1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Uy tín ngân hàng Việt giảm sút

(Dân trí) - Trong điều kiện hình ảnh, uy tín của ngân hàng trong cộng đồng doanh nghiệp và công chúng ở mức thấp như hiện nay, những hoạt động cải cách và tái cơ cấu ngành ngân hàng cần rất thận trọng để tránh những đổ vỡ mang tính dây chuyền.

Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (VietNam Report) vừa công bố báo cáo nghiên cứu thường kỳ Policy Debate số 03 và báo cáo ngành ngân hàng năm 2012, với chủ đề "Ngành ngân hàng Việt Nam: uy tín giảm sút trên truyền thông và những cải cách khó khăn". Nghiên cứu được tiến hành trong khuôn khổ các hoạt động nghiên cứu chuẩn bị cho việc công bố Top 1000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (V1000) diễn ra tới đây.

Theo đánh giá của VietNam Report, năm 2012 là một năm kinh doanh khó khăn đối của ngành ngân hàng. Cho tới hết Quý 2, nhiều ngân hàng chỉ đạt được chưa đầy 20-30% chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm. Các ngân hàng khác dù đã đạt được 50% chỉ tiêu cũng xem xét điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận cả năm trong tháng 7 do đánh giá tình hình kinh tế biến động không thuận lợi và không nhiều khả năng tăng tín dụng cho tới hết năm. Rất nhiều ngân hàng lợi nhuận trong nửa năm 2012 thấp hơn cùng kỳ năm trước đó.

Trong bối cảnh đó, 44% các doanh nghiệp lớn đã khẳng định họ không tiếp cận được dòng vốn như trong năm 2011. Trong khi đó, vẫn có 39% số doanh nghiệp vay được nhiều vốn hơn trước. Theo các doanh nghiệp được khảo sát, doanh nghiệp Nhà nước được đa số doanh nghiệp nhận định là nhận được ưu đãi tín dụng lớn nhất từ ngân hàng. Tiếp đến là các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao và các doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất.

Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay (ảnh minh họa).
Doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay (ảnh minh họa).

Bản báo cáo của ViệtNam Report cũng chỉ ra rằng, hình ảnh của ngành ngân hàng Việt Nam trên truyền thông đang giảm sút trong năm 2012. Điều này thể hiện qua tỷ trọng các bài viết tiêu cực tăng lên trong 8, trong khi các bài viết tích cực giảm mạnh. Cùng với việc phát hiện ra những khoản nợ xấu cao, nhiều ngân hàng còn gặp những vấn đề về pháp luật được thể hiện trên các phương tiện truyền thông, do vậy gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của ngành ngân hàng trên truyền thông.

Một số bài báo nhắc tới việc tăng trưởng tín dụng quá mức, lãi suất tăng cao đã dẫn đến hàng loạt những tác dụng phụ, làm mất an toàn hệ thống tài chính và gia tăng lạm phát. Bản báo cáo nhấn mạnh: “Tất nhiên tất cả những hậu quả này không hẳn hoàn toàn là do lỗi của các ngân hàng, nhưng chỉ cần báo chí “nghi ngờ” như vậy, rõ ràng các bài viết sẽ tạo ra một góc nhìn tiêu cực hơn rất nhiều cho các ngân hàng. Đặc biệt trong năm vừa qua, những bài báo tiêu cực về ngân hàng xuất hiện với mật độ dày hơn trên truyền thông trong nước”.

Ngoài ra, các gói cho vay cùng với các gói dịch vụ khác là những chủ đề xuất hiện nhiều nhất trên truyền. Cùng với đó là thông tin về các vụ sáp nhập và ngân hàng phát hành trái phiếu. Lãi suất cho vay cao trong các sản phẩm tín dụng, kết quả kinh doanh không khả quan và đánh giá tín nhiệm thấp trên thị trường trái phiếu quốc tế là những chủ đề tiêu cực về các ngân hàng.

Sau khi các ngân hàng công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2012, VietNam Report chỉ ra rằng, báo chí đưa nhiều tin bài về các ngân hàng không đạt được chỉ tiêu nửa năm. Vấn đề lãi suất cao đã được cải thiện kể từ tháng 5. Tuy nhiên, quan hệ khách hàng căng thẳng hơn trong Quý 3 khi dòng vốn tín dụng vẫn đóng băng.

Việt Nam đang đứng trước thử thách khó khăn nhằm tái cơ cấu hoạt động của ngành ngân hàng. Trong điều kiện hình ảnh, uy tín của ngân hàng trong cộng đồng doanh nghiệp và công chúng ở mức thấp như hiện nay, những hoạt động cải cách và tái cơ cấu ngành ngân hàng cần rất thận trọng để tránh những đổ vỡ mang tính dây chuyền. Do đó, ngành ngân hàng cần có những giải pháp căn cơ để duy trì và cải thiện lòng tin của công chúng và doanh nghiệp.

Lan Hương - Nguyễn Hiền