1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Việt Nam "đếm ngược" chờ làn sóng M&A thứ 2 đạt đỉnh mới

(Dân trí) - Nhà đầu tư đang chờ đón và cùng đếm ngược cho thời điểm ghi nhận sự bùng nổ của thị trường M&A trong làn sóng thứ hai sẽ đạt được đỉnh mới, cao hơn so với kỷ lục được xác lập năm 2012 là gần 5 tỷ USD.

Việt Nam đếm ngược chờ làn sóng M&A thứ 2 đạt đỉnh mới
Năm 2014 giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam tăng khoảng 20% so với năm 2013, đạt khoảng 4 tỷ USD.

M&A đạt 4 tỷ USD trong năm 2014 

Phát biểu tại Diễn đàn M&A năm 2015, ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng ban Tổ chức Diễn đàn M&A cho biết, sau khi đạt được tốc độ tăng trưởng 5,98% trong năm 2014, bước sang năm 2015, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục có những dấu hiệu khởi sắc rõ nét hơn. GDP 6 tháng đầu năm ước tăng trưởng 6,28%, cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm 2014 và đây là mức GDP tăng cao nhất kể từ năm 2009. 

Cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, những kết quả bước đầu của chương trình cải cách thể chế, tái cấu trúc, nhất là cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc hệ thống tài chính ngân hàng, cũng như tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hoạt động M&A đang được các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. 

"Mặc dù số liệu thống kê còn khác nhau, nhưng theo Nhóm Nghiên cứu, năm 2014 giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam tăng khoảng 20% so với năm 2013, đạt khoảng 4 tỷ USD”, ông Tuấn cho biết.

Báo cáo cụ thể được công bố cho thấy, hoạt động mua bán - sáp nhập tại Việt Nam tăng trưởng 15% trong năm 2014. Giá trị M&A ghi nhận cao hơn nhiều so với thống kê của Thomson Reuters công bố hồi tháng 1/2015. Xét về quy mô, giá trị trung bình của một thương vụ đạt 11 triệu USD, tăng so với cách đây 3 năm tại mức 5 – 8 triệu USD. Đáng lưu ý, các thương vụ lớn đều có yếu tố nước ngoài.

Lĩnh vực dẫn đầu trong các thương vụ M&A là ngành bán lẻ, chiếm tới 36% tổng giá trị. Điển hình là các thương vụ Vingroup mua Ocean Mart, tập đoàn Berli Jucker của Thái Lan dự định mua lại mua lại chuỗi siêu thị tại Việt Nam của tập đoàn Metro Cash & Carry.

Đón chào làn sóng thứ 2

Theo ông Tuấn, hoạt động M&A tại Việt Nam trong năm 2015 và 5 năm tiếp theo sẽ diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi và Việt Nam đẩy mạnh cải cách thể chế; khung khổ pháp lý cho hoạt động M&A đang ngày một hoàn thiện hơn khi hàng loạt đạo luật quan trọng liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh đã được sửa đổi, bổ sung và đang đi vào cuộc sống như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản. 

Theo Đề án cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã được Chính phủ phê duyệt nhiều tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn sẽ được cổ phần hóa, đồng thời Chính phủ sẽ giảm mạnh số doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp mà nhà nước giữ cổ phần chi phối. Trong khoảng thời gian này, hàng loạt các cuộc IPO của các doanh nghiệp ngành vận tải, giao thông, viễn thông, công nghiệp thực phẩm…đã và đang diễn ra tạo nguồn hàng quan trọng cho các thương vụ M&A và lựa chọn đối tác chiến lược lớn.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài đến từ Nhật Bản, ASEAN, Châu Mỹ, Châu Âu đang có sự quan tâm đặc biệt tới các lĩnh vực bán lẻ, tiêu dùng, công nghiệp, viễn thông…thông qua con đường M&A. Và thực tế trong các lĩnh vực nói trên đã xuất hiện nhiều thương vụ trị giá hàng trăm triệu USD trong thời gian qua.

Khu vực Đông Nam Á (ASEAN) đã và đang trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, năm 2015 là hạn chót để các nước thành viên ASEAN thiết lập khu vực mậu dịch tự do sẽ làm cho khu vực ASEAN trở nên hấp dẫn hơn đối với các công ty nước ngoài. Mặt khác, các doanh nghiệp địa phương sở hữu lượng tiền mặt dư thừa sẽ tăng cường các hoạt động M&A để nâng cao năng lực cạnh tranh của họ trên thị trường toàn cầu.

Ông Tuấn cũng cho rằng, Việt Nam là thị trường được hưởng lợi từ dòng chảy nguồn vốn dồi dào đó. Giai đoạn 2014 - 2018, thị trường M&A Việt Nam bắt đầu bước vào một làn sóng mới, được ghi nhận là làn sóng thứ 2 với tổng giá trị M&A được dự báo lên đến 20 tỷ USD. Theo khảo sát và thống kê của nhóm nghiên cứu MAF, năm 2014 giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam tăng khoảng 20% so với năm 2013, đạt gần 4 tỷ USD. 

Các chuyển động chính sách gần đây (Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực từ 1/7, Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép nới room đối với các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực…) cùng với những cam kết cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước lớn, sự trỗi dậy của các công ty tư nhân trong nước, sự quan tâm của các dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A tại Việt Nam… được kỳ vọng sẽ là động lực làm bùng nổ làn sóng M&A thứ hai tại Việt Nam trong thời gian tới.

"Tiềm năng và cơ hội đã có, các doanh nghiêp, nhà đầu tư đang chờ đón và cùng đếm ngược cho thời điểm ghi nhận sự bùng nổ của thị trường M&A trong làn sóng thứ hai sẽ đạt được đỉnh mới, cao hơn so với kỷ lục được xác lập năm 2012 là gần 5 tỷ USD”, ông Tuấn nói.

Phương Dung


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”