1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

TPHCM: Tiền xu vẫn được lưu hành rộng rãi

(Dân trí) - Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu khi mới đưa vào lưu thông, sau 7 năm tiền xu đã tìm được chỗ đứng của mình ở thị trường phía Nam. Tại TPHCM trong mọi hoạt động mua bán, dù tiền xu hay tiền giấy mọi người đều vui vẻ đón nhận.

Đối lập với bức tranh ảm đạm ở khu vực phía Bắc, tại các tỉnh phía Nam đồng tiền xu đang được lưu hành rộng rãi. Trong ví tiền của mọi người, tiền xu luôn sẵn sàng cho việc mua bán. Sự hiện hữu của loại tiền này đã trở thành nét văn hóa quen thuộc trong hoạt động thương mại thường ngày của người dân.
 
TPHCM: Tiền xu vẫn được lưu hành rộng rãi - 1
Nhiều người cho rằng tiền xu là một nét văn hóa đặc trưng của từng quốc gia
 
Ngay từ khi chưa xuất hiện đồng tiền xu đã trở thành nỗi khao khát của nhiều người. “Tôi từng sinh sống ở các nước châu Âu một thời gian dài, ở đó họ đi sưu tầm những mẫu tiền xu qua các thời đại của người Việt để bán lại cho chính người Việt làm kỷ niệm. Mỗi khi nhìn thấy đồng tiền xu của nước bạn tôi lại thầm ước đến ngày Việt Nam chúng ta sẽ có một loại tiền tệ mang tính quốc tế này” - bà Thanh Hồng ngụ tại quận Bình Thạnh cho biết.
 
Và rồi mơ ước ấy của số đông người đã thành hiện thực khi năm 2003 tiền xu được đưa vào sử dụng. “Thay vì xài tiền giấy, gia đình tôi chuyển sang dùng tiền xu nhiều hơn vì nó tiện cho việc mua bán những mặt hàng có mệnh giá thấp. Mỗi khi có người bạn ngoại quốc nào ghé thăm tôi làm thành một bộ đồng xu tặng họ làm quà lưu niệm như một hình thức giao lưu văn hóa” - bà Hồng chia sẻ.
 
Thời gian đầu khi loại tiền xu mới lưu hành không ít người còn có tâm lý e dè vì cho rằng nó dễ rơi, nặng túi… nhưng ngay sau đó, người dân TPHCM đã nhanh chóng thích nghi với đồng tiền mới bằng cách dùng túi đựng tiền xu riêng. Trong tủ tiền tại các quầy thu ngân cũng có ngăn riêng đựng tiền xu.
 
TPHCM: Tiền xu vẫn được lưu hành rộng rãi - 2
Mọi hoạt đồng mua bán bằng tiền xu diễn ra bình thường như tiền giấy
 
Không riêng gì ở TPHCM, mà ở nhiều tỉnh phía Nam, mọi người tiếp nhận đồng tiền xu một cách bình thường và “sòng phẳng” so với đồng tiền giấy. Mọi hoạt động mua bán đều không có sự phân biệt tiền giấy hay tiền xu. Tiền xu được tiếp nhận một cách vui vẻ bởi một điều đơn giản “tiền nào cũng là tiền làm sao có thể từ chối được”.
 
Ở một góc nhìn khác đồng tiền xu có phần được tiếp nhận “mặn mà” hơn. “Những ngày tết đến xuân về trẻ em có tâm lý thích được lì xì bằng những đồng tiền xu mới cóng, còn sáng long lanh. Gia đình tôi thường dùng tiền giấy để đổi lấy tiền xu mệnh giá 5.000 đồng, lì xì cho các cháu. Chúng tôi xem đó như đồng tiền vàng mang may mắn và hạnh phúc” - chị Lưu Nhật Mai ngụ tại quận 1 cho biết.
 
Mặc dù đồng tiền giấy mệnh giá 200 đồng dường như đã biến mất hoàn toàn trên thị trường TPHCM nhưng đồng tiền xu mệnh giá này vẫn đang được lưu thông. Tại các chợ, hệ thống siêu thị trên địa bàn thành phố đồng tiền này vẫn còn nguyên giá trị của nó bởi cả người mua và người bán vẫn dùng để trao đổi với nhau. Cái thời "kén tiền xu chọn tiền giấy đã qua lâu rồi".
 
TPHCM: Tiền xu vẫn được lưu hành rộng rãi - 3
Tiền xu còn được đặc biệt ưa chuộng khi mua hàng ở máy
 
Bên cạnh các hoạt động mua bán trực tiếp, đồng tiền xu còn được đặc biệt ưa chuộng trong việc trao đổi với các máy bán hàng tự động. “Dùng tiền giấy máy thường hay bị kẹt nên mỗi khi ra công viên tụi em thường mua nước ở các máy lưu động bằng tiền xu… Lâu nay em vẫn dùng loại tiền này nên không thấy có gì bất tiện hơn so với tiền giấy cả” - bạn Nguyễn Văn Dũng sinh viên trường ĐH Kinh tế cho biết.
 
Tại TPHCM, nhiều ý kiến cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã thiếu định hướng trong việc khuyến khích người dân tiêu dùng bằng đồng tiền này. Không có lý do gì người Việt không sử dụng đồng tiền đang lưu hành. Các nước tiên tiến trên thế giới vẫn đang sử dụng, không nên có thói quen dùng tiền giấy để quay lưng lại với tiền xu.
 
Vân Sơn