1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Vấn nạn phân bón giả: Phải xử lý Thuận Phong mới xử được cách làm ăn nhếch nhác

(Dân trí) - Vụ thuận phong là điển hình của sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực phân bón giả. Chỉ cần xử lý được Thuận Phong thì sẽ xử lý được tất cả các doanh nghiệp làm ăn nhếch nhác khác.

Đó là khẳng định của ông Trần Hùng, Cục phó Cục Quản lý thị trường tại Đại hội “Trung ương Hiệp hội phân bón Việt Nam” diễn ra sáng nay (3/8) tại Hà Nội.

Vấn nạn phân bón giả: Phải xử lý Thuận Phong mới xử được cách làm ăn nhếch nhác - 1

Cũng theo ông Hùng: “Khi 389 ra đời với quyết tâm chống buôn lậu hàng giả, đã được nhân dân tin tưởng tố giác vụ Thuận Phong.”

“Khi thấy nơi nhạy cảm không còn vùng cấm, dân sẽ tin tưởng để tố giác. Tuy nhiên, người dân phải xem hành động của quản lý Nhà nước vì tố giác mà không cẩn thận thì người dân khổ”, ông Hùng nói.

Chính vì vậy, ông Hùng nhấn mạnh: “Cần phải nhanh chóng lập lại trật tự quản lý Nhà nước trong vấn đề phân bón, chấn chỉnh toàn bộ các trung tâm khảo, kiểm nghiệm, đồng thời, rà soát lại các DN phân bón hiện nay trên thị trường.”

Đến bây giờ ông Hùng vẫn kiến nghị vụ phân bón Thuận Phong, không thể để “chìm” xuồng như vậy được. Trong khi Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo và 6 bộ ngành đã nói mà vẫn xảy ra tình trạng như hiện nay.

Câu chuyện không phải đơn thuần là bắt hay xử lý, mà ông Hùng cho rằng: “Trật tự quản lý Nhà nước đang có vấn đề vì trong vụ Thuận Phong, chất chính dưới 70%, thậm chí chưa được 10% mà lại bảo không phải hàng giả.”

Ông Hùng kiến nghị vụ phân bón Thuận Phong, không thể để “chìm” xuồng như vậy được.

“Tổng Cục quản lý thị trường có ra đời thì chúng tôi cũng xin không làm về phân bón. Vì không thể làm được do đã thành án “lệ””, ông Hùng khẳng định.

Chia sẻ ngoài lề về vụ Thuận Phong, Cục phó Cục quản lý thị trường cho biết: “Không phải ai cũng dàm “sờ” vào Thuận Phong, vì trong đó có anh Út trọc, tuy nhiên đã bị bắt rồi.”

“Tại sân bay Tân Sơn Nhất trước đây, cứ hàng từ cảng Cát Lái về được xe ưu tiên đưa thẳng vào. Ai? Chính những anh như anh Út, anh Vũ Nhôm một thời kinh khủng quá”, ông Hùng cho biết thêm.

Đứng trước vấn nạn này, để lấy lại niềm tin của người dân, ông Hùng cho rằng, cần phải mạnh dạn, dám làm, đưa trách nhiệm của những người liên quan thì dân mới có niềm tin. Có niềm tin của nhân dân thì mọi việc mới thành công, không có sự đồng thuận của nhân dân thì không thể làm gì được.

Hiệp hội phân bón Việt Nam “kể” 9 tội Thuận Phong

Trước bức xúc của gần 100 tập đoàn, tổng công ty, công ty sản xuất phân bón và nông dân, Hiệp hội phân bón Việt Nam đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của Công ty Thuận Phong gửi lên Thủ tướng Chính phủ.

Đại diện Hiệp hội phân bón Việt Nam, Phó Chủ tịch thường trực - Tổng thư ký, ông Nguyễn Hạc Thuý khẳng định: “Công ty Thuận Phong đã thuê đất sai quy định của Bộ Quốc phòng, tại kho quân khí K888 ở Long Bình - Đồng Nai để sản xuất phân bón giả, nhằm tránh sự kiểm soát của cơ quan pháp luật.”

Lấy mẫu kiểm định sản phẩm phân bón của Công ty Thuận Phong
Lấy mẫu kiểm định sản phẩm phân bón của Công ty Thuận Phong

“Vào ngày 24/4/2015, sau khi bị đoàn liên ngành 389 kiểm tra đột xuất, ông Khiếu Mạnh Tường - Tổng giám đốc công ty đã ký xác nhận vào biên bản rằng, Công ty đã giả mạo về nguồn gốc, hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói với số lượng rất lớn về tem, nhãn hàng hoá giả mạo nguồn gốc sản xuất ở Mỹ”, ông Thuý nói.

Cũng theo ông Thuý: “Tất cả đều có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng như quân đội, công an, Viện kiểm sát nhân dân, Sở Nông Nghiệp, Sở Công Thương Đồng Nai.”

“Ngay sau đó, đoàn liên ngành đã đem 29 mẫu phân bón của Công ty Thuận Phong đi giám định chất lượng. Kết quả cho thấy, 19/29 mẫu kém chất lượng, không phù hợp”, ông Thuý cho biết thêm.

Theo Hiệp hội phân bón Việt Nam, cả 19 mẫu này không phù hợp đăng ký chất dinh dưỡng chính, chỉ đạt dưới 70%, trong đó có loại phân bón vi lượng kẽm ghi trên bao bì là 15000ppm, nhưng kết quả kiểm nghiệm chỉ đạt 1310ppm (chưa tới 10%).

Ông Khiếu Mạnh Tường, giám đốc Công ty Thuận Phong đã đề nghị giám định lại tại Công ty SGS quốc tế. Tuy nhiên, kết quả lần 2 chất lượng còn thấp hơn lần 1 và ông Tường phải xin công nhận ký biên bản.

Với tình hình trên, Thứ trưởng Bộ KH-CN, ông Trần Việt Thanh đã kết luận hàng hoá như trên của Công ty Thuận Phong là hàng giả.

Thế Hưng

Vấn nạn phân bón giả: Phải xử lý Thuận Phong mới xử được cách làm ăn nhếch nhác - 3