1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vào mùa đầu cơ vé máy bay Tết

Đến nay, chỉ còn Air Mekong (AM) chưa công bố kế hoạch bán vé máy bay Tết với lý do đang trong quá trình chuẩn bị. Còn Jetstar Pacific (JP) từ cuối tháng 8 đã bắt đầu triển khai. Tuy nhiên, hiện nay tại các đại lý khách hàng khó mà “săn” cho ra vé Tết.

Vé Tết tăng giá là điều không tránh khỏi

 

Đại diện JP cho hay nhu cầu đi lại vào dịp Tết này dự kiến sẽ kéo dài khoảng 35 ngày, từ ngày 8/1 đến 1/2/2012 (tức ngày 15/12 đến 20/1 âm lịch). Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng vé máy bay chỉ tập trung vào khoảng 15 ngày trước Tết đối với chiều từ phía Nam ra Bắc và 20 ngày sau Tết đối với chiều từ phía Bắc vào Nam.

 

Trong tháng 8, Vietnam Airlines (VNA) bắt đầu bán vé Tết đợt đầu. Theo đó, trên đường bay trục TP.HCM - Hà Nội/Đà Nẵng, VNA sẽ mở bán 100% tải trên các chuyến bay trước ngày 13/1/2012 (tức ngày 20/12 âm lịch) và sau ngày 7/2/2012 (tức ngày 16/1 âm lịch); mở bán 50% tải trong giai đoạn từ ngày 13/1 đến 7/2/2012.

 

Trên các đường bay địa phương từ TP.HCM - Vinh, Hải Phòng, Huế, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đồng Hới; Hà Nội - Cần Thơ, Điện Biên, VNA sẽ mở bán 100% tải trên các chuyến bay trước ngày 13/1/2012 (tức ngày 20/12 âm lịch) và sau ngày 31/1/2012 (tức ngày 9/1 âm lịch).

 

VNA cũng cho biết sau đợt mở bán đầu tiên sẽ tiếp tục mở bán thêm bốn đợt nữa vào đầu các tháng 10, 11 và 12 năm nay trước khi mở bán toàn bộ số chỗ trên các chuyến bay thường lệ và tăng tải trong dịp Tết sắp tới vào đầu tháng 1/2012.

 

Liên quan đến thông tin tăng giá trần, cả ba hãng đang tập trung làm báo cáo về chi phí hoạt động, doanh thu… để báo cáo cơ quan chức năng. Cục Hàng không hiện cũng đang chờ các hãng báo cáo giá thành thực tế, xây dựng phương án giá để từ đó có đề xuất nới trần giá vé máy bay. Dự kiến, trong tháng 10 này Bộ GTVT sẽ thẩm định, làm việc với Bộ Tài chính để tháng 11 có thể áp dụng giá mới.
 
Vào mùa đầu cơ vé máy bay Tết - 1
Cục Hàng không sẽ có biện pháp nhằm không để giá vé máy bay tăng vô tội vạ vào dịp Tết.

 

Ông Lại Xuân Thanh, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, cho hay nếu mức giá mới được thông qua thì vé Tết sẽ tăng giá là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, Cục sẽ có biện pháp nhằm không để giá vé máy bay tăng vô tội vạ vào dịp Tết.

 

“Việc áp dụng mức giá mới như thế nào, tăng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào báo cáo tình hình hoạt động, doanh thu của các hãng hàng không và cung cầu của thị trường. Sẽ không có chuyện các hãng lợi dụng giá trần tăng để chặt chém hành khách trong dịp Tết. Ngoài ra, thị trường hàng không cạnh tranh rất khốc liệt. Các hãng không dại gì tăng giá quá cao để mất khách vào hãng khác” - ông Thanh nói.

 

Mùa “ôm” vé của đại lý

 

Theo khảo sát của chúng tôi tại các đại lý, vé máy bay tết ở các tuyến đều trong tình trạng hết vé, người mua phải đặt vé chờ. Khi muốn mua vé Sài Gòn - Hà Nội vào ngày 26 tết thì hạng vé phổ thông đã hết, chỉ còn giá hạng thương gia với giá khoảng 5,1 triệu đồng, trong khi đó giá bình thường của chặng này chỉ có khoảng 4,8 triệu đồng.

 

Chị Thảo, nhân viên đại lý vé máy bay đường Cách Mạng Tháng Tám, quận Tân Bình, cho biết giá này đã có công văn áp dụng tăng từ ngày 16-5. Khi được hỏi về việc bán vé theo từng đợt khác nhau, chị không biết cụ thể ngày giờ nào vì hãng chỉ xuất ra khoảng 20-30 vé cho một đại lý mà rất nhiều đại lý thì nhanh chân đặt mới có chứ nhiều khi biết ngày bán đặt cũng hết chỗ. Đại lý cũng đang chờ hãng mở đợt bán tiếp theo để đặt chỗ cho khách…

 

Thủ thuật “ôm” vé

 

Phóng viên khảo sát tại các đại lý thì đều được ở đây xin tên và số điện thoại để khi nào có vé sẽ gọi chứ họ không biết cụ thể lúc nào.

 

Theo chủ một đại lý trên đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, dịp Tết là mùa làm ăn của các đại lý. Vì thế khi hãng bung vé ra theo từng đợt thì đại lý bắt đầu chiến dịch “ôm” vé. Nghĩa là khi hãng tung ra đợt vé mới các đại lý sẽ đăng ký với hãng để bán theo tên khách hàng đã đặt chỗ. Nhưng trong số này có những vé được đăng ký bằng tên ảo. Khi trên hệ thống của hãng hàng không hết vé, khách hàng tìm đến các đại lý và được trả lời rằng vé đã bán hết phải chờ. Sau đó đại lý sẽ thông báo với khách hàng là muốn có vé ngay thì mất phí đổi tên. Hoặc là chờ xin chỗ trên hãng, khách hàng mất thêm từ 200.000 đến 300.000 đồng/lượt.

 

Như vậy đại lý vừa được hưởng hoa hồng từ hãng, vừa có thể ăn một phần chênh lệch từ phí xin chỗ. Đấy là chưa kể đại lý có thể đã mua được giá vé thấp hơn và bán giá cao hơn. Chẳng hạn, cũng là vé hạng phổ thông nhưng có hai loại giá vé khác nhau. Chênh lệch cùng một hạng vé khoảng 100.000-150.000 đồng.

 

Đối với những hãng hàng không có quy định ngặt nghèo hơn thì việc đổi tên rất khó. Đại lý sẽ cùng một lúc thao tác vừa hủy vé và mua vé ngay cùng một lúc. Như vậy số tiền hủy vé sẽ bù lại cho đại lý bằng cách là đại lý sẽ nói với khách hàng phải chịu phí đổi tên hoặc phí xin chỗ.

 

Đặt vé đoàn, đại lý hốt bẫm

 

Tuy vậy vẫn còn một cách khác để đại lý có thể kiếm nhiều tiền hơn. Cụ thể đại lý đăng ký vé với danh nghĩa mua cho công ty. Nghĩa là đặt vé theo đoàn, đứng tên công ty nào đó. Như vậy, bản thân khi mua vé đoàn giá đã rẻ hơn rồi. Bên cạnh đó, đại lý có thể đổi tên khách dễ dàng hơn.

 

Chủ đại lý vé máy bay nêu trên khẳng định: “Có tới 99% các đại lý ôm vé. Trừ một số đại lý lớn, bán sỉ, họ chủ yếu ăn tiền chiết khấu của hãng đã đủ”.

 

Còn về phía các hãng, có hay không việc các hãng hàng không có thể găm giữ vé Tết để chờ mức giá trần mới được thông qua? Cục Hàng không cho biết sẽ theo dõi sát thị trường và sẽ có các biện pháp phù hợp để hạn chế tác động của việc tăng giá vé lên người tiêu dùng.

 

Bán vé “lệch đầu”

 

Một điểm mới trong dịp Tết năm nay là các hãng bán vé “lệch đầu” với giá rẻ. Thực tế vào dịp Tết, lượng hành khách tăng đột biến từ chiều Nam ra Bắc vào dịp trước Tết và sau Tết lại đông ở chiều Bắc vào Nam. JP đã thông báo bán vé “lệch đầu” trong dịp Tết từ Đà Nẵng đi TP.HCM giá 250.000 đồng/chặng; từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh đi TP.HCM giá 350.000 đồng/chặng.

 

Theo Trung Hiếu – Yên Trang – Tú Uyên
Pháp Luật TPHCM