1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thái Nguyên:

Tuyên chiến với "chè bẩn" trước Festival chè Quốc tế

(Dân trí) - Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Thái Nguyên - ông Đặng Viết Thuần cho hay, trước thông tin tình trạng sản xuất chè bẩn tại 1 số tỉnh phía Bắc, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, tuyên truyền cho người dân quyết lên án tẩy chay vấn nạn chè bẩn.

Tẩy chay chè bẩn

Năm nay được coi là 1 năm trọng đại đối với quê hương chè Thái Nguyên, khi Lễ hội Fesival chè Quốc tế sẽ chính thức tổ chức vào tháng 11/2011. Dự kiến sẽ có 10 quốc gia và vùng lãnh thổ; 30 tỉnh thành trong cả nước, 50 làng nghề truyền thống và 25 doanh nghiệp kinh doanh chè tham gia Festival với khoảng 400.000 khách.

Trước những thông tin chè bẩn tại một số tỉnh thành phía Bắc có khả năng làm ảnh hưởng đến thương hiệu chè Thái Nguyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên - ông Đặng Viết Thuần cho biết, từ năm 2009, khi thông tin về tình hình sản xuất chè bẩn tại 1 số tỉnh phía Bắc, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo Chủ tịch các huyện, thị xã, các vùng sản xuất chè kiểm tra rà soát về tình hình sản xuất chè trên địa bàn.
 
Tuyên chiến với "chè bẩn" trước Festival chè Quốc tế - 1


Tẩy chay chè bẩn. (ảnh, báo Nông nghiệp)

Đến tháng 10/2010, khi xây dựng kế hoạch cho Lễ hội Fesival chè Quốc tế, Ban tổ chức cũng yêu cầu các đơn vị tham gia Fesival chè Quốc tế đều phải công bố chất lượng sản phẩm chè đồng thời sản phẩm đó cũng phải được sự chứng nhận của cơ quan chức năng về đăng kí mẫu mã.

Ông Thuần cho biết thêm, đến thời điểm này đoàn kiểm tra đã đi kiểm tra nhưng chưa phát hiện ra cơ sở nào sản xuất chè bẩn tại Thái Nguyên. Tuy nhiên sẽ rất khó tránh khỏi việc một số đối tượng nhỏ lẻ sản xuất chè bẩn tự phát để bán cho các thương lái.

“Để không xảy ra tình trạng sản xuất chè bẩn trên quê hương thương hiệu “chè Thái”, chúng tôi đã yêu cầu công an tỉnh, chính quyền địa phương các cơ quan chức năng vào cuộc rốt ráo, nếu phát hiện ra sai phạm sẽ kiên quyết xử lí”, ông Thuần nói.

Theo ông Thuần, để thương hiệu “chè Thái” được “tỏa hương” xa hơn, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động vận động người dân tham gia sản xuất chè sạch, xây dựng nếp sống nông thôn mới, quyết tẩy chay với việc sản xuất chè bẩn.

Đề nghị Công an tìm hiểu động cơ "chè bẩn" 

Thời gian qua, báo chí đã lên tiếng về việc nhiều cá nhân tại một số địa phương ở khu vực phía Bắc tự phát sử dụng “công nghệ sản xuất chè bẩn”, bằng cách trộn chè với các loại tạp chất như bùn, bột đá… làm tăng trọng lượng của chè. Sau đó số chè bẩn này được bán trực tiếp hoặc thông qua các thương lái bán cho khách hàng Trung Quốc qua đường tiểu nghạch. Tình trạng trên đã làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc và ảnh hưởng đến uy tín chè chè Việt trên trường quốc tế.
 
Tuyên chiến với "chè bẩn" trước Festival chè Quốc tế - 2

Một vườn chè ở Thái Nguyên.

Trước thực trạng đó, Hiệp hội chè Việt Nam đã khuyến cáo các đơn vị Hội viên không tham gia sản xuất và mua lại các sản phẩm chè bẩn. Hiệp hội chè Việt Nam cũng gửi công văn kiến nghị đến lãnh đạo các tỉnh, thành để thành lập đoàn kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn kịp thời xử lí khi phát hiện ra sai phạm.

Được biết, tại một số tỉnh, thành phía Bắc hiện đã đề nghị cơ quan công an vào cuộc điều tra làm rõ động cơ của các nhân sản xuất chè, các thương lái chè bẩn và sẽ có biện pháp xử lí nghiêm đối với những đối tượng tham gia sản xuất chè bẩn.

Ông Nguyễn Thọ Lai, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Tuyên Quang cho hay, đến nay việc sản xuất “chè bẩn” trên địa bàn tỉnh này đã hoàn toàn chấm dứt.

Trước đó, vào năm 2007 bài học đắt về vấn nạn “chè vàng” tại các tỉnh, thành phía Bắc khiến người nông dân sản xuất chè điêu đứng khi tình trạng thu mua chè theo kiểu “diệt tận gốc” của các thương lái Trung Quốc dẫn đến việc giá chè được đẩy lên cao bất thường, từ 15.000 lên 25.000 đồng/kg lên 75.000 - 90.000 đồng/kg. Tại Phú Thọ, Tuyên Quang... giá chè nguyên liệu tươi cũng được đẩy lên 5.000 đồng/kg (tăng gấp đôi so với ngày thường).

Chính vì thế cây chè Việt Nam đã bị người dân vặt vô tội vạ, còn các nhà máy trong nước thì điêu đứng vì không có nguyên liệu chế biến.

Khi giá “chè vàng” được đẩy lên bất thường tới đỉnh điểm, chỉ sau một thời gian ngắn giá lại bắt đầu đột ngột giảm bất thường. Phía thương lái Trung Quốc từ chối mua các loại “chè vàng”, vì lí do không đạt chất lượng. Do vậy, tại các cửa khẩu còn tồn đọng từ 5.000 - 7.000 tấn chè khô khiến bà con nông dân bán “chè vàng” điêu đứng đến vàng cả mắt.

Hồng Ngân