1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Trưởng Ban Kinh tế trung ương nói gì khi tư nhân ngại tham gia cổ phần doanh nghiệp Nhà nước?

(Dân trí) - "Nhiều quy định trói buộc các doanh nghiệp Nhà nước làm cho doanh nghiệp tư nhân cũng "sợ chơi", "dính vào" doanh nghiệp Nhà nước khi tái cơ cấu", khẳng định của ông Nguyễn Văn Bình mới đây.

Tại Hội nghị "Tái cơ cấu, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước" do Khối doanh nghiệp Trung ương tổ chức sáng ngày 9/9 ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương cho biết: Các doanh nghiệp nhà nước cũng bị ràng buộc bởi nhiều quy định và cơ chế không hợp lý làm cho tư nhân ngại tham gia quá trình tái cơ cấu.

Cổ phần hóa chậm vì tư nhân không dám tham gia?

Theo ông Bình, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, trong một số lĩnh vực một người chiếm hơn 35% vốn trong doanh nghiệp là có quyền phủ quyết những vấn đề quan trọng trong doanh nghiệp và do đó đã có quyền chi phối. Như vậy, ở một số doanh nghiệp cổ phần, chúng ta vẫn duy trì vốn Nhà nước chi phối đến 65% thì rõ ràng đây là doanh nghiệp nhà nước.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương nói gì khi tư nhân ngại tham gia cổ phần doanh nghiệp Nhà nước? - 1

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương

Trên thực tế, doanh nghiệp nhà nước có những bất cập của doanh nghiệp nhà nước, và doanh nghiệp tư nhân cũng có những khó khăn của doanh nghiệp tư nhân. Nhiều lúc, doanh nghiệp nhà nước “mơ” được cơ chế tự do tự quyết của doanh nghiệp tư nhân, trong khi doanh nghiệp tư nhân lại “mơ” được những cơ chế thuận lợi của doanh nghiệp nhà nước. Như vậy có vấn đề cho cả hai bên.

Nghị quyết 10 và 12 của Trung ương 5 là để hài hoà cả hai giấc mơ này. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều bất cập trói buộc các doanh nghiệp nhà nước. Ông Bình nói: "Có hiện tượng tư nhân ngại tham gia góp vốn mua cổ phần doanh nghiệp Nhà nước khi cổ phần hóa do nhiều quy định bất hợp lý đang trói buộc các doanh nghiệp này".

Trưởng Ban Kinh tế trung ương nói: "Trước đây, sở hữu vốn Nhà nước do Bộ ngành đứng ra đại diện và quản lý cũng là do các công chức của Bộ, ngành. Người ta gọi đó là "vừa đá bóng vừa thổi còi". Cha mẹ nào chả muốn con mình hay. Và cũng vì "cha mẹ" là quản lý nhà nước nên có xu hướng xấu đậy lại tốt khoe ra.

Nghị quyết 12 của Đảng đã đưa ra giải pháp mạnh mẽ đối với vấn đề này, trong đó yêu cầu “tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi loại hình doanh nghiệp, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước”. Tuy nhiên việc triển khai trên thực tế còn nhiều vướng mắc bất cập. Các doanh nghiệp phải giúp Đảng và Nhà nước làm rõ và giải quyết các vướng mắc bất cập này. Giờ đây, vai trò quản trị, năng lực quản trị doanh nghiệp Nhà nước cần làm rõ ra, tách bạch rõ chức năng sở hữu tài sản Nhà nước với quản lý của doanh nghiệp.

Theo Trưởng Ban kinh tế trung ương: Nghị quyết 12 cũng đã nêu rõ là doanh nghiệp nhà nước cũng cần phải được đối xử bình đẳng. Cần tách bạch nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thông thường và nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ công ích. Những nhiệm vụ kinh doanh hàng hoá dịch vụ thông thường phải theo cơ chế cạnh tranh thị trường. Nhưng khi thực hiện chức năng cung ứng hàng hoá dịch vụ công ích nếu phải chịu thiệt hại thì nhà nước phải tính đúng tính đủ các chí phí cho doanh nghiệp nhà nước và có chính sách hỗ trợ để đảm bảo hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp nhà nước.

Ví dụ sản xuất ra 1 kWh điện mất 10 cent chẳng hạn nhưng một số đối tượng được yêu cầu chỉ bán 8 cent thôi, vậy thì cũng phải tính những phần thiệt hại cho doanh nghiệp và bù vào cho họ. Nếu không, cứ kéo dài mãi, họ phải ăn cả thịt, đến xương để làm nhiệm vụ xã hội là không công bằng.

Nghị quyết về doanh nghiệp Nhà nước nhiều nhưng vẫn... "nguyên giá trị"

"Bên cạnh những doanh nghiệp Nhà nước yếu kém, chúng ta có những doanh nghiệp lớn, đi đầu và xây dựng đặc trưng cho kinh tế đất nước", ông Bình nói.

Trưởng Ban Kinh tế trung ương ví dụ: "Ở ngành viễn thông, nếu không có doanh nghiệp ICT Nhà nước thực hiện các hoạt động đầu tư hạ tầng đắt đỏ từ ban đầu thì, Việt Nam khó có cơ sở hạ tầng viễn thông ngang ngửa các nước phát triển ở châu Á và trên thế giới với giá rẻ như hiện nay. Ở lĩnh vực hàng không, hiện nay đang có gần chục hãng hàng không đã hoạt động và đang chờ cấp phép. Tuy nhiên, nếu không có Vietnam Airlines đi tiên phong trong những thời kỳ khó khăn ban đầu thì làm sao có cơ hội cho các hãng hàng không tư nhân tham gia như ngày nay".

Hay một ví dụ sinh động về tính chủ đạo của kinh tế nhà nước với ý nghĩa là vai trò mở đường cho các thành phần kinh tế khác phát triển là trước đây khi thực hiện dự án cao tốc Hà Nội - Lào Cai, khá nhiều doanh nghiệp tư nhân được mời tham gia, nhiều người được mời khảo sát đều cho rằng: "Vất tiền qua cửa sổ, hay ma nó đi". Tuy nhiên, sau khi xây dựng con đường này xong, hiệu quả kinh tế thấy rõ, đời sống các địa phương ở các con đường nhờ vậy khấm khá hớn, đi lại thuận tiện và không gian khổ. Đấy là nhiệm vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp Nhà nước mà không phải ai cũng thấu hiểu.

"Rất nhiều lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân không muốn làm, không thể làm thì ai làm, mà đây đều là các lĩnh vực đó rất quan trọng liên quan đến quốc kế, dân sinh", ông Bình nói.

Theo ông Bình, doanh nghiệp Nhà nước có lợi thế, có đặc quyền nhưng cũng có nhiều quy định ràng buộc khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bị trói chân. Nghị quyết về doanh nghiệp Nhà nước ban hành nhiều nhưng khâu thực thi còn hạn chế nên Nghị quyết vẫn còn "nguyên giá trị".

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế trung ương: "Nhiều người hỏi tôi có ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp mà đóng góp của doanh nghiệp Nhà nước chỉ còn 14-15% vậy thì yếu tố then chốt, chủ đạo của kinh tế Nhà nước ở đâu? mất đi à?. Hiểu như vậy là không đúng".

Ông Bình nói thêm về hệ thống ngân hàng: "Trước đây ngân hàng chỉ 1 cấp là ngân hàng Nhà nước, vừa làm ngân hàng trung ương, vừa làm nhiệm vụ ngân hàng thương mại. Nhưng sau chúng ta phát triển đến bước thứ 2 là có ngân hàng thương mại, lập 4 ngân hàng chuyên doanh, thương mại chiếm thị phần 100%. Đến nay các ngân hàng tư nhân, ngân hàng cổ phần, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát triển mạnh mẽ và các ngân hàng thương mại nhà nước chỉ chiếm thị phần xấp xỉ 50%. Tuy nhiên khi nền kinh tế gặp khó khăn thì chính các NHTM nhà nước này lại chính là những người đi tiên phong trong việc xử lý nợ xấu, tiếp tục tăng dư nợ cho vay để tạo đà phục hồi lại nền kinh tế, tạo tiền đề để củng cố lại kinh tế vĩ mô nước ta. Như vậy DNNN là then chốt không có nghĩa là phải nắm giữ toàn bộ 100% thị phần như nhiều người nghĩ".

Ông Bình nói thêm: "Như vậy, có rất nhiều người vẫn hiểu kinh tế Nhà nước phải ôm tất, làm tất mới là chủ đạo? Không đúng, chủ đạo là con đường chính chứ không phải là tất cả, là đa số. Kinh tế nhà nước cùng với cơ chế chính sách của nhà nước khai phá ra những con đường mới để cho cả xã hội cùng đi, để dẫn dắt định hướng cho cả nền kinh tế này phát triển lành mạnh và đúng hướng. DNNN là then chốt, tức là chỉ nắm những lĩnh vực trọng yếu then chốt, an ninh quốc phòng hoặc những lĩnh vực mà tư nhân không đầu tư mà xã hội cần giống như một căn nhà lớn, nhưng chỉ có một then, một khóa để mở, để ra. Then chốt là ở chỗ đó".

 Nguyễn Tuyền