1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Việt Nam chi thường xuyên gấp gần 4 lần chi đầu tư phát triển

(Dân trí) - Khả năng cân đối NSNN được cho biết đang rất khó khăn. Chính phủ dự kiến trình nâng trần bội chi để chi cho đầu tư phát triển, tuy nhiên, hiện nay phần này chỉ chiếm 18% tổng chi ngân sách.

Theo thông tin đưa ra tại báo cáo vĩ mô tháng 9/2013 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), tương tự như năm 2012, nguồn thu từ dầu thô vẫn tiếp tục là nhân tố chủ yếu bù đắp cho hụt thu từ thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu trong 9 tháng đầu năm.

Tính đến 15/9, thu dầu thô tăng 7,5% so với kế hoạch, bù đắp cho giảm thu 10% và 13% từ các khoản thu nội địa và thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước (NSNN) cho đến nay vẫn ở mức thấp hơn khá nhiều so với kế hoạch. Cụ thể, tổng thu cân đối NSNN lũy kế đến 19/9 ước đạt 509.700 tỷ đồng, bằng 62,5% kế hoạch, thấp hơn 63,3% và 78,5% dự toán của cùng kỳ năm 2012 và 2011.

Việt Nam chi thường xuyên gấp gần 4 lần chi đầu tư phát triển
Khả năng cân đối NSNN dự báo sẽ rất khó khăn trong những tháng cuối năm, tuy nhiên, việc tiết giảm chi thường xuyên chưa đạt kỳ vọng.

Trong khi đó, với xu hướng giảm thu từ hoạt động xuất nhập khẩu (so với kế hoạch) vẫn tiếp tục kéo dài từ năm 2012 đến nay; xu hướng sản lượng, giá dầu và tốc độ tăng thu từ dầu thô giảm so với cùng kỳ năm 2012 cùng những yếu tố làm tăng mạnh thu NSNN trong những tháng cuối năm 2013 không nhiều, Ủy ban cho rằng, khả năng cân đối NSNN theo kế hoạch đề ra sẽ tiếp tục gặp những khó khăn, thách thức lớn trong quý IV.

Tại phiên họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9 vừa rồi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã xác nhận thông tin, do ngân sách eo hẹp, Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội nâng trần bội chi từ 4,8% lên 5,3% GDP.

Bộ trưởng cho biết, trong khi “từ Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh cho đến vùng sâu, vùng xa, đâu đâu cũng có nhu cầu đầu tư điện đường, trường, trạm… thì hàng loạt công trình đã bị siết lại, không đủ vốn để triển khai tiếp do thực hiện chấn chỉnh đầu tư công”.

Ngoài ra, vì hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp từ hạ lãi suất đến giãn, lui, giảm thuế, dẫn đến mức tăng ngân sách không đáp ứng được mức chi như mong muốn.

Có một điểm đáng lưu ý là trong cơ cấu chi NSNN hiện nay, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng rất lớn, tới 67% tổng chi trong khi chi đầu tư phát triển chỉ chiếm khoảng 18%.

Theo như lời người phát ngôn Chính phủ, nếu đúng quy định, toàn bộ thu từ tiền đất, cộng với một phần thu từ khoáng sản, một phần thu từ xổ số kiến thiết sẽ phải chi hết cho đầu tư. Song, do một số năm gần đây phải tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phải giảm, giãn một số sắc thuế, nên đến thời điểm hiện tại, tiền thu từ đất không dành được hết cho đầu tư mà phải dành cho chi sự nghiệp.

Với khả năng cân đối NSNN “hiện đang rất khó khăn”, Ủy ban Giám sát tài chính kiến nghị trong những tháng còn lại, Chính phủ cần tăng cường tiết kiệm chi NSNN và đẩy mạnh các biện pháp thu, chống thất thu và nợ đọng thuế.

Còn về lâu dài, Ủy ban cho rằng, cần xây dựng khuôn khổ ngân sách trung hạn để đảm bảo sự bền vững của NSNN.

Đồng thời, Chính phủ cũng phải xây dựng kế hoạch giảm dần đối tượng hưởng lượng ngân sách để dần chuyển dịch cơ cấu chi NSNN, thiết lập sự cân bằng giữa chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển nhằm tăng thêm khả năng bố trí vốn đầu tư ngân sách cho tăng trưởng kinh tế, hướng tới mục tiêu ổn định lâu dài.

Bích Diệp