1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

TPHCM: Xem xét dần mở cửa trở lại các chợ truyền thống

Quang Huy Thư Quỳnh

(Dân trí) - UBND TPHCM đã ký văn bản triển khai việc xem xét và mở cửa trở lại một số chợ truyền thống; trong đó ưu tiên các mặt hàng thực phẩm thiết yếu với điều kiện phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Chiều 19/7, tại cuộc họp cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TPHCM, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, UBND TPHCM đã ký văn bản triển khai việc xem xét và mở cửa trở lại một số chợ truyền thống.

Theo đó, việc mở cửa sẽ ưu tiên cho các mặt hàng thực phẩm thiết yếu với điều kiện phải đảm bảo được các vấn đề an toàn phòng chống dịch.

TPHCM: Xem xét dần mở cửa trở lại các chợ truyền thống - 1

Xem xét và mở cửa trở lại một số chợ truyền thống với điều kiện phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch (Ảnh minh họa).

Ông Phương cho biết, tính đến thời điểm hiện tại đã có 44 chợ truyền thống trên địa bàn thành phố mở cửa hoạt động trở lại. Trong đó, khu vực quận Bình Tân là có số lượng chợ mở cửa nhiều nhất (5 chợ).

Phó giám đốc Sở Công Thương nhận định, với chỉ đạo của UBND thành phố, tiến độ mở cửa hoạt động của các chợ truyền thống trong thời gian sắp tới sẽ tăng nhanh hơn.

Đề cập đến vấn đề các mặt hàng tại chợ truyền thống tăng giá cao trong thời gian vừa qua, ông Phương chia sẻ: "Việc tăng giá những ngày vừa qua không liên quan đến đầu cơ tích trữ mà liên quan đến hệ thống phân phối gặp trục trặc và việc các chuỗi chợ truyền thống tạm ngừng hoạt động rất nhiều. Các hệ thống phân phối hiện tại cùng các doanh nghiệp vẫn đang cố gắng ổn định giá cả, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng sẽ phối hợp cùng các cơ quan chứng năng giám sát các hệ thống phân phối hàng hóa, tăng cường các công tác kiểm tra, rà soát và xử lý ngay các hành vi thu gom hàng hóa".

Cũng theo ông Nguyễn Nguyên Phương, qua theo dõi nhận thấy tình hình mua sắm của người dân đã giảm rõ. Số lượng người dân tới các địa điểm mua sắm đặc biệt là chợ truyền thống cũng như lượng hàng hóa được mua sắm cũng giảm hẳn. Trong khi đó, lượng hàng hóa do các doanh nghiệp cung cấp lại ngày một tăng lên. 

Các phương án hỗ trợ cung ứng hàng hóa cho người dân được thực hiện nhiều hơn. Thậm chí, các chuyến hàng lưu động khi đem hàng tới cung cấp cho người dân vẫn còn thừa mang về. Ông Phương khẳng định, áp lực về hàng hóa tại TPHCM hiện tại đã ổn. 

Bên cạnh đó, cùng sự góp sức trong việc đưa hàng hóa về nhiều hơn, giá cả hàng hóa sẽ ổn định hơn nữa trong thời gian sắp tới.