1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Xử lý chăn, ga, gối, đệm siêu rởm: Thương hiệu lớn "ngại" hợp tác

Nhiều thương hiệu nổi tiếng đã được pháp luật bảo hộ, nhưng lại không muốn hợp tác với cơ quan chức năng để xử lý triệt để vấn nạn hàng nhái.

Sau thông tin về “Chăn, đệm siêu rẻ và siêu rởm”, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Minh – Đội phó Đội Quản lý thị trường số 14 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) - để làm rõ hơn về vấn đề này.

Ông Trương Đình Minh cho biết: Hiện trên thị trường có rất nhiều cơ sở kinh doanh mặt hàng xâm phạm bản quyền chủ sở hữu của nhãn hiệu các hãng Everon, Hacovic, Vikosan, Sông Hồng... Ban đầu các cơ sở sản xuất in hẳn tên nhãn hiệu của các hãng trên lên sản phẩm vỏ gối, vỏ chăn, ga, đệm, nhưng sau khi bị cơ quan chức năng phát hiện, đã “lách luật” bằng cách in chệch tên của các hãng, như Evenro, Evenpol...

Sản xuất chăn, đệm tại làng Trát Cầu.
Sản xuất chăn, đệm tại làng Trát Cầu.

Những sản phẩm kể trên đa phần có xuất xứ từ Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội. Trong 2 năm gần đây, chúng tôi đã đến kiểm tra tại đó, nhưng do người dân làm lén lút nên chưa bắt được. Tâm lý chung của người tiêu dùng hiện nay là vẫn sính thương hiệu lớn nhưng lại muốn mua rẻ. Có cầu ắt có cung nên các cơ sở sản xuất hàng nhái vẫn âm thầm sản xuất.

Ngoài Trát Cầu, còn có những nơi nào sản xuất sản phẩm đệm mút nhái nữa, thưa ông?

- Nếu nhận xét theo góc độ chuyên môn, cơ bản sản phẩm chăn, ga, gối, đệm ở Hà Nội nói riêng và những vùng lân cận nói chung đều sản xuất ở xã Tiền Phong, huyện Thường Tín. Trước đây trên thị trường có khá nhiều sản phẩm chăn, ga, gối, đệm sản xuất từ Trung Quốc. Những sản phẩm đó tuy rẻ, mẫu mã đa dạng nhưng chất lượng kém hơn nhiều.

Công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh, sản xuất những mặt hàng nhái này gặp phải vướng mắc gì?

- Khi chúng tôi tiến hành kiểm tra một cơ sở sản xuất, hay một cơ sở kinh doanh sản phẩm làm nhái thì phải có đại diện của đơn vị sản xuất hàng thật đi cùng, xác nhận đây là sản phẩm nhái. Như vậy cơ quan chức năng mới có cơ sở để xử lý.

Việc xử lý là một quá trình, từ kiểm tra, gửi sản phẩm đi giám định, khi có kết qua cơ quan chức năng mới ra quyết định xử lý.

Ngoài ra, nhiều thương hiệu nổi tiếng đã được pháp luật bảo hộ, nhưng lại không muốn hợp tác với cơ quan chức năng để xử lý triệt để vấn nạn hàng nhái. Đây cũng là một trong những khó khăn của chúng tôi trong công tác đấu tranh, xử lý hàng nhái.

Xin cảm ơn ông !

Theo Lương Kết
Dân Việt