1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tranh luận “nảy lửa” việc nhà nước can thiệp vào giá điện

(Dân trí) - Trong khi UB Tài chính - Ngân sách cho rằng Luật giá chỉ nên quy định Nhà nước định giá đối với điện bán lẻ thì Liên bộ Tài chính - Công thương thì cho rằng, mức can thiệp của Nhà nước sẽ có nhiều mức độ khác nhau tùy vào các khâu cụ thể.

Tranh luận “nảy lửa” việc nhà nước can thiệp vào giá điện
Chủ nhiệm UB Tài chính Ngân sách: Tinh thần của TVHQ muốn giá điện không nằm trong bình ổn giá mà theo cơ chế thị trường (ảnh: B.D)

Chiều 20/4, mặc dù chỉ dành một thời lượng ngắn ngủi bàn về vấn đề Luật Giá, song các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã tranh luận “nảy lửa” về việc can thiệp của Nhà nước và giá điện.

Theo đó, khi trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách, Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển đưa ra đề nghị đối với Chính phủ, cần quy định về mặt hàng điện trong danh mục  hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.

Ông Hiển nói, điện là mặt hàng thiết yếu, song lại độc quyền kinh doanh. Trong điều kiện hiện nay, cần thiết phải giữ ổn định giá điện để bảo đảm ổn định sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, để bảo đảm giá điện thực hiện theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có sự điều tiết của Nhà nước thì chỉ nên quy định Nhà nước định giá đối với giá “điện bán lẻ bình quân”, còn mức giá cụ thể do doanh nghiệp tự điều chỉnh.

Ông cũng dẫn chứng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nhiều nước cũng kiểm soát giá điện bán lẻ. Ngoài ra, phía Ủy ban đề nghị Dự thảo Luật điện lực cần có quy định thống nhất với nội dung này.

Về phía cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày lại ý kiến thống nhất sau khi bàn bạc với Bộ Công thương, khẳng định, tại Luật Giá, trong giá điện sẽ không ghi là “giá điện bán lẻ bình quân” như Ủy ban nói mà sẽ chia thành định mức giá cụ thể và giá khung. Trong định mức giá cụ thể sẽ quy định Nhà nước được quy định giá với giá truyền tải điện, giá phân phối điện, giá bán buôn điện, giá dịch vụ cung cấp điện. Đồng thời, Nhà nước cũng định khung giá đối với phát điện.

Điều này phù hợp với việc sắp tới, khi tiến vào thị trường cấp phát điện cạnh tranh, nhà nước không định mức giá cụ thể nhưng sẽ cần quy định khung giá để tránh hiện tượng giá quá cao ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống trong khi nguồn cung chưa đáp ứng đủ nhu cầu điện; bên cạnh đó, đảm bảo chi phí sản xuất điện hợp lý.

Quyết định này của Liên Bộ đưa ra sau khi TVQH cho ý kiến về Dự án Luật Điện lực và Bộ trưởng Bộ Công thương không đồng ý với phương án gộp chung thành “giá điện bán lẻ bình quân”.

“ Đồng chí Bộ trưởng Công thương hôm qua gọi điện gay gắt bảo rằng hai Bộ không thống nhất quan điểm gì cả nên phải ngồi lại để ra phương án chung trình lên Thủ tướng”, Bộ trưởng Huệ cho biết. Ông cũng nhận xét rằng, việc tách các loại giá để quản lý “Bộ Công thương thạo hơn” và “nếu nói giá điện bán lẻ bình quân thì sẽ rất khó để thực hiện cơ chế thị trường điện cạnh tranh sắp tới”.

Tranh luận “nảy lửa” việc nhà nước can thiệp vào giá điện
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ: Việc quy định giá cụ thể và khung giá để tránh đẩy giá điện lên cao (ảnh: B.D).

Can thiệp từng khâu là "một bước lùi"!

Tuy nhiên, ý kiến của Bộ trưởng Huệ vấp phải sự phản đối tức thì của Chủ nhiệm Phùng Quốc Hiển. Ông Hiển liên tiếp đưa ra nhận xét: “Nếu chia như vậy sẽ là một bước lùi!”.

Ông Hiển cho rằng, việc can thiệp như vậy không đúng với tinh thần của TVHQ muốn giá điện không nằm trong bình ổn giá mà theo cơ chế thị trường.

“Tinh thần của TVQH là đưa ra giá bán lẻ bình quân còn tất cả các giá còn lại thì theo cơ chế thị trường” – Chủ nhiệm Hiển nhấn mạnh.

Để làm “dịu” lại bầu không khí căng thẳng của Nghị trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tóm gọn vấn đề: “Thị trường hay không thị trường tôi nói đơn giản vậy thôi: Danh mục dẫn ra các hàng hóa Nhà nước độc quyền, mà mặt hàng điện có muốn độc quyền nữa đâu, đang khuyến khích thị trường phát triển - cả trong nước và ngoài nước, cả Nhà nước và tư nhân. Nhà máy điện, Nhà nước có độc quyền đâu! Nhưng giá bán điện thì Nhà nước định giá vì vẫn còn độc quyền ở khâu tải điện rồi bán điện”.

Theo ông, trong cơ cấu giá điện có nhiều loại giá và phí (8 loại giá, 2 loại phí) nên Bộ Tài chính không thể “bao” hết mà chỉ có thể giám sát rồi trình Thủ tướng ban hành một mức giá điện chung gọi là giá bán lẻ. Giá bán lẻ đó dành cho các đối tượng khác nhau lại khác nhau. Chứ Nhà nước không định giá ở từng khâu, từng khúc.

Ông cũng lưu ý, “Sau này phát triển thị trường điện cạnh tranh thì tải điện cũng phải tách ra, nhà nước cũng không còn được độc quyền. Anh nào tải giỏi thì anh đó được cấp, để làm lợi cho người tiêu dùng”.

Kết thúc phiên họp chiều qua, các thành viên TVQH vẫn chưa đi đến một kết luận nào cho vấn đề trên.

Chủ tọa phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cả ba bên bao gồm hai Bộ và Ủy ban Tài chính ngân sách cùng ngồi lại với nhau để thảo luận, theo hướng kết luận của Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng trong hai phiên họp về Luật Điện lực và Luật Giá, sau đó gửi lại phương án cho TVQH, Thường vụ trình hồ sơ cho Quốc hội xem xét.

Cả hai dự luật này sẽ được Quốc hội đánh giá, bàn bạc để thông qua, do vậy, trong quy định giá điện sẽ phải có sự thống nhất ở cả hai văn bản luật.

Bích Diệp