1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tương lai nào cho nước Mỹ hậu khủng hoảng

(Dân trí) - Xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm, tiêu dùng giảm, tiết kiệm tăng khiến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khó mà diễn ra êm ả. Thế giới kinh tế cũng như thế giới thực.

Tương lai nào cho nước Mỹ hậu khủng hoảng - 1
Cơn bão tài chính từng đánh quỵ nuớc Mỹ đã qua và cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930 mà nó gây ra đã lùi dần.
 
Năm nay nền kinh tế Mỹ được kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 3% sau khi suy giảm 2,4% trong năm 2009. Những người lạc quan hy vọng rằng cuối cùng số việc làm cũng bắt đầu tăng và con tàu kinh tế mới thoát khỏi cơn bão chẳng hề giống con tàu đối mặt với cơn bão xưa kia.

Có những tổn thất thật rõ ràng: thất nghiệp cao, hàng triệu ngôi nhà bị tịch thu, tài chính công thâm thủng nặng nề. Ít rõ ràng hơn là quá trình “tái cân đối” trước mắt: từ tiêu dùng, nhà đất và nợ tới xuất khẩu, đầu tư và tiết kiệm.

Hàng thập kỷ nay nước Mỹ dựa vào thứ tiêu dùng sinh ra từ vay mượn và ảo tưởng về bong bóng giá tài sản. Giờ người Mỹ đang tiết kiệm nhiều và đi vay ít hơn vì giá nhà lao dốc đã thổi bay tài sản của họ.

Giới ngân hàng và các cơ quan giám sát từng tán dương “sự dân chủ hóa tín dụng” nay dè chừng nó. Các doanh nghiệp từ General Electric tới Citigroup từng làm giàu nhờ văn hóa tiêu dùng đang phải suy xét lại và thường là thu nhỏ lại số tiền mình cho vay.

Các nhà thầu xây dựng cho ra đời những ngôi nhà nhỏ hơn, tùng tiệm hơn. Địa lý quốc gia cũng đang thay đổi. Suy thoái níu chân những người đang đổ tới vùng bờ biển đầy nắng. Người ta chuyển khỏi Florida và tới Bắc Dakota. Những vụ đóng cửa cùng tiền xăng xe đắt đỏ làm những vùng ngoại ô xa xôi ít đuợc chú ý.

Tín dụng đắt đỏ lại hiếm hoi chẳng phải lý do duy nhất. Năng lượng dù không còn cắt cổ như năm 2008 nhưng cũng chẳng còn rẻ nữa. Người Mỹ đang chọn xe hơi thay vì xe tải nhẹ, các ngành dịch vụ công cộng được khuyên nên dùng nhiều năng lượng tái tạo hơn và số dầu và khí đốt dự trữ dưới đáy biển sâu hay trong núi đá đột nhiên đem lại lợi nhuận.

Nếu xu hướng này tiếp diễn, nước Mỹ có thể chỉ phải nhập khẩu một nửa lượng dầu đáng lẽ họ sẽ nhập vào năm 2025 nếu mọi chuyện giống như 5 năm trước.

Một quốc gia xuất khẩu

Người tiêu dùng buộc phải sống trong khả năng của chính mình nên doanh nghiệp Mỹ sẽ phải bán thêm hàng cho phần còn lại của thế giới.

Mệnh lệnh có vẻ khó khăn nhưng nhờ đồng USD cạnh tranh hơn cùng tăng trưởng tốt tại các quốc gia khác hỗ trợ, những mặt hàng Hoa Kỳ có thế mạnh như dịch vụ và hàng công nghiệp giá trị cao sẽ cạnh tranh tốt. Kết quả là nền kinh tế Mỹ sẽ cân đối hơn mà nói rộng ra là nền kinh tế toàn cầu sẽ lành mạnh hơn.

Hay ít ra cũng nên như vậy. Nhưng không nên coi một sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế êm ái là điều đương nhiên. Quyết sách cả ở trong và ngoài nước Mỹ sẽ quyết định liệu quá trình tái cân đối ấy nhẹ nhàng hay đau đớn.

Nói thẳng ra là nếu người Mỹ tiết kiệm nhiều mà tiêu dùng ít đi trong khi các quốc gia lớn khác làm ngược lại, nền kinh tế thế giới sẽ khởi sắc. Nếu người Mỹ tằn tiện hơn trong khi các nước khác chẳng chịu mở hầu bao, kinh tế sẽ trì trệ.

Các nền kinh tế có thặng dư đã hưởng lợi từ cơn sốt tiêu dùng mọi thứ từ xe hơi, đồ điện tử tới tủ giả và quần áo của người Mỹ. Nếu Mỹ tiết kiệm và xuất khẩu nhiều hơn, các quốc gia mới nổi ở Châu Á sẽ phải dựa nhiều hơn vào người tiêu dùng của chính mình cũng như các quốc gia Á Châu khác.

Quan niệm đánh đồng sức mạnh kinh tế với thặng dư thương mại cũng phải thay đổi và mở ra hàng loạt những cải cách kinh tế vi mô để tăng thu nhập và khuyến khích tiêu dùng từ người lao động Á Châu.

Hối thúc Trung Quốc cải cách hệ thống chăm sóc y tế, lương hưu và quản trị doanh nghiệp giờ là vì lợi ích của tất cả mọi người. Và một đồng NDT mạnh hơn cũng sẽ tăng tốc tái cân đối toàn cầu. Dù vậy với người Mỹ cũng thật nguy hiểm nếu cứ ám ảnh mãi về đồng tiền của Trung Quốc.

Tằn tiện sao cho không ai thấy thiếu

Từ quan điểm đó, mệnh lệnh kinh tế vĩ mô với Washington thật rõ ràng: một kế hoạch trung hạn đáng tin cậy để giảm thâm hụt. Kế hoạch đó sẽ tránh được việc thắt chặt quá sớm nhưng vẫn làm yên lòng được thị trường trái phiếu để giữ thấp lãi suất dài hạn.

Nhiều cải cách kinh tế vi mô cũng có thể giúp tái cân đối. Mỹ đánh thuế thu nhập và đầu tư quá cao nhưng tiêu dùng lại quá thấp. Mỹ cũng tăng trợ cấp, bảo đảm và ưu đãi cho các khoản vay thế chấp giúp thổi phồng lên bong bóng bất động sản. Chính quyền trung ương hiện đứng đằng sau 60% số khoản vay thế chấp mua nhà dân cư.

Sự trợ giúp nên hướng tới những chủ bất động sản không thể dễ dàng chuyển tới làm ở những vùng tươi sáng hơn vì căn nhà của họ còn không đáng giá bằng khoản vay thế chấp. Tổng thống Obama đã đi đúng hướng khi giúp dân chúng giảm nợ do vay thế chấp mua nhà.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã bắt đầu một quá trình tái cân đối lâu dài. Tiêu dùng và vay mượn tại Mỹ có thể sẽ không còn là động lực tăng trưởng của cả nước Mỹ lẫn thế giới. Đó là hy vọng.

Minh Tuấn
(Theo Economist)