1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư thế giới

(Dân trí) - Báo chí Nhật Bản nhận định, Việt Nam được lựa chọn là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất để mở cơ sở sản xuất, trên cả Ấn Độ và Thái Lan. Trên phương diện thị trường tiêu thụ, Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn thứ ba sau Ấn Độ và Indonesia.

Cú ngoạn mục của FDI 2011

Theo báo cáo của Cục đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), cả năm 2011, vốn đăng ký mới và tăng thêm tại Việt Nam đạt 14,7 tỷ USD, bằng 74% so với năm 2010.

Mặc dù vốn đăng ký mới (đạt 11,6 tỷ USD) chỉ bằng 65% năm 2010 nhưng đã có những chuyển biến theo hướng tích cực. Bằng chứng là vốn đăng ký năm nay tập trung nhiều vào lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (chiếm tỷ lệ 76,4% so với 54,1% năm 2010). Trong khi đó, lĩnh vực kinh doanh bất động sản năm 2011 chỉ chiếm 5,8% tổng vốn đăng ký (thấp hơn hẳn so với 34,3% trong năm 2010).

Thêm nữa, vốn đăng ký tăng thêm năm nay cũng tăng 1,65 lần so với năm 2010 (đạt 3,1 tỷ USD). Điều này cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài vẫn có sự đánh giá tích cực về môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

Đặc biệt, vốn thực hiện của khu vực FDI tại Việt Nam năm 2011 ước đạt 11 tỷ USD, bằng với mức thực hiện của năm 2010 và đóng góp 25,9% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư thế giới - 1
Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn các nhà đầu tư thế giới (ảnh minh họa)

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam vẫn là địa chỉ hấp dẫn đầu tư đối với các nhà đầu tư thế giới. Điều tra triển vọng đầu tư thế giới (WIPS) 2010-2012 của Diễn đàn Thương mại và Phát triển LHQ (UNCTAD) cho thấy Việt Nam đã thăng hạng 3 bậc.

Cụ thể, Việt Nam đứng thứ nhất trong ASEAN về mức độ hấp dẫn FDI và là một trong 10 nền kinh tế hấp dẫn nhất đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư Nhật Bản và các nền kinh tế đang phát triển ở Châu Á.

Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản như kết quả điều tra đầu tư hải ngoại của JETRO đối với các doanh nghiệp công nghiệp chế biến.

Kết quả điều tra trực tuyến của Thời báo Kinh doanh Nikkei, Việt Nam được lựa chọn là địa điểm đầu tư hấp dẫn nhất để mở cơ sở sản xuất, trên cả Ấn Độ và Thái Lan. Với tư cách là thị trường tiêu thụ, Việt Nam là điểm đầu tư hấp dẫn thứ ba sau Ấn Độ và Indonesia.

Cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án lớn đã giảm hẳn

Một trong những điểm nổi bật của năm 2011 là xu hướng cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) cho những dự án quy mô lớn và rất lớn với quy mô vốn đăng ký hàng tỷ USD, nhất là các dự án bất động sản đã giảm hẳn.

Nếu như năm 2008, năm thu hút FDI đạt mức 71,7 tỷ USD có đến 11 dự án có quy mô vốn đăng ký từ 1 tỷ USD thì năm 2011, chỉ có 2 dự án có mức vốn đăng ký trên 1 tỷ USD.

Hơn nữa, các dự án quy mô lớn của năm 2011 đều là các dự án trong lĩnh vực công nghiệp, dự án BOT điện lực Jak Hải Dương với quy mô vốn đăng ký 2,26 tỷ USD, dự án sản xuất pin mặt trời First Solar tại thành phố Hồ Chí Minh với quy mô vốn đăng ký trên 1 tỷ USD.

Theo đánh giá của ông Phương – Thứ trưởng Bộ KH-ĐT việc cấp phép trong năm qua nhìn chung đã xem xét kỹ hơn, chuyên sâu để hạn chế các dự án kém hiệu quả và các nhà đầu tư thiếu năng lực. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số những bất cập do luật pháp còn chưa đồng bộ, quy hoạch chưa rõ ràng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cùng với các Bộ, ngành tiến hành một số cuộc kiểm tra trong lĩnh vực xi măng, bất động sản, chuyển giá; rà soát việc vay vốn trong nước... để nắm bắt tình hình thức tế, khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp từ đó đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp.

Được biết, trong thời gian tới, quản lý FDI sẽ chú trọng và tăng cường theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả vốn FDI, công tác quản lý nhà nước. Đặc biệt, việc thu hút FDI sẽ không đặt nặng về lượng vốn đăng ký mà tập trung vào thúc đẩy giải ngân FDI.

Đồng thời, thu hút FDI có chọn lọc, định hướng vào những lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp “xanh”, thân thiện với môi trường; lĩnh vực tạo liên kết với các khu vực kinh tế khác và liên kết vùng; công nghiệp hỗ trợ, tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh; lĩnh vực công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực...

Hạn chế thu hút FDI trong những lĩnh vực phi sản xuất, làm gia tăng nhập siêu, sử dụng không hiệu quả tài nguyên và đất đai, công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường…

Lan Hương