1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tỷ giá tăng dữ dội, thị trường chứng khoán, doanh nghiệp có lo "ngấm đòn"?

Nhật Quang Thảo Thu

(Dân trí) - Tỷ giá VND/USD liên tục tăng từ đầu tháng. Giá bán USD giao ngay tại Sở Giao dịch thậm chí đạt kỷ lục. Theo chuyên gia, việc này tác động với cả thị trường chứng khoán lẫn doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Giá USD giao ngay đạt kỷ lục 25.063 đồng

Giá USD ngân hàng lên nhanh trong 2 tuần trở lại đây. Xét về mặt bằng chung tỷ giá VND/USD tăng 1,62% so với đầu năm và tăng 2% so với mức thấp nhất năm được thiết lập trong tháng 5 vừa qua. 

Sáng nay, các ngân hàng tiếp tục tăng giá niêm yết USD thêm 10-50 đồng, duy trì mức trên 24.000 đồng - cao nhất nửa năm trở lại đây. Ngân hàng lớn niêm yết giá USD ở mức 23.775-24.145 đồng/USD. Còn ở nhóm cổ phần, tỷ giá USD ở sát 23.740-24.130 đồng/USD.

USD trong ngân hàng vượt xa giá USD trên thị trường tự do. Giá USD "chợ đen" đang được mua vào ở mức 23.800 đồng/USD, bán ra 23.900 đồng/USD. Dù mức giá này đã tăng 50 chiều mua và 70 đồng chiều bán so với hôm qua nhưng vẫn thấp hơn các ngân hàng hơn 200 đồng.

USD trong ngân hàng tăng mạnh trước diễn biến điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD giao ngay tại Sở Giao dịch thêm 38 đồng, từ 25.025 đồng/USD lên 25.063 đồng/USD - tiếp tục đạt kỷ lục từ trước đến nay.

Còn tỷ giá trung tâm đang được niêm yết ở mức 23.918 đồng/USD, tăng thêm 37 đồng so với hôm qua. Với biên độ 5% như hiện tại, các ngân hàng được phép giao dịch ở mức thấp nhất 22.723 đồng/USD và cao nhất 25.112 đồng/USD.

Ở thị trường tự do tại TPHCM, tỷ giá USD sáng 16/8 tăng ở cả chiều mua và chiều bán ra so với phiên hôm qua. Tại thời điểm 11h, giá USD đang được mua vào dao động quanh mốc 23.950 đồng/USD và bán ra 24.050 đồng/USD, lần lượt tăng 200 đồng chiều mua và 220 đồng chiều bán. 

USD "dậy sóng" vì đâu?

Lý giải đà tăng của đồng bạc xanh trên tất cả thị trường gần đây, ông Hoàng Công Tuấn - Kinh tế trưởng Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) - nhận định tỷ giá đang chịu áp lực từ thị trường ngoại hối toàn cầu.

USD-Index - chỉ số đo sức mạnh đồng bạc xanh so với các rổ tiền tệ khác - sáng nay đạt 103,19 điểm, cũng là mức cao nhất hơn một tháng trở lại đây. Chỉ số này vượt 103 điểm trong 2 tuần đầu tháng 8, sau khi chạm ngưỡng thấp nhất năm là mức 99,7 điểm trong tháng 7.

Tỷ giá tăng dữ dội, thị trường chứng khoán, doanh nghiệp có lo ngấm đòn? - 1

USD-Index đã tăng hơn 3,4% trong một tháng trở lại đây (Ảnh: TradingView).

Các đồng tiền khác trong khu vực, cũng có xu hướng mất giá so với USD trong 2 tuần đầu tháng 8. So với đầu năm, đa phần những đồng tiền trong khu vực mất giá so với USD với mức dao động 3-5%. "Do đó, đồng Việt Nam cũng chịu sức ép giảm giá một phần từ yếu tố này", ông Tuấn cho hay.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc nghiên cứu và phát triển sản phẩm, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam - cũng cho rằng tỷ giá tăng theo USD-Index, nên kéo theo các tiền đồng khác đều tăng. Tuy nhiên, theo ông Minh, tỷ giá VND/USD tăng vẫn thấp hơn so với các khu vực khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia.

Chỉ số USD tăng mạnh thời gian gần đây, theo lý giải của ông Minh, là do lo ngại lạm phát tăng trở lại. Tuy nhiên, theo chuyên gia, khả quan nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giữ nguyên lãi suất trong tháng 9 và chờ theo dõi tiếp để có các nhịp điều chỉnh trong 2 tháng cuối năm. Ông Minh dự đoán USD-Index sẽ còn tăng thêm 1%, tức lên mức 104 và có thể sẽ điều chỉnh tại đây.

Tỷ giá tăng dữ dội, thị trường chứng khoán, doanh nghiệp có lo ngấm đòn? - 2

Tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ tăng tiếp trong thời gian tới (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ngoài ra, theo ông Hoàng Công Tuấn, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang là yếu tố chính khiến đồng Việt Nam giảm giá so với USD, trước những động thái hạ lãi suất quyết liệt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm đồng Việt Nam ở mức 0,2%. Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%. Theo ông Tuấn, tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ tăng tiếp trong thời gian tới.

USD tăng tác động ra sao?

Về tác động đến thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Tuấn cho rằng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành cũng là một trong các động lực hỗ trợ đà tăng của thị trường trong 4 tháng vừa qua. "Do đó, nếu tỷ giá VND/USD tiếp tục tăng trong các ngày tới, nhiều khả năng thị trường chứng khoán sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh 3-5%", kinh tế trưởng MBS thông tin.

Trước lo ngại khối ngoại sẽ bán ròng trước diễn biến tỷ giá tăng "nóng" thời gian gần đây, ông Nguyễn Thế Minh nói "không đáng lo ngại". Theo ông, giao dịch khối ngoại chỉ chiếm 8% giá trị giao dịch toàn thị trường hàng ngày, chưa kể họ vẫn có động thái mua ròng các mã thị trường như nhóm thép, ngân hàng.

Tỷ giá tăng dữ dội, thị trường chứng khoán, doanh nghiệp có lo ngấm đòn? - 3

Doanh nghiệp Việt lo "ngấm đòn" tỷ giá (Ảnh: Mạnh Quân).

Một đối tượng được cho là sẽ chịu tác động nặng nếu tỷ giá tăng là nhóm doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ thêm gánh nặng nếu USD ngày càng tăng giá. Doanh nghiệp nhập khẩu lo phải bù thêm chênh lệch tỷ giá so với trước mới đủ thanh toán cho đối tác.

Thậm chí, theo Lê Hoàng - chuyên viên thanh toán quốc tế tại một ngân hàng lớn tại Hà Nội - doanh nghiệp chuyên về xuất khẩu tưởng chừng sẽ có lợi thế khi tỷ giá tăng, nhưng thực tế gần đây lại bày tỏ lo ngại khi giá nguyên liệu nhập đầu vào tăng cao hơn. 

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết từ cuối tháng 7, đầu tháng 8, nhiều doanh nghiệp đã ký tượng các đơn hàng với nước ngoài. "Họ đang mở rộng sản xuất. Chẳng hạn Bắc Giang, có một khu công nghiệp đã huy động 10.000 lao động từ nay đến cuối năm", ông Thịnh nói.

Khi mở rộng quy mô, họ phải nhập khẩu các máy móc, thiết bị, linh phụ kiện, nguyên, vật liệu... Việc tỷ giá tăng sẽ gây ảnh hưởng tới nhóm doanh nghiệp này. Tỷ giá đang tăng cao song ông Thịnh kỳ vọng từ nay đến cuối năm sẽ có xu hướng giảm và sớm ổn định trở lại. "Việc tỷ giá tăng chỉ là tạm thời", ông Thịnh nói.

Còn theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, việc tỷ giá USD/VND biến động mạnh thời gian gần đây có lẽ không phải nhất thời mà đang tạo ra một xu hướng tăng. Tuy nhiên, xu hướng này có kéo dài hay không lại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Vị chuyên gia này cho biết tỷ giá có thể bị tác động bởi những yếu tố chính sách nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước tác động đến việc kéo lãi suất, làm giảm giá trị của tiền VND. Khi đó, giá trị tiền VND giảm so với đồng USD, đẩy tỷ giá lên cao. 

Bên cạnh đó, nhu cầu về nhập khẩu tăng cũng khiến nhu cầu về đồng USD tăng. Tỷ giá có thể được cân bằng lại trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước sử dụng dự trữ ngoại hối để bán ngoại hối ra sẽ làm giảm áp lực tỷ giá thị trường hối đoái.

Ông cho biết có khả năng cơ quan quản lý sẽ đảo chiều chính sách tiền tệ từ nới lỏng sang thắt chặt. Về tình hình kinh tế thế giới, Fed có khả năng sẽ tăng lãi suất sau những tuyên bố gần đây. Trong trường hợp Fed tăng lãi suất, giá trị đồng USD sẽ tăng.

Trong khi đó tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đang trong xu hướng giảm lãi suất, do đó khoảng cách giá trị giữa đồng USD và VND ngày càng lớn. Nếu Mỹ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, ông Trí Hiếu cho rằng Ngân hàng Nhà nước có khả năng sẽ ngưng việc hạ lãi suất và tăng lãi suất điều hành trở lại.