1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Việt Nam - cường quốc kinh tế khu vực

Đã có nhiều bài viết của báo chí nước ngoài ngợi ca Việt Nam trong thời gian qua, nhưng đây là lần đầu tiên, một tờ báo lớn của Mỹ, The New York Times mạnh dạn dùng cụm từ “cường quốc kinh tế khu vực” (regional economic power).

Trong bài “Mỹ và Trung Quốc tranh giành ảnh hưởng tại Việt Nam” trên tờ The New York Times số ra ngày 19/6, phóng viên Jane Perlez viết: “Với mức phát triển nhanh nhất Đông Á, sau Trung Quốc và ngày càng thu hút đầu tư từ quốc tế, Việt Nam đang nổi lên như một cường quốc kinh tế khu vực với bước chuyển vững chắc từ những cánh đồng lúa sang công xưởng”.

Theo phóng viên kỳ cựu của The New York Times, Việt Nam đang được hưởng lợi từ sự tranh giành ảnh hưởng của Mỹ và Trung Quốc tại khu vực.

Về phía Mỹ, khi vết thương chiến tranh được hàn gắn, Washington đang quan tâm đến Việt Nam. Bằng chứng cụ thể là chuyến thăm Việt Nam gần đây của Chủ tịch Hạ viện Mỹ J.Dennis Hastert, vua máy tính Bill Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Donald H.Rumsfeld và sắp tới là Tổng thống George Bush… Cùng thời gian, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng tới thăm Hà Nội.

Bài báo cho biết: “Trung Quốc và Mỹ đang nhanh chóng gia tăng sự hiện diện kinh tế tại Việt Nam. Đầu tư của Mỹ và Trung Quốc vào Việt Nam năm 2005 ngang nhau - mỗi nước hơn 2 tỷ USD.

Thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam tăng lên gần 8 tỷ USD năm 2005, từ chỉ gần 1 tỷ USD năm 2001. Không muốn bị qua mặt, trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 6 này, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Bạc Hy Lai nói thương mại giữa hai nước có thể đạt 10 tỷ USD năm 2006, tăng gần 40% so với năm 2005”.

Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam chủ yếu trên lĩnh vực nguyên liệu thô như than đá, bauxit và xây dựng đường bộ, đường sắt nối liền vùng duyên hải Việt Nam với miền Nam Trung Quốc.

Tại Vĩnh Yên, Trần Quốc Huy, kỹ sư dệt may người Trung Quốc, đang điều hành một nhà máy sợi có 600 công nhân. Ông Huy cho biết: “Các nhà máy Trung Quốc đang đổ xô tới Việt Nam ngày càng nhiều - giá nhân công ở đây thấp hơn Trung Quốc 25 - 30%”.

Bài báo cho rằng Việt Nam đã thực sự tham gia vào nền kinh tế châu Á nhờ những chính sách cởi mở của nhà nước. Ấn tượng đặc biệt với Việt Nam là sự phát triển vững chắc, đồng đều, tạo ra ít khoảng cách giàu nghèo hơn các nước đang phát triển khác.

Bài báo dẫn lời Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Klaus Rohland: “Hiếm có quốc gia nào vươn từ nghèo đói lên mức thu nhập trung bình trong 15 năm”.

Theo N.Đ
Báo Tiền phong