1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

TS Lưu Bích Hồ: "So đo lợi ích tái cơ cấu, nền kinh tế sẽ khó khăn thêm"

(Dân trí) - Chia sẻ với phóng viên Dân Trí, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng: Năm 2016, chúng ta đã thấy hiện rõ nhiều vấn đề của doanh nghiệp Nhà nước, nhưng chúng ta còn lấn cấn, so đo lợi ích trong cổ phần hóa, tái cơ cấu nên tiến trình này vẫn còn chậm.

Theo TS Hồ, năm 2017, với những quan điểm rõ ràng: Coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng, coi cải cách môi trường đầu tư kinh doanh là trọng tâm, coi xây dựng Nhà nước kiến tạo là then chốt cho phát triển sẽ dẫn dắt chúng ta tiến bước mạnh hơn vào cuộc đổi mới từ tư duy, chính sách đến hành động.


Năm 2017 hứa hẹn những đổi mới nhưng thách thức đặt ra cũng rất lớn (ảnh minh họa)

Năm 2017 hứa hẹn những đổi mới nhưng thách thức đặt ra cũng rất lớn (ảnh minh họa)

TS. Hồ nhấn mạnh: Nhiệm kỳ mới, Thủ tướng đã nhấn mạnh vào những vấn đề cốt lõi, gai góc nhất, đó là tự do kinh doanh những gì pháp luật không cấm; Nhà nước là bà đỡ cho doanh nghiệp, rút chân "Nhà nước" khỏi những lĩnh vực không cần thiết và cung ứng vốn cho nông nghiệp sạch, công nghệ tiên tiến, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thưa ông, năm 2016, điều đọng lại của kinh tế Việt Nam là một năm chúng ta không đạt mục tiêu tăng trưởng. Điều này đi liền với hạn chế khả năng tăng thêm việc làm và thu nhập. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan, theo ông ở đây có mâu thuẫn?

- Trên thực tế, nhiều năm trước Việt Nam điều hành tăng trưởng theo kiểu cố đạt cho được thành tích về số lượng, kích tăng trưởng bằng việc huy động khai thác thêm than, dầu thô hay tung thêm vốn...Tuy nhiên, năm 2016 chúng ta đã thấy một cách điều hành khác. Nếu chúng ta vẫn kích thích tăng trưởng bằng những yếu tố như cũ thì chỉ đánh giá được bề nổi mà vẫn không nhìn rõ được các khuyết tật của nền kinh tế ở đâu, những điểm nghẽn là gì, từ đó mới chữa được.

Việc không chạy theo mục tiêu tăng trưởng bằng bất cứ giá nào, mà tập trung vào tháo gỡ khó khăn về thể chế đang hạn chế doanh nghiệp. Đây là cách điều hành khôn ngoan, phù hợp. Điều này chúng tôi hoan nghênh. GDP tăng trưởng không đạt kỳ vọng, không quá nghiêm trọng. Bởi, nếu cứ chạy theo con số GDP đơn thuần, sẽ không thực chất, tung tiền cứu tăng trưởng, mua trái phiếu để đảo nợ, để cung ứng phát triển chỉ làm phát sinh thêm nợ xấu. Chỉ số Icor (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) của Việt Nam cao, cứ tăng trưởng theo cách cũ: thâm dụng tài nguyên, lao động rẻ, xuất khẩu thô, thì tăng trưởng cao không có nhiều ý nghĩa.

Theo tôi, chúng ta nên bắt đầu từ năm 2017 thực hiện cách nhìn nhận, đánh giá đúng thực tại nền kinh tế, chuyển đổi theo hướng tái cơ cấu thực chất, có như thế mới có những tăng trưởng tốt hơn cả về lượng và chất.

Ông đánh giá thế nào về tăng trưởng năm 2017 khi năm tới nhiều chuyên gia dự báo nền kinh tế vẫn đang chuyển đổi, nhiều khó khăn được dự báo và vấn đề lớn trong cải cách khu vực Nhà nước vẫn chưa giải quyết được triệt để?

Chưa có gì thật rõ ràng để dự báo năm 2017 chúng ta có bứt phá. Quyết tâm của Chính phủ với bộ máy và cung cách làm việc được cải thiện sẽ là chỗ tháo gỡ cho tăng trưởng, được xem là kỳ vọng lớn nhất. Để chuyển biến nền hành chính Nhà nước sang Nhà nước kiến tạo, phát triển, cần có sự nỗ lực của cả hệ thống, đặc biệt với các địa phương.

Dư địa cho tăng trưởng năm 2017 cần được tập trung vào nông nghiệp, khởi nghiệp, khi Chính phủ đã xem đây là động lực mới và dành cho lượng vốn lớn. Khu vực doanh nghiệp Nhà nước, năm 2017 hãy dứt khoát với vấn đề cổ phần hóa, cải cách doanh nghiệp Nhà nước đi. Năm 2016, chúng ta đã thấy hiện rõ nhiều vấn đề của doanh nghiệp Nhà nước, nhưng chúng ta còn lấn cấn, so đo lợi ích trong cổ phần hóa, tái cơ cấu nên tiến trình này vẫn khá chậm.

Đa phần các Bộ trưởng, người chịu trách nhiệm phần vốn của Nhà nước tại các DN vẫn chưa quyết liệt trong cuộc đấu tranh quyết định cổ phần hóa, thoái vốn và tái cơ cấu. Đâu đó, vẫn còn lấn cân, so đo về lợi ích, kể cả của Nhà nước, của ngành và chính doanh nghiệp ấy. Nếu năm 2017, chúng ta không giải quyết triệt để khu vực Nhà nước, nơi quản phần lớn nguồn lực cho tăng trưởng: từ vốn, đất đai, con người và phương tiện.... thì năm 2018 chúng ta sẽ rất vất vả khi thỏa mãn các quy định về hội nhập quốc tế theo các FTA thế hệ mới: như tự do hóa dịch vụ công, tự do hóa cạnh tranh và mở rộng không gian cho dịch vụ tài chính, ngân hàng, công khai thông tin chính sách....

Nên nhớ, chúng ta còn có nhiều nguồn lực nằm ở DN Nhà nước mà phần lớn là đất đai. Nếu không giải phóng, biến nguồn lực này sinh sôi, phát triển thì chúng ta sẽ đi vào vòng luẩn quẩn giữa quyết tâm đổi mới và sự bó lại về tư duy và hành động.

Năng suất lao động được xem là điểm yếu trong tăng trưởng Việt Nam, điều này là do mô hình và cách thức tăng trưởng của Việt Nam từ lâu đã ảnh hưởng đến giá trị gia tăng của nền kinh tế. Để nâng cao năng suất từ đó tạo tăng trưởng bền vững, chúng ta cần làm gì?

Đầu tư cho khoa học công nghệ là điều kiện tiên quyết, cơ chế khoán, giao công trình khoa học có tính thực tiễn cao, gia tăng giá trị luôn là chỗ để chúng ta lấy thêm giá trị gia tăng. Tuy nhiên, những năm gần đây, đầu tư cho khoa học và công nghệ của Việt Nam luôn đứng cuối trong các ngành. Về mô hình tăng trưởng, chúng ta đang phải chuyển từ gia công, lắp ráp sang chuyên sâu. Điều này cần phải có thời gian. Về lý thuyết, cho rằng phải đi lần lượt mới đạt được thay đổi về mô hình, điều đó được nhiều người lý giải qua các công trình, dự án xây dựng thép, xi măng, lọc dầu....

Tuy nhiên, thế giới đã khác rồi, chúng ta có đi lần lượt thì cũng khó có thể đuổi kịp các nước khác, vì họ đi nhanh hơn. Chúng ta đang sống trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nơi chúng ta có thể thay đổi giá trị của mình trong nền tảng không gian số, kỹ thuật hóa, điện tử....

Chúng ta có nền tảng công nghệ thông tin không quá kém, không ít người có trình độ, có sản phẩm có thể đi ra nước ngoài được. Một tập đoàn lớn của chúng ta xây dựng một làng phần mềm bên Nhật; một game của chúng ta từng gây sốt giới trẻ, chúng ta có thế hệ trẻ đam mê, được sống trong thời đại số không thua gì mấy nước trong khu vực.... Đó là nền tảng, là cơ hội cho Việt Nam bắt đầu thật nghiêm túc, xây dựng ngành công nghệ thông tin để trở thành mũi nhọn cho mình, từ đó lan tỏa trong toàn nền kinh tế.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền
(Thực hiện)