1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

"Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng 4,7% trong năm 2012"

(Dân trí) - Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) dẫn nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế cho thấy kịch bản xấu nhất cho tăng trưởng chỉ là 4,7%. Trong khi đó, các chuyên gia trong nước nhìn về cột mốc 5,5%, thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ.

Chiều nay 10/1, “Diễn đàn Kinh tế Việt nam: Dự báo kinh tế 2012 – 2015” với sự chủ trì của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục chuỗi hội thảo phân tích, “mổ xẻ” về những cơ hội thách thức cho bức tranh vĩ mô thời gian tới.

Tại Diễn đàn, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) công bố dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2012 trong bối cảnh kinh tế thế giới còn lúng túng với việc xử lý “bong bóng tài chính”.

"Việt Nam có thể chỉ tăng trưởng 4,7% trong năm 2012" - 1
TS Võ Trí Thành: Triển vọng kinh tế năm nay phụ thuộc vào sự tài ba và uyển chuyển trong điều hành chính sách của Chính phủ (ảnh: Bích Diệp).

Là năm mở đầu cho kế hoạch tái cấu trúc nền kinh tế, mục tiêu Chính phủ đặt ra đã được Quốc hội thông qua là đạt được mức tăng trưởng 6-6,5% (cao hơn so kết quả đạt được năm 2011 là 5,89%). 

Trong khi đó, giảm chi đầu tư cho phát triển xuống còn 33,5% GDP. Xuất khẩu tăng 13%, kiểm soát nhập siêu trong khoảng 11-12% tổng kim ngạch xuất khẩu (phấn đấu dưới 10%).
 
Phía nhà điều hành chính sách hy vọng, với các chỉ tiêu trên, số việc làm tăng thêm đạt 1,6 triệu lao động , tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị chỉ 4%.

Tuy nhiên, dưới con mắt đánh giá của các chuyên gia kinh tế CIEM, trong khi có thể kiềm lạm phát ở một con số (tức chỉ bằng 1 nửa mức lạm phát của năm vừa qua là 18,58%) thì cái giá đánh đổi sẽ là mức tăng trưởng GDP bị sụt giảm. 

CIEM dẫn một số dự báo của các tổ chức quốc tế nhận định về GDP Việt Nam trong năm nay. Theo đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế năm nay thậm chí bị hạ xuống còn 4,7%. Với cái nhìn khả quan hơn, GDP có thể đạt 6,5%. 

Ngày hôm qua, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Việt Nam cũng vừa công bố 3 kịch bản cho kinh tế năm 2012. Trường hợp xấu nhất, GDP sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 5,2-5,5% song như vậy cũng là cao so với mức tăng GDP của các nước đang phát triển chỉ dưới 4%.

Về phía CIEM, Phó Viện trưởng Võ Trí Thành cho biết: "Chúng tôi nghiêng về kịch bản thấp hơn, GDP năm nay sẽ vào khoảng 5,5%". Ông cũng bình luận, 

Các chuyên gia tại CIEM phân tích, chỉ tiêu lạm phát có thể đạt được do khả năng có các cú sốc giá đáng kể từ bên ngoài tác động lên cung trong năm nay là thấp.

Tuy nhiên, việc giảm mạnh CPI đặt trong mục tiêu song song là phải làm thế nào không “bóp nghẹt” sản xuất kinh doanh để đảm bảo đạt tăng trưởng ít nhất 6% không phải là một bài toán dễ dàng.

Cùng với đó, trong khi đầu tư giảm, thị trường xuất khẩu co hẹp, chính sách vĩ mô tiếp tục chặt chẽ, cải cách quyết liệt 3 khu vực đầu tư công – doanh nghiệp nhà nước – tài chính ngân hàng.

“Đây sẽ là năm yêu cầu sự tài ba, giỏi giang, uyển chuyển trong nghệ thuật điều hành của Chính phủ trong thực thi chính sách tiền tệ, tài khóa và tỉ giá” - TS Thành nhận định. Ông dí dỏm: “Nếu có 5 đồng đưa cho tôi thì chỉ có đi uống rượu, nhưng cũng 5 đồng đó đưa cho bà vợ sẽ có rau, có tép ăn”.

Trao đổi với Dân trí sau buổi Tọa đàm “Triển vọng kinh tế Việt Nam 2012-2013” UBGSTC tổ chức sáng 9/1, Chủ tịch Uỷ ban, ông Vũ Viết Ngoạn nói: Thách thức trước mắt có nhiều, nhưng chỉ lo rằng Chính phủ không nhìn thấy. Khi Chính phủ đã nhìn thấy, có quyết tâm, có sự chuẩn bị thì kinh tế nước ta sẽ vượt qua được giai đoạn khó khăn này.
Bích Diệp