1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vua thép Trần Đình Long báo lãi, HPG vẫn không "gánh" nổi VN-Index

Mai Chi

(Dân trí) - HPG là cổ phiếu tăng mạnh nhất rổ VN30 phiên hôm nay, tuy nhiên trước áp lực bán mạnh khiến phần lớn cổ phiếu điều chỉnh mà nhóm dẫn đầu đà giảm là nhóm chứng khoán, VN-Index vẫn đánh mất 6,51 điểm.

Mở cửa với sắc xanh và giằng co trong suốt phiên sáng, đến phiên chiều, các chỉ số chịu sức ép chốt lời và đuối dần. VN-Index đóng cửa giảm 6,51 điểm tương ứng 0,63% còn 1.034,85 điểm. VN30-Index giảm 9,13 điểm tương ứng 0,87% còn 1.037,04 điểm. Trên sàn Hà Nội, HNX-Index cũng đánh mất 2,08 điểm tương ứng 1% còn 204,69 điểm; UPCoM-Index hồi phục cuối phiên, tăng nhẹ 0,1 điểm tương ứng 0,13% lên 77,99 điểm.

Riêng rổ VN30 chỉ có 2 mã tăng, 1 mã đứng giá tham chiếu, còn lại 27 mã giảm, nhiều mã điều chỉnh với biên độ hơn 1%. BVH mất 1,7%; VRE mất 1,6%; VJC giảm 1,5%; VIB giảm 1,5%; POW giảm 1,5%; CTG giảm 1,4%; GVR giảm 1,3%; GAS giảm 1,2%...

Đáng nói là các mã kể trên đều tăng giá vào đầu phiên. Theo đó, nhiều nhà đầu tư đã mắc bẫy tăng giá (bull-trap) và không khỏi chịu áp lực tâm lý do thua lỗ sớm. Đây cũng là lý do mà giới phân tích thường xuyên khuyến nghị nhà đầu tư không nên mua đuổi khi chỉ số vận động chưa có xu hướng rõ ràng.

HPG là cổ phiếu có mức tăng đáng kể nhất trong rổ VN30, tăng 1,9% lên 21.050 đồng. Có thời điểm HPG được giao dịch tại mức giá 21.250 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu này đảo chiều sau 4 phiên không tăng giá (3 phiên giảm, 1 phiên đứng giá), thanh khoản đạt 21 triệu đơn vị (trong đó khớp lệnh 18,5 triệu cổ phiếu), tăng vọt so với mức bình quân 11,4 triệu cổ phiếu/phiên trong vòng một tuần trở lại đây.

Vua thép Trần Đình Long báo lãi, HPG vẫn không gánh nổi VN-Index - 1

Diễn biến giá cổ phiếu HPG trong 6 tháng trở lại đây (Nguồn: Tradingview).

Giá HPG đang phản ứng tích cực trước thông tin kết quả kinh doanh quý I của Hòa Phát cho thấy "vua thép" đã có lãi trở lại. Cụ thể, tập đoàn của tỷ phú Trần Đình Long cho biết, trong quý đầu năm công ty đạt doanh thu 26.865 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ 2022 nhưng đã có lãi trở lại với lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 383 tỷ đồng, đạt 5% so với kế hoạch năm 2023. Lĩnh vực sản xuất thép và sản phẩm liên quan vẫn là chủ lực và đóng góp 94% lợi nhuận sau thuế toàn tập đoàn này.

Trong bối cảnh sức cầu chưa được cải thiện, kết quả trên cho thấy bức tranh sản xuất kinh doanh của Hòa Phát đã tích cực hơn khi so sánh với hai quý cuối năm 2022. Việc quản trị hàng tồn kho, nguyên liệu và bán hàng linh hoạt theo diễn biến thị trường được đánh giá là đã phát huy hiệu quả.

Ngoài cổ phiếu HPG thì một số mã khác trong ngành tài nguyên cơ bản cũng diễn biến khả quan: DHM tăng 6,3%, HSG tăng 2,4%; NKG tăng 1,8%; TLH tăng 1,5%.

Với diễn biến giá của HPG trong phiên hôm nay, mã này trở thành một trong những trụ cột của thị trường, đóng góp cho VN-Index 0,58 điểm; kế đến là VCB với đóng góp 0,47 điểm. Dù vậy, 2 "ông lớn" trong rổ VN30 vẫn không thể cứu được chỉ số trong bối cảnh số lượng mã giảm giá áp đảo với 490 mã so với 291 mã tăng.

Dòng cổ phiếu ngân hàng vốn đóng vai trò là động lực chính của chỉ số thì hầu hết bị điều chỉnh: LPB giảm 2,2%; HDB giảm 2,1%; STB giảm 2%, MSB giảm 2%; nhiều mã giảm khá mạnh như TCB, EIB, VIB, CTG, VPB.

Làn sóng chốt lời ồ ạt diễn ra trong nhóm cổ phiếu chứng khoán. Trên sàn HoSE có đến 4 mã giảm sàn là AGR, ORS, VDS, CTS. Bên cạnh đó, FTS giảm 5,4%; BSI giảm 4,8%; VCI giảm 3,7%; HCM giảm 3%; VIX giảm 2,7%; VND giảm 2,3%; SSI giảm 1,9%.

Ngành bất động sản phân hóa. Trong khi một số mã tăng mạnh như: HTN tăng trần, CCL tăng 5,7%; KHG tăng 5,7%; LEC tăng 4,6%; SJS tăng 2,4% thì DIG lại điều chỉnh sâu 4,1%; TIP giảm 2,8%; NVL giảm 2,1%; PDR giảm 1,9%...

Một số cổ phiếu thuộc ngành hàng và dịch vụ công nghiệp đi ngược thị trường chung, tăng mạnh: HAH, ABR và VOS tăng trần, EMC tăng 5,7%; CAV tăng 4,8%. Tương tự, các "đại gia" trong ngành đường như LSS cũng tăng trần, SBT tăng 3,9%.