1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

VCBS: "Lãi suất chịu áp lực tăng trong năm 2017"

(Dân trí) - Năm 2016, lãi suất huy động VND có những đợt điều chỉnh tăng trong khi lãi suất cho vay khá ổn định và ít biến động. Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất chịu áp lực tăng trong năm 2017 nhưng kỳ vọng sẽ chỉ biến động nhẹ.

Biến động mạnh vào quý I và IV

Thời điểm cuối tháng 12 này, thị trường ghi nhận một loạt các ngân hàng công bố điều chỉnh tăng lãi suất huy động VND thêm từ 0,1 - 0,3%/năm ở một số kỳ hạn và nhiều chương trình khuyến mại tặng quà. Nhìn lại cả năm 2016, mặt bằng lãi suất huy động tăng nhẹ so với năm 2015 khoảng vài chục điểm cơ bản tùy từng kỳ hạn từ ngắn đến trung và dài hạn, trong đó có hai đợt điều chỉnh tương đối rõ vào quý I và cuối quý IV.

Đến cuối năm 2016, lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng phổ biến trong khoảng 4,3% - 5,5%/năm, từ 6 tháng đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,3% - 7%/năm, từ 12 tháng trở lên trong khoảng 6,5% - 8%/năm.

Theo đánh giá của nhóm phân tích Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), nguyên nhân chính của việc tăng lãi suất trong quý I đến từ một số diễn biến của hệ thống ngân hàng kéo theo nhu cầu tăng cường huy động vốn. Có thể kể đến như tăng trưởng huy động (13,59% trong năm 2015) thấp hơn tăng trưởng tín dụng (17,3% trong năm 2015) kéo theo tỷ lệ LDR (tỷ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động) của một số ngân hàng tại thời điểm này ở mức khá cao.

Ngoài ra, Thông tư 06 sửa đổi một số điều Thông tư 36 theo hướng thắt chặt hơn quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn cũng ảnh hưởng tới mặt bằng lãi suất huy động trong quý I.

Còn với đợt điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất vào cuối quý IV, ngoài cạnh tranh huy động vốn như kể trên, mặt bằng lãi suất huy động còn chịu thêm áp lực từ việc tỷ giá nóng lên sau bầu cử Mỹ và quyết định tăng lãi suất trong tháng 12 của FED và yếu tố mùa vụ với việc tăng trưởng tín dụng gia tốc về cuối năm cũng như nhu cầu đảm bảo thanh khoản của các ngân hàng xung quanh thời điểm cuối năm dương lịch và Tết Nguyên đán.


Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất chịu áp lực tăng trong năm 2017 nhưng kỳ vọng sẽ chỉ biến động nhẹ.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), lãi suất chịu áp lực tăng trong năm 2017 nhưng kỳ vọng sẽ chỉ biến động nhẹ.

Mặc dù lãi suất huy động tăng nhẹ nhưng lãi suất cho vay trong năm 2016 khá ổn định và ít biến động. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6%-7%/năm đối với ngắn hạn và 9%-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8%-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3%-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 4%-5%/năm.

Mặt bằng lãi suất tiếp tục chịu áp lực

Trong bối cảnh trên, VCBS cho rằng, mặt bằng lãi suất năm 2017 sẽ tương đối ổn định và chỉ biến động nhẹ quanh mức cuối năm 2016, mức tăng nếu có sẽ không quá 50 điểm cơ bản.

"Trong năm 2017, mặt bằng lãi suất sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực với những vấn đề còn tồn tại trong hệ thống ngân hàng như kể trên kéo theo việc cạnh tranh huy động và những biến động trên thị trường thế giới, đặc biệt là lộ trình tăng lãi suất của FED đi cùng rủi ro tỷ giá. Theo đó chúng tôi đánh giá lãi suất sẽ rất khó giảm thêm", báo cáo nhấn mạnh.

Ở chiều ngược lại, trong bối cảnh lạm phát trong tầm kiểm soát như phân tích ở phần trên; biến động của thị trường ngoại hối và việc giảm giá của VND ở mức hợp lý như kỳ vọng và triển vọng nguồn cung ngoại tệ ở mức ổn định và dồi dào tiếp tục hỗ trợ thanh khoản của hệ thống, VCBS cho rằng, NHNN vẫn còn dư địa để điều tiết thị trường và giải tỏa các áp lực lên lãi suất.

Giới chuyên gia cho rằng, mục tiêu duy trì mặt bằng lãi suất thấp ở mức hợp lý để hỗ trợ tăng trưởng của Chính phủ và NHNN là có thể đạt được. Theo đó, mặt bằng lãi suất năm

2017 dự báo sẽ tương đối ổn định và chỉ biến động nhẹ quanh mức cuối năm 2016, mức tăng nếu có sẽ không quá 50 điểm cơ bản (0,5%) và trần lãi suất 5,5%/năm đối với các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng nhiều khả năng sẽ được đảm bảo.

Trong năm 2017, thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục là yếu tố quan trọng tác động lên diễn biến thị trường trái phiếu. Với kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ ở mức tốt; rủi ro tỷ

giá ở mức chấp nhận được kết hợp cùng định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp, thanh khoản của hệ thống, loại trừ hiệu ứng mùa vụ, nhiều khả năng vẫn sẽ ở mức ổn định và dồi dào.

Theo đó, lợi suất trái phiếu kỳ vọng sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ trong năm 2017, tuy nhiên mức biến động sẽ phân hóa theo từng kỳ hạn. Khả năng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm tiếp tục giảm thêm so với mức đáy của năm 2016 là thấp khi đã khá tiệm cận với lạm phát và kỳ vọng lạm phát trong dài hạn.

Trong khi đó, thanh khoản và mối quan tâm của thị trường dự báo sẽ chuyển dịch sang các kỳ hạn từ 7 đến 15 năm khiến cho biến động lợi suất của các kỳ hạn này có thể sẽ nhiều hơn. NHNN điều tiết hợp lý, giữ ổn định cho thị trường tiền tệ, đảm bảo thanh khoản cho hệ thống.

"Với vai trò điều tiết, NHNN đã làm tốt vai trò của mình trong năm 2016. Những biến động khó lường của thị trường tài chính thế giới đã gây không ít áp lực lên chính sách điều hành lãi suất và tỷ giá; tuy nhiên, NHNN đã thành công trong việc duy trì một mặt bằng lãi suất hợp lý và hạn chế được nhiều yếu tố đầu cơ trên thị trường ngoại hối. Việc đảm bảo thanh khoản cho hệ thống ngân hàng cũng được phối hợp nhịp nhàng, tuân theo điều kiện mùa vụ của nền kinh tế, cũng như theo nhu cầu của người dân vào các dịp lễ Tết", bản “Báo cáo triển vọng 2017” đánh giá.

An Hạ