1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vay USD - khi nào nên ngừng

Giá USD đang tăng và nhiều dấu hiệu cho thấy một chu kỳ nhích lên đã bắt đầu. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp vay USD để tận dụng chênh lệch lãi suất, người dân cũng hò nhau mua USD cất trữ. Vay USD có an toàn không và đâu là ngưỡng an toàn?

Vay USD - khi nào nên ngừng - 1
Với mức lãi vay USD mà các ngân hàng đang áp dụng hiện nay được cho là trong ngưỡng an toàn.

Theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực XNK, hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN XNK sẽ tăng mạnh vào quý II cho tới cuối năm. Do đó, nhu cầu vay vốn ngoại tệ, trong đó chủ yếu là USD sẽ còn tăng mạnh hơn so với giai đoạn hiện nay.

Vay để hưởng chênh lệch

Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, hiện nay nhu cầu vay USD của một số DN XNK chủ yếu là do chênh lệch lãi vay giữa USD và VND chứ không hoàn toàn do nhu cầu gia tăng vốn cho hoạt động XNK.

Một DN cho biết, mỗi tháng DN này cần khoảng 5 triệu USD để nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nếu vay VND với lãi suất khoảng 12% thì chi phí lãi vay sẽ cao hơn rất nhiều so với lãi vay USD chỉ có 5,5%. Chính vì vậy DN này đã chuyển qua vay USD thay vì vay VND như trước đây.

Tình trạng nhiều DN vay USD và đón bắt xu hướng gia tăng nhu cầu vay USD vào nửa cuối năm cũng được cho là nguyên nhân khiến các ngân hàng thương mại gần đây bắt đầu gia tăng lãi suất huy động USD trong khi lãi suất huy động VND bị khoá chặt. Lãi suất huy động USD tăng liên tục hiện mức cao nhất của kỳ hạn 1 tháng đã lên tới 3,8%/năm; với kỳ hạn 2 tháng là 4,1% và với 2 năm từ 4,4% lên 4,8%/năm.

Song song với việc tăng lãi suất huy động, tỷ giá USD sau khi tương đối ổn định trong vài tháng vừa qua lại có dấu hiệu tăng trở lại mặc dù chưa quá mạnh và chưa có những dấu hiện cho thấy có thể có những đột biến lớn.

Bắt đầu từ phiên giao dịch hôm 29/3, USD có vẻ như đã trở lại một thời đoạn tăng giá mới. Cùng ngày, tỷ giá liên ngân hàng vẫn dừng ở con số 18.544 đồng/1 USD còn tỷ giá giao dịch giữa các ngân hàng thương mại là 19.070 - 19.100 đồng/USD với giá bán ra và +20 đồng/1USD - với giá mua vào.

Trước đó trong nhiều ngày, giá mua vào theo công bố của Ngân hàng Ngoại thương VN vẫn là 19.050 đồng/USD và giá mua trên thị trường tự do xoay quanh mức 19.300 -19.350 đồng/USD.

Trước đó vài ngày, khi các phương tiện thông tin truyền thông nói nhiều về khả năng phục hồi của USD và nhu cầu vay vốn của các DN trong nước đang tăng đã khiến không ít người đang cất trữ VND chuyển qua USD (các giao dịch trên thị trường tự do).

Tỷ giá sẽ thay đổi thế nào?

Câu hỏi được nhiều người quan tâm dặt ra hiện nay là liệu tỷ giá sẽ thay đổi thế nào bởi nếu các DN xoay qua vay USD nhiều sẽ lại khiến gánh nặng đè lên nguồn cung ngoại tệ vốn đang không khoẻ nặng thêm.

Biến động tỷ giá không tác động nhiều đến các DN xuất khẩu nhưng khu vực DN NK hàng hoá và nguyên vật liệu cho sản xuất, tiêu thụ trong nước sẽ bị ảnh hưởng và sẽ chịu tác động xấu. Chưa kể nguy cơ “đô la hoá” đã được nhắc tới khá nhiều.

Cuối năm ngoái, đã có lúc tỷ giá quy đổi lên tới 19.850 đồng/USD. Tuy nhiên ngay sau đó giá USD đã giảm do sự can thiệp mạnh tay của NHNN. Một điểm thuận lợi nữa khiến tỷ giá giữa USD và VND dễ dàng được vãn hồi năm ngoái là do DN tập trung vay VND để hưởng hỗ trợ từ gói hỗ trợ lãi suất 4% của Chính phủ.

Chính vì vậy lãi suất huy động USD đã đột ngột rơi chỉ còn 1,4 - 1,5% và lãi vay cũng chỉ tối đa tới 4 - 6% mà các DN vẫn kêu cao. Các DN đua vay VND mà không vay USD còn năm nay tình hình đang trái ngược, nhiều DN tập trung vay USD để hưởng chênh lệch laĩ suất thay vì vay VND.

Năm ngoái tỷ giá VND và USD cũng được NHNN mạnh tay bằng việc buộc các TCty Nhà nước bán USD cho ngân hàng với dự tính có khoảng hơn 10 tỷ USD nằm “ngủ” tại tài khoản của các TCty.

Đó là câu chuyện của năm ngoái còn năm nay kịch bản nêu trên có thể lặp lại hay không sẽ là rất sớm cho mọi câu trả lời và dự báo.

Một số chuyên gia cho rằng hiện nay chênh lệch lãi vay giữa VND và USD đang cao. Lãi vay sản xuất kinh doanh ngắn hạn VND khoảng 12%; trung, dài hạn dao động trong khoảng 15 - 18%, có những khoản vay lên tới 20%. Trong khi đó lãi vay USD ở mức 5,5 - 8% so với ngắn hạn và 6 - 8% với trung, dài hạn.

Như vậy chênh lệch lãi vay giữa VND và USD cũng ở mức 6,5 - 10%. Với mức chênh này trong trường hợp tỷ giá VND và USD không biến động nhiều thì vay USD được lợi. Tuy nhiên nếu USD tăng giá tương tự 6,5 - 10% tức là tăng tới khoảng xấp xỉ 20 - 21.000 đồng/USD thì người vay sẽ gặp bất lợi.

Việc USD tăng như tính toán trên được giới chuyên môn cho là sẽ khó xảy ra trong bối cảnh NHNN tiếp tục lấy mục tiêu ổn định để điều hành tỷ giá.

Theo Thanh Thanh
Báo Diễn đàn Doanh nghiệp