1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tranh cãi gay gắt vụ mỏ sắt Thạch Khê: Chọn thu về hàng tỷ USD hay “mất trắng” 2.000 tỷ vốn nhà nước

(Dân trí) - Theo tính toán của một số chuyên gia, nếu làm dự án mỏ sắt Thạch Khê, ngân sách nhà nước có thêm hàng tỷ USD (có doanh nghiệp góp vốn tính ra nộp thuế 180 ngàn tỷ đồng) nhưng nếu dừng thì nhà đầu tư có thể “mất trắng” 2.000 tỷ đồng.


Nhiều ý kiến trái chiều về tiếp tục triển khai hay dừng dự án sắt Thạch Khê. Ảnh: Hà Thái/TTXVN

Nhiều ý kiến trái chiều về tiếp tục triển khai hay dừng dự án sắt Thạch Khê. Ảnh: Hà Thái/TTXVN

Như Dân trí đã đưa tin, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đã kiến nghị Thủ tướng cho dừng khai thác, chế biến mỏ sắt Thạch Khê (Hà Tĩnh) và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây.

Lý do được đưa ra là năng lực tài chính của Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư. Việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê hiện mới có Hòa Phát ký thỏa thuận nguyên tắc mua cho nên phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là “chưa chắc chắn”. Trong khi, Formosa với tổng nhu cầu quặng sắt từ 7-14 triệu tấn/năm vẫn chưa có ý định mua quặng sắt mỏ Thạch Khê. Ngoài ra, còn một số quan ngại về vấn đề môi trường.

Ngoài việc nhiều bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học lên án kiến nghị dừng dự án là chưa thấu đáo, chưa có cơ sở khoa học, lý do chưa đủ thuyết phục thì một vấn đề gây tranh cãi gay gắt đó chính là trách nhiệm của các nhà quản lý, đặc biệt là tỉnh Hà Tĩnh ở đâu khi những tâm huyết và hàng nghìn tỷ đầu tư có nguy cơ mất trắng của TIC chỉ vì kiến nghị trên.

Trách nhiệm của nhà quản lý ở đâu?

Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) đã được cấp Giấy Chứng nhận đầu tư năm 2008 và đầu tư gần 2.000 tỷ vào dự án với các công việc quan trọng như thử nghiệm công nghệ và bốc đất tầng phủ đến độ sâu – 35m, đầu tư xây dựng nhà làm việc, nhà ở cho cán bộ, nhân viên, xây dựng hệ thống cung cấp điện, thoát nước, các công trình bảo vệ môi trường, tiến hành rà phá bom mìn, mua sắm thiết bị, điều tra khảo sát bổ sung các tài liệu về địa chất và đánh giá bổ sung ĐTM... TIC cũng bố trí nguồn vốn cho dự án và cùng với UBND tỉnh và Ban Quản lý dự án trong việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện các công việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và xây dựng các công trình khác có liên quan trong vùng dự án…

Từ năm 2011 đến nay, dự án dừng bóc đất tầng phủ, tập trung tái cơ cấu cổ đông, tuy phải dừng dự án nhưng TIC vẫn phải chi phí các loại thuế, nộp vào ngân sáh 253 tỷ đồng. Các công việc TIC vẫn phải làm và chi phí đó là điều chỉnh, bổ sung các dự án ĐTM, cải tạo phục hồi môi trường và đề án xả thải, lập luận chứng kinh tế kỹ thuật…

TS. Hoàng Ngọc Phong, Chuyên gia kinh tế Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam khẳng định với những tâm huyết và khoản đầu tư nghìn tỷ của TIC, việc dừng dự án sẽ gây thiệt hại lớn cho các cổ đông. Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cũng như đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư? Dừng dự án sẽ gây ấn tượng xấu với môi trường đầu tư tỉnh Hà Tĩnh do sự thiếu thống nhất, “trước sau không như một” với nhà đầu tư.

“Các cổ đông rất thiệt thòi, chán nản, mất phương hướng và quan trọng là chưa thể hiện đúng bản chất nhà nước pháp quyền. Thực tế là chưa thể tìm ra lý do, căn nguyên thuyết phục nào để phải buộc tuyên bố dừng dự án. Do đó, cần tiến hành khai thác, khởi động dự án theo đúng các bước đi và lộ trình đã được luận cứ, luận chứng trong các đề án kinh tế, thiết kế kỹ thuật, trong ĐTM…đã được phê duyệt”, ông Phong nói.

Về lo lắng của tỉnh Hà Tĩnh dự án sẽ ảnh hưởng đến môi trường như sự cố Formosa vừa qua, ông Phong cho rằng việc so sánh vậy là cảm tính bởi trong báo cáo của TIC đã khẳng định dự án Thạch Khê hoàn toàn không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào, vì vậy có thể yên tâm chắc chắn rằng sẽ không xảy ra thảm họa môi trường. Trên 15.000 mẫu thử nghiệm đều cho thấy các chất độc hại nguy hiểm đều nằm dưới ngưỡng cho phép.

Do đó, vị chuyên gia đề nghị Chính phủ tiếp tục cho triển khai dự án nhằm sớm cung cấp nguyên liệu ổn định, lâu dài cho các nhà máy luyện kim trong nước, góp phần phát triển ngành thép Việt Nam.

TS. Nghiêm Gia, Uỷ viên Hội mỏ Việt Nam cho rằng kết quả nghiên cứu địa chất, nghiên cứu khả năng khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê thông qua các báo cáo địa chất, nghiên cứu tiền khả thi (PrFS), nghiên cứu khả thi (FS), nghiên cứu khả thi chi tiết (DFS) và ĐTM… do nhiều tổ chức tư vấn nước ngoài và Việt Nam thực hiện (từ 1960-2013) một cách rất bài bản và có căn cứ khoa học. Kết quả đã được các Hội đồng thẩm định trong nước và nước ngoài thông qua và các cấp thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt.

Vị chuyên gia cho biết đã xem xét rất kỹ các tài liệu, văn bản pháp lý, hồ sơ liên quan đến Dự án Thạch Khê và các chỉ đạo cụ thể của Chính Phủ tại văn bản 4737 (năm 2015), 9792 (năm 2016). Qua đó, ông khẳng định về căn cứ pháp lý hoàn toàn đủ điều kiện để TIC tiếp tục triển khai Dự án mỏ Thạch Khê.

"Dự án mỏ Thạch Khê đã được Bộ Chính trị và Chính phủ của nhiều thế hệ quan tâm và đã trở thành Dự án chiến lược tầm quốc gia. Dự án được thực hiện sẽ là động lực để phát triển ngành thép Việt, là “thỏi nam châm thu hút đầu tư” các dự án liên quan, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của Hà Tĩnh và Trung bộ”, TS. Nghiêm Gia nhận định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, nếu dừng triển khai dự án sẽ không thực hiện đúng chủ trương trước đây mà Bộ Chính trị nêu trong Nghị quyết 72 (ban hành năm 2007) trong đó đã giao cho Chính phủ tập trung chỉ đạo, thúc đấy dự án; chỉ đạo Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê mà TKV có tham gia đẩy nhanh triển khai dự án, sớm có sản phẩm đưa ra thị trường.

Ngân sách sẽ có thêm 180.000 tỷ hoặc không có gì

Theo tính toán của TS. Hoàng Ngọc Phong, việc thực hiện dự án sẽ đem lại những lợi ích to lớn về kinh tế - xã hội. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng. Suất đầu tư khoảng 6 đồng vốn sẽ tạo ra 1 đồng giá trị gia tăng. Như vậy dự án sẽ tạo ra 2.600 tỷ đồng trong vòng 9,5 - 10 năm. Bình quân mỗi năm tạo ra giá trị tăng thêm khoảng 260 - 280 tỷ và đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GRDP của Hà Tĩnh trong giai đoạn 2018 - 2030 và những năm sau đó.


Các cổ công trong TIC đã góp rất nhiều công sức, tiền bạc để thúc đẩy dự án sắt Thạch Khê

Các cổ công trong TIC đã góp rất nhiều công sức, tiền bạc để thúc đẩy dự án sắt Thạch Khê

Theo ông Phạm Lê Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và khai thác khoáng sản Thăng Long- Công ty tư nhân duy nhất tham gia dự án từ những ngày đầu cũng phân tích: Dự án sắt Thạch Khê nếu triển khai cũng nộp ngân sách bình quân 2000 tỷ đồng/năm (giai đoạnI). Tổng thu các khoản thuế và phí của dự án khoảng 180.000 tỷ đồng, tạo việc làm cho 4.000 lao động trực tiếp và 3.000 việc làm gián tiếp, kéo theo phát triển công nghiệp phụ trợ, cung cấp đủ nguyên liệu cho luyện kim trong nước.

Với nhà đầu tư, ông Hoàng Ngọc Phong tính toán lợi nhuận sau thuế của dự án có thể lên tới 53.000 tỷ đồng, thời gian thu hồi vốn khoảng 9,5 năm. Đặc biệt, sau khi khai thác xong, sẽ có một hồ nước ngọt hàng trăm ha cung cấp nước ngọt cho một vùng rộng lớn và có thể khai thác phát triển du lịch…

Tuy nhiên, nếu dừng dự án vị chuyên gia này cho biết, mọi thứ sẽ được hoàn trả lại như ban đầu nhưng môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh chắc chắn bị ảnh hưởng xấu.

Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng đưa ra cảnh báo nếu dừng dự án người dân sẽ không có việc làm, thiệt hại 2.000 tỷ đồng cổ đông đã chi ra, trong đó chiếm đa số là vốn nhà nước.

Trong một cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng khẳng định: “Đối với dự án mỏ sắt Thạch Khê, hôm nay chúng ta ngồi đây bảo quyết định dừng hay không dừng thì không có cơ sở. Ngay cả phía Hà Tĩnh, các bộ ngành có quan điểm khác nhau. Hôm làm việc với tỉnh Hà Tĩnh mới đây, quan điểm của Thủ tướng đây là vấn đề phải có đánh giá, căn cứ khoa học, đánh giá về kỹ thuật, môi trường, hiệu quả kinh tế và tác động của dự án tới tăng trưởng, lợi ích của đất nước, lợi ích địa phương như thế nào”.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, dự án mỏ sắt Thạch Khê là chủ trương của Bộ Chính trị, của Chính phủ những khóa trước từ cách đây cả vài chục năm rồi. Mỏ sắt này có trữ lượng quặng sắt 544 triệu tấn là rất lớn, là nguồn tài nguyên, khoáng sản cực kỳ có giá trị với nước ta. Tại cuộc làm việc với tỉnh Hà Tĩnh trước đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu: "Mỏ sắt Thạch Khê không thể để đắp chiếu mãi"

Mạnh Quân-D.B

Tranh cãi gay gắt vụ mỏ sắt Thạch Khê: Chọn thu về hàng tỷ USD hay “mất trắng” 2.000 tỷ vốn nhà nước - 3