1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất giấy nền đa lớp in tiền

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Công ty TNHH Công nghệ cao Q&T Việt Nam vừa nhận bằng sáng chế độc quyền để sản xuất giấy nền trên chất liệu polymer, với gần chục lớp in để ra thành phẩm giấy nền có độ bảo an cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và cung ứng cho hơn 30 quốc gia.

Bộ tiền đầu tiên (1946-1951) được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh phát hành vào tháng 1/1946. Đến năm 2003, nước ta có bộ tiền thứ 6 với nhiều mệnh giá được sản xuất trên giấy nền đa lớp polymer.

Hai thập kỷ sử dụng tiền polymer tại Việt Nam

Trên thế giới hiện nay, Australia và Anh có công nghệ sản xuất giấy đa nền in tiền polymer (mỗi nước có 2 nhà máy). Việt Nam đã có thêm 1 nhà máy thứ 5 trên thế giới và là nước thứ 3 có nhà máy sản xuất giấy nền đa lớp polymer.

Các nhà máy sản xuất giấy đa nền này sẽ phục vụ in tiền cho trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Nhưng ngay cả trên đất nước ta, nhà máy thuộc Công ty Công nghệ cao polymer Q&T VN dù muốn được bán phôi in tiền cho ai, họ cũng phải tuân thủ nguyên tắc đấu thầu quốc tế với các doanh nghiệp khác trên thế giới, rất khách quan.

Thế giới hiện có 75 tỷ tờ tiền polymer đang lưu thông tại hơn 30 nước với khoảng 175 mệnh giá.

Chủ trương nghiên cứu và đi tới sản xuất một bộ tiền mới để khắc phục tình trạng tiền giả tràn lan đã có từ đầu những năm 90 nhưng chưa thể triển khai vì nhiều lý do khác nhau.

Năm 1998, Thủ tướng Võ Văn Kiệt sau một chuyến công cán từ Australia, đã mang về 1 tờ tiền polymer có mệnh giá 5 AUD (đôla Úc) rồi đem bàn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam ngày đó là ông Cao Sỹ Kiêm để tính chuyện giao NHNN nghiên cứu và chuyển hướng sang in tiền polymer. Đây có thể xem là biện pháp táo bạo, có thể giúp ngăn chặn tiền giả rất hữu hiệu.

Thực tế cho thấy đó là chủ trương đúng đắn, hiệu quả. Dù từ chủ trương được đề ra rất sớm, nhưng mãi 8 năm sau (12/2003) mới triển khai cho in.

Song, cũng phải 20 năm, đến hôm nay, mới hoàn chỉnh cả một quy trình công nghệ tinh xảo được Công ty TNHH Công nghệ cao Q&T Việt Nam đầu tư nhà máy. Đây là nhà máy được Cộng hòa Liên bang Đức làm theo đơn đặt hàng của một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam với điều kiện chỉ đơn chiếc, trong một khoảng thời gian nhất định (do đàm phán 2 bên), họ không có quyền sản xuất dây chuyền thứ hai cho nước khác. Đổi lại, Công ty TNHH Công nghệ cao Q&T Việt Nam buộc phải chấp nhận giá cao hơn...

Khát vọng Việt Nam vươn ra biển lớn

Suốt hai chục năm qua, ngành Ngân hàng Nhà nước và thực tiễn cuộc sống đã cho thấy hiệu quả của việc dùng tiền polymer là vượt trội hơn tiền giấy vì khó làm giả hơn; độ bền cũng cao hơn từ 2,5-4 lần tùy theo cách của người dùng, vệ sinh so với tiền giấy coton.

Một doanh nghiệp hoàn toàn là vốn trong nước - Công ty TNHH Công nghệ cao Q&T Việt Nam - đã có bằng sáng chế độc quyền để sản xuất giấy nền trên chất liệu polymer. Bằng sáng chế có tên "Nền đa lớp và quy trình sản xuất nền đa lớp PolySecure", do Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học Công nghệ cấp, nay đã đi vào hoạt động.

Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất giấy nền đa lớp in tiền - 1

Thứ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Hoàng Giang tại Lễ trao bằng độc quyền sáng chế cho Công ty Q&T VN.

Tại buổi lễ trao Bằng sáng chế độc quyền cho đề tài này tại nhà máy của Công ty Q&T mới đây, thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho biết một số thông tin chung cũng như cảm nhận về hàm lượng khoa học của đề tài này.

Ông nói: "Trong những năm gần đây, lượng đơn và văn bằng bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích của tổ chức, cá nhân Việt Nam tại Cục Sở hữu trí tuệ có sự gia tăng đáng kể. Cụ thể, năm 2022, số lượng đơn của chủ thể Việt Nam (1.340 đơn) tăng hơn 1,5 lần so với 5 năm trước đó (865 đơn). Tương ứng, số lượng văn bằng bảo hộ cấp cho chủ thể Việt Nam năm 2022 (329 văn bằng), tăng hơn 1,4 lần so với 5 năm trước đó (227 văn bằng). Điều đó cho thấy nỗ lực của cả hệ thống để sáng chế ngày càng trở thành tài sản có giá trị của doanh nghiệp Việt Nam".

Trong lĩnh vực sản xuất và ứng dụng vật liệu bảo an, qua tra cứu sơ bộ của Cục Sở hữu trí tuệ, riêng trong năm 2022 trên thế giới có gần 1.500 đơn đăng ký sáng chế được nộp tại các nước trên thế giới, xuất phát từ hơn 600 sáng chế được tạo ra. Điều đó cho thấy đang có sự quan tâm đầu tư khá lớn cho các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này. Trong bối cảnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về giả mạo giấy tờ bảo an, đây sẽ tiếp tục là lĩnh vực mà nhiều doanh nghiệp quan tâm và đầu tư phát triển công nghệ.

Công ty TNHH Công nghệ cao Polymer Q&T đã có nhiều đầu tư, nỗ lực nhằm cải tiến công nghệ, ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động của mình. Cụ thể, công ty đã được cấp 1 bằng sáng chế cho vật liệu polymer bảo an và quy trình sản xuất và có 4 đơn sáng chế đang được thẩm định tại Cục Sở hữu trí tuệ.

"Bên cạnh đó, tôi cũng được biết công ty dự định sẽ tiếp tục đăng ký các sáng chế khác không những ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Tôi trân trọng và đánh giá cao các hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo mà công ty đã thực hiện, đặc biệt trong bối cảnh thế giới vừa bước qua đại dịch và còn nhiều khó khăn trong kinh tế vĩ mô…", đại diện Bộ Khoa học Công nghệ chia sẻ.

Như vậy, Công ty TNHH Công nghệ cao Polymer Q&T đã chủ động sản xuất giấy nền đa lớp (với gần chục lớp in khác nhau mới ra thành phẩm giấy nền có độ bảo an cao). Đó là chưa kể chuyện nhà máy In tiền Quốc gia bớt phụ thuộc và bị nước ngoài ép giá nếu mua. Việt Nam có thể in tiền mà đảm bảo độ bảo an hơn bởi nhà máy này nhập từ Đức, công nghệ mới so với 4 nhà máy khác trên thế giới.

Nhà máy sản xuất giấy nền in tiền polymer thứ 5 trên toàn thế giới của Việt Nam có mục tiêu sẽ tham gia cung cấp giấy nền đa lớp để in tiền polymer, in hộ chiếu, in các loại văn bằng chống làm giả không chỉ có trong nước cho 30 quốc gia...

Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất giấy nền đa lớp in tiền - 2

Chủ tịch Công ty Crane Curency Hoa Kỳ phát biểu tại Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc, Hà Nội trong buổi lễ ngày 29/8.

Công ty Polymer Q&T VN cũng đã có thỏa thuận hợp tác với một công ty lớn của Mỹ. Họ chuyên cung cấp giấy in tiền cho 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với cả 2 loại giấy in: giấy coton và giấy polymer.

Vừa rồi, các chuyên gia kỹ thuật thuộc Công ty Crane Currency (Mỹ), một công ty chuyên về kinh doanh, phân phối giấy in tiền (cả coton lẫn polymer) cho 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty Q&T VN để dùng dải bảo an 3 chiều của họ rất tinh xảo trên giấy nền đa lớp do Công ty Polymer Q&T VN sản xuất. Đây cũng là công ty độc quyền phân phối giấy in tiền USD cho Mỹ từ năm 1801 đến nay. Chính họ sẽ là đối tác của Công ty Polymer Q&T VN.

"Họ đã sang tìm hiểu, thẩm định chất lượng trước khi 2 bên đi tới ký thỏa thuận hợp tác sản xuất, tiêu thụ giấy nền đa lớp của Việt Nam trên thế giới. Họ đã hết sức ngạc nhiên bởi công nghệ mới mà phía doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, lắp ráp và đặc biệt còn tự chủ, dùng đến gần 90% nguyên phụ liệu trong nước. Tức là rất cơ bản, chỉ trừ khoản mực in là của Nhật Bản, công ty Q&T phải nhập về rồi tự pha trộn theo kiểu riêng", đại diện công ty Polymer Q&T VN cho biết.

Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất giấy nền đa lớp in tiền - 3

Các chuyên gia về ngành in tiền đang tìm hiểu quy trình sản xuất giấy của nhà máy Q&T.

Ông David Bonnici - Quản lý Kỹ thuật Quy trình của Công ty Crane Currency (Mỹ) - đối tác với Q& T VN nhận xét: "Về cơ bản, chúng tôi vừa hoàn thành việc thiết lập cho dự án này, nơi chúng tôi đang ứng dụng dải MOTION SURFACE® trên giấy nền polymer của Q&T. Chúng tôi rất hài lòng với việc ứng dụng này. Chúng tôi đã đạt được ứng dụng rất tốt và ổn định trên giấy nền".

Còn ông Charlot Magro - Quản lý Phòng thí nghiệm Chất lượng cũng thuộc Công ty trên Crane Currency chia sẻ: "Trong phòng thí nghiệm này, chúng tôi được trang bị để thực hiện một số thử nghiệm trên giấy nền cotton và polymer. Chúng tôi cũng được trang bị để kiểm tra tất cả các loại mực sử dụng trên tiền, và sau cùng chúng tôi kiểm tra tiền đã hoàn thành. Chúng tôi đang thử nghiệm dải vi quang học MOTION SURFACE® của mình trên giấy nền polymer của Q&T, nơi chúng tôi đang đánh giá hơn 34 thử nghiệm hóa học và vật lý và cho đến nay chúng tôi đang đạt được kết quả tốt".

Trước đó, ông Sam Keayes, Chủ tịch Công ty Crane Currency (chuyên về cung cấp giấy in tiền cho 1/4 nhân loại) gửi đến ông Lương Ngọc Anh, CEO Công ty Polymer Q&T VN với lời chúc mừng Công ty Polymer Q&T VN được sản xuất và vận chuyển giấy nền polymer cho đồng 20.000 đồng.

"Việc được trao cho hợp đồng này là bằng chứng sớm về tầm nhìn của ông để thành công trong lĩnh vực tiền polymer, một minh chứng cho khả năng vận hành và kỹ thuật của Q&T, dấu hiệu cho thấy các cơ hội kinh doanh thịnh vượng đang ở phía trước đối với Q&T. Tôi cũng đã được khích lệ bởi các báo cáo kỹ thuật tích cực từ nhà máy in tiền của chúng tôi ở Malta về việc tích hợp thành công tính năng bảo mật vi quang học MOTION SURFACE của Crane Currency với giấy nền polymer của Q&T", ông nói.

Giới chuyên gia nhìn nhận, đồng tiền Polymer đã đi vào sử dụng gần 20 năm nay, trong khi tuổi đời các đồng tiền khác thường chỉ 10 năm, chứng tỏ đồng tiền Polymer không chỉ bảo mật, bảo an mà còn có tuổi thọ bền, giúp tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, bảo an tốt không có nghĩa là nó sẽ duy trì mãi mãi mà đã đến lúc cũng cần có sự thay đổi yếu tố bảo an để có thể chủ động phòng chống với tội phạm công nghệ cao. Hiện, Polymer Q&T mới sản xuất được giấy nền, công ty cho biết sẽ cố gắng để có thể sản xuất thêm được yếu tố bảo an nữa trong tương lai.

Ngày 29/8, tại nhà máy của phía Việt Nam, hai công ty đã chính thức trao đổi bản thỏa thuận hợp tác lâu dài đã ký trước đó. Công ty Crane Curency sẽ giúp Công ty Polymer Q&T VN đưa sản phẩm giấy polymer đa nền của Q&T Việt Nam ra nước ngoài tiêu thụ. Chặng đường phía trước vừa mới mở với một doanh nghiệp tư nhân thuộc lĩnh vực công nghệ cao đầu tư xây dựng nhà máy có tổng kinh phí trên 1.100 tỷ đồng. Nó còn rất non trẻ với đầy thách thức khi họ có khát khao được vươn ra biển lớn.

Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất giấy nền đa lớp in tiền - 4

Đội ngũ cán bộ và nhân viên Nhà máy sản xuất giấy polyme đa nền tại Khu Công nghệ cao Láng Hòa Lạc, Hà Nội chụp ảnh cùng Chủ tịch Công ty Q&T (đứng thứ 4 bên trái).

"Từ nay Việt Nam không còn phụ thuộc nước ngoài và chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng, bình đẳng với thế giới. Vấn đề ở chỗ chất lượng sản phẩm của ai tốt hơn, nó không chỉ bằng cảm quan mà phải bằng kỹ thuật công nghệ được thế giới thừa nhận để ra sản phẩm và điều quan trọng nữa là giá thành lại thấp hơn", đại diện Polymer Q&T VN cho biết.