên liệu. Thành phần làm nên bột nhang gia truyền của chị gồm: Bột rễ cây hương bài, bột cây bời lời, quế, hồi, bã mía, keo, trám,… các nguyên liệu này đều được nhập từ Nghệ An. Riêng cây quế được lấy từ Lạng Sơn nên mùi hương của rất đặc trưng, ít khói. 

Sau khi có đầy đủ nguyên liệu, chị đã phơi khô và xay mịn với nhau. Khi thành bột, chị sẽ trộn với nước, tỷ lệ 1/10 trong máy trộn gia dụng. Khâu trộn hoàn tất, đem hỗn hợp vào máy se tạo thành những cây nhang chất lượng. 

Bỏ nghề kế toán, cô gái Pleiku mở xưởng làm nhang gia truyền kiếm bộn tiền - 5

Nhang được sản xuất không chỉ dùng trong việc lễ, cúng kiếng, tâm linh mà còn dùng để tạo mùi hương thanh tao, mang cảm giác thoải mái.

"Với nghề làm nhang truyền thống từ Nghệ An, nên sản phẩm tôi làm ra luôn đảm bảo chất lượng, hoàn toàn từ các thành phần tự nhiên, thân thiện với môi trường. Nên khi đốt cây nhang lên, mùi hương sẽ nhẹ dịu, không nhiều khói như các sản phẩm khác ngoài thị trường", chị La cho biết. 

Hiện xưởng của chị La sản xuất 8 loại nhang như nhang Huế, nhang Nghệ An, nhang đen, nhang vàng… với nhiều sản phẩm nhang đặc trưng, chị được nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh như TPHCM, Đắk Lắk, Kon Tum... tin tưởng, lựa chọn để nhập hàng.

Mỗi tháng, chị La sản xuất khoảng 4-5 tạ nhang. Những tháng gần Tết Nguyên đán, chị sản xuấtgần một tấn và thu được hơn 100 triệu đồng/năm, sau khi trừ các chi phí. 

Bỏ nghề kế toán, cô gái Pleiku mở xưởng làm nhang gia truyền kiếm bộn tiền - 6

Xưởng nhang của chị La đang hút khách khi dịp Tết đang cận kề.

Chị La cũng cho biết thêm, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, xưởng nhang cũng gặp nhiều khó khăn. Trong năm 2021, cơ sở của chị bị giảm gần 50% số lượng nhang do các sản phẩm của chị không thể giao đến các tỉnh khác. Tuy nhiên, thị trường trong tỉnh vẫn bình ổn, do có nhiều thương lái quen, tin tưởng sản phẩm của chị nên vẫn nhập bình thường.

Nhang của chị sản xuất không chỉ phục vụ trong việc cúng kiếng, tâm linh mà còn tạo ra mùi hương thanh, ngọt nhẹ, giúp người dùng có cảm giác thoải mái. Bên cạnh đó, nhiều loại nhang còn có tác dụng đuổi sâu bọ, ruồi, muỗi,…

Trong thời gian tới, Chị La sẽ tiếp tục phát triển nghề nhang gia truyền, sẽ tạo nhiều mẫu mã đặc biệt để phục vụ nhu cầu của khách hàng. Bên cạnh đó, chị tích cực tìm đối tác, thị trường phát triển hương trầm Nghệ An này.

Nay Săt