1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Triển vọng kinh tế 2012 - thách thức từ những con số

(Dân trí) - Quyết tâm mà Chính phủ đặt ra trong năm nay là nâng tăng trưởng cao hơn so 2011, hạ lãi suất nhưng vẫn mong muốn giảm lạm phát xuống còn một nửa của năm ngoái đi đôi với cắt giảm đầu tư. Nhưng để giải được bài toán đó quả thực không hề dễ dàng.

Trong kỳ làm việc vừa qua, mặc dù đã dự báo trước bối cảnh kinh tế năm 2012 cả trong và ngoài nước đều rất khó khăn song những chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đầy táo bạo của Chính phủ được Quốc hội thông qua đã cho thấy quyết tâm trong điều hành nhà nước để đưa đất nước kinh qua giai đoạn cam go này.

Theo đó, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) phấn đấu tăng 6%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 10%, đầu tư  xã hội chiếm 33,5% GDP, xuất khẩu tăng 12%, thâm hụt thương mại 13% và bội chi ngân sách chỉ còn 4,8%...

Lạm phát dưới 10% - khó nhưng chưa đủ

Mục tiêu năm tới của Chính phủ đã được Quốc hội phê duyệt là đưa lạm phát về dưới 10% song, theo đánh giá của Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên thì quyết tâm này vẫn là “chưa đủ”. 

Theo ông,“tình thế của chúng ta cần những hành động quyết liệt hơn nhiều”, không thể trông chờ vào các giải pháp mang tính chữa cháy và “dân túy”, phải sử dụng những “kháng sinh liều mạnh” để tạo cơ sở cứu doanh nghiệp. 

Vị chuyên gia nhấn mạnh, trong các lựa chọn chính sách, phải ưu tiên cứu doanh nghiệp trước. Bởi “nếu không cứu được doanh nghiệp thì không thể nâng được tăng trưởng lên”. Mà muốn vậy thì phải dám dùng những biện pháp mạnh, chấp nhận nền kinh tế chịu trả giá, chịu đau mới xoay chuyển căn bản tình hình, tạo lòng tin. 

Cụ thể, lạm phát không thể kéo xuống từ từ được, bởi “nếu cuối năm 2012, lạm phát xuống 10%, lãi suất cho vay xuống 15% thì lúc đó doanh nghiệp đã chết rồi”.

Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chỉ trong 9 tháng đầu năm có gần 50.000 doanh nghiệp, chiếm 9% tổng số doanh nghiệp trong nước phải đóng cửa phần nào cũng đã phản ánh tình trạng “sức khỏe” của doanh nghiệp hiện nay nghiêm trọng thế nào. Thậm chí, theo tiết lộ của ông Thiên thì “số doanh nghiệp đóng cửa có thể lên tới 30-35%, tức là gấp 3-4 lần con số công bố”.

Tại hội thảo”Kinh tế 2012 - những điều CEO cần biết” do Hiệp hội Marketing tổ chức mới đây, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, nguyên Thống đốc Ngân hàng nhà nước Cao Sĩ Kiêm cũng đã tiết lộ một con số gây “sốc”. Theo đó, số doanh nghiệp rơi vào tình trạng “rất khó khăn” hiện nay không chỉ ở mức 30% mà Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng công bố, thực tế còn khắc nghiệt hơn rất nhiều với tỉ lệ lên đến 90%. Khó khăn không kể doanh nghiệp lớn hay bé, đặc biệt càng nhỏ lại càng khó khăn hơn.

Đại diện cho cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Kiêm cho biết, thị trường vốn đang bị thu hẹp rất nhanh. Doanh nghiệp nhìn vào thị trường cổ phiếu, trái phiếu hay ngân hàng đều “tắc”. Trong khi đó, 80% vốn ngân hàng lại tập trung vào ngắn hạn là chủ yếu chứ không dám cho vay dài hạn. 

Với mức lãi suất hiện tại, dù đã cố gắng kéo xuống, song thị trường thấp, tồn kho tăng mạnh thì đúng như cách nói của nguyên Thống đốc, lệ thuộc vào vay vốn ngân hàng chẳng khác gì “uống thuốc độc để giải khát”.

Nghị quyết số 01vừa được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đầu năm với những giải pháp hứa hẹn đưa mặt bằng lãi suất xuống mức hợp lý, song đặt trong cân đối với bài toán kiềm lạm phát thì doanh nghiệp vẫn phải chủ động, tự tìm cách giải cứu để tồn tại.

Đầu tư giảm, GDP vẫn tăng: Kỳ tích!

Nếu như năm vừa qua, tăng trưởng kinh tế 5,89% được cho là một nỗ lực lớn thì mục tiêu GDP năm sau còn cao hơn, ở mức 6-6,5%, trong khi đầu tư xã hội lại giảm từ 40% GDP xuống 33%.

Nói như chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh “đạt được mục tiêu giảm đầu tư, tăng tăng trưởng của năm tới, chúng ta sẽ tạo nên kỳ tích”.

Trước đó, vấn đề bất cập này cũng đã được TS Trần Đình Thiên nói đến. Cơ quan điều hành muốn giảm đầu tư nhưng lại vẫn kỳ vọng mức tăng trưởng ngang ngửa 2011, đòi hỏi hiệu quả đầu tư sẽ phải cao hơn nhưng rất khó thực hiện trong một sớm một chiều.

Trong các lần xuất hiện trên các diễn đàn kinh tế, ông Thiên luôn nhấn mạnh mệnh đề, không nên quá chú trọng đến chỉ tiêu tăng trưởng. “Thực tâm tôi thì chẳng muốn đặt chỉ tiêu này, nhưng nếu phải đặt thì tôi chỉ chọn 3-4%”, Viện trưởng Viện Kinh tế nói.

Ông cũng phân tích một chỉ tiêu khác là tăng trưởng xuất khẩu năm 2012 dự kiến ở mức 12% (so năm 2011 khoảng 30%) trong khi mục tiêu nhập siêu phải đạt thấp, yêu cầu nhập khẩu cũng phải giảm theo. “Ở một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập nguyên vật liệu, thiết bị như Việt Nam, giảm nhập khẩu liệu có ảnh hưởng đến tăng trưởng?”.

Tựa như cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với năm thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế này, nhiệm vụ phức tạp như “thay động cơ máy bay khi đang bay” vậy và viễn cảnh kinh tế cho cả phía nhà chính sách và cho những người tham gia thị trường đều rất khó khăn. 

Chốt lại, lời khuyên của các chuyên gia đối với doanh nghiệp vẫn là tinh thần chủ động để làm chủ tình hình, tự đánh giá lại điểm mạnh điểm yếu, cân đối lại tài chính và chọn những phương án kinh doanh phù hợp và vừa sức.

Bích Diệp