1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Vốn cho ngành điện giống “con kiến leo cành đa”

(Dân trí) - Ông Đậu Đức Khởi, Phó TGĐ EVN ví von như vậy khi nói về nguồn vốn đầu tư cho các nhà máy điện hiện nay. Bởi không nhà đầu tư nào dám vay với lãi suất 14 - 15% để đầu tư xây nhà máy điện 4 - 5 năm sau mới có điện bán.

Vốn cho ngành điện giống “con kiến leo cành đa” - 1
Ngành điện đau đầu với vấn đề nguồn vốn.
 
Hôm qua 7/7, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo quốc tế về giải pháp huy động vốn đầu tư phát triển năng lượng. Ông Đậu Đức Khởi, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: Đã có rất nhiều dự án điện trị giá nhiều tỉ USD là dự án trên giấy vì không có tiền triển khai.
 
Trong số các dự án thuộc tổng sơ đồ VI, các dự án do EVN triển khai lên đến 33 tỷ USD (chiếm 35%) nhưng mới thu xếp được 20 tỷ USD. Các dự án thuộc các nhà đầu tư ngoài EVN cần 52 tỷ USD nhưng cũng mới thu xếp được 40%, còn thiếu 40 tỷ USD.
 
Ông Khởi lấy dẫn chứng về hai dự án được thu xếp bởi vốn vay của Nhật Bản nhưng không có vốn đối ứng (15%) là: Nhà máy điện Vũng Áng được Thủ tướng vào khởi công nhưng sau đó lại “đắp chiếu” 3 tháng vì không có vốn. Dự án điện Nghi Sơn vừa được khởi công, tính ra chậm tiến độ 6 tháng.
 
Hiện tại, các doanh nghiệp nhà nước đã gồng hết sức mình nhưng không thu xếp được vốn đầu tư cho các dự án điện. Không nhà đầu tư nào dám vay tiền ngân hàng lãi suất 14 - 15% để đầu tư xây nhà máy điện 4 - 5 năm sau mới có điện bán. Dù Chính phủ có chỉ đạo nhưng các ngân hàng cũng không mặn mà cho vay vì yếu tố có lãi không được đảm bảo.
 
Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đào Văn Hưng: Với tốc độ tăng trưởng của ngành điện là 14,5%, cứ 1.000 tỷ đồng đầu tư cho điện thì 1 năm phải trả 145 tỷ đồng, nếu cần vốn 10.000 tỷ thì phải trả 1.450 tỷ đồng/năm. Đối với nhà đầu tư, để chậm tiến độ dự án, thiếu điện thì không ai muốn. Đối với nhà thầu, bản thân đem máy móc ra làm, bỏ vốn lưu động để mua vật liệu trong thi công và nếu chậm, họ cũng sẽ chịu lỗ do lãi suất ngân hàng.
 
Nhưng thực tế khi làm dự án ở Việt Nam, hầu hết, đều vướng giải phóng mặt bằng, với nhà máy qui mô lớn thường gặp phải rủi ro thi công thực tế, phát hiện có thay đổi kết cấu địa chất khác nên thường phải làm lại thiết kế và lý do lớn nhất là thiếu vốn.
 
Cũng theo tính toán của ông Hưng, trong năm nay, ngành điện còn thiếu 10.000 tỷ đồng cho đầu tư. “Có những dự án mà đến nay, chúng tôi không có đồng vốn nào trong tay. 6 dự án do EVN làm năm nay phải khởi công thì mới có 2 dự án khởi công được, còn 4 dự án nữa, tổng vốn tới 140 nghìn tỷ đồng, trong khi EVN một năm lãi chỉ 1000 tỷ đồng, làm sao cân đối được vốn đầu tư là rất khó.
 
Một số dự án lớn đã ký hợp đồng EPC, mà ba năm qua, chúng tôi không khởi công được vì không thu xếp được vốn. Chúng tôi đã xin Chính phủ cho phép phát hành trái phiếu quốc tế 1 tỷ USD. Nhưng vì dư nợ công cao, nên phát hành trái phiếu quốc tế không đơn giản nên ý định trên cũng chưa được duyệt”, ông Hưng nói.
 
Giải pháp thu hút vốn ngoại cho các dự án điện đã được tính tới nhưng trên thực tế, từ năm 1997, không một nhà đầu tư nước ngoài nào vào Việt Nam làm điện. Một số nhà đầu tư có vào đàm phán nhưng mới chỉ hứa hẹn, mà nguyên nhân lớn nhất là giá điện.
 
Chủ tịch HĐQT EVN cho hay: “Ở Việt Nam, giá bán cho dân bình quân là 5,3 cent, 1700 đồng/kWh. Cách đây khoảng 5 năm, nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu và nói với tôi rằng, họ không đi làm từ thiện mà đi tìm lợi nhuận. Nếu đầu tư ở Việt Nam vào điện với giá ấy là sẽ lỗ. Còn nếu làm từ thiện, họ cũng không làm vì từ thiện chỉ ủng hộ người nghèo, còn ở Việt Nam, hỗ trợ giá điện cho mọi đối tượng”.
 
An Hạ