1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

TPHCM: Mai thất mùa, giá tăng gấp đôi

(Dân trí) - Có lẽ chưa năm nào nhà vườn trồng mai ghép của TPHCM lại thê thảm như năm nay. Các “đại gia” nhiều năm kinh nghiệm trong làn cây cảnh đều thất thu 80 - 90% do mai đi sớm (nở sớm), nụ sượng hay chết cành.

Nhà vườn điêu đứng

“Thảm sầu, bi đát”, đó là nhận định của bà Nguyễn Thị Kim Loan, nông dân giỏi nhiều năm liền của quận Thủ Đức, cũng là mẫu số chung của nhà vườn trồng mai. Không ai có thể ngờ vườn mai 3000-4000 cây của ông Ba Lê (quận 12), nay chỉ có non chục cây chào bán! Thường mùa Tết, vườn mai Ba Lê thu vào ít nhất cũng hai ba trăm triệu đồng, thế mà năm nay dự kiến“ tổng thu khoảng…1,5 triệu đồng”.

Được đánh giá là “khá nhất” trong mùa mai năm nay nhưng vườn mai nhà ông Bảy Nên (Nguyễn Văn Nên , 8/5 Khu phố 8, phường Linh Đông, quận Thủ Đức) cũng chỉ có 500 cây “bán được” trong tổng số 3000 gốc. Nuôi hàng chục công thợ, tiền thuê mặt bằng, phân bón, tiền nước…nguyên năm, cuối năm thu vào một hai trăm triệu đồng coi như lỗ vốn.

Quang cảnh chung của hai làng mai nổi tiếng TP (ngã Tư Ga quận 12 và Hiệp Bình Chánh , Thủ Đức) là hàng chục ngàn gốc mai xơ xác, tiêu điều nằm sau vườn nhà.

Có thể nói chưa khi nào khó khăn lại chồng chất lên vai nhà vườn như năm nay. Năm nhuận 13 tháng đã khó canh cho mai nở đúng ngày, lại gặp mấy lần triều cường bể bờ bao nước ngập cả vườn khiến nhiều cây nở bung từ hai tháng trước. Nghiêm trọng nhất là nguồn nước tưới bị ô nhiễm nặng nề khiến cho mai bị cháy rễ, nấm toàn thân, sượng nụ rồi chết dần chết mòn.

Ở quận 12, tình trạng ô nhiễm nặng đến mức dù nước giếng lắng lọc qua hai ba công đoạn mà tưới lên, bộ rễ vẫn cháy, lột hết da cây. Bí thế, có lúc ông Ba Lê phải mua nước khoáng cứu cây. Làng mai Thủ Đức cũng hoang tàn vì nước.

Chỉ vào hàng trăm gốc mai trơ trụi, bà Nguyễn Thị Kim Loan chủ vườn mai lớn nhất nhì Thủ Đức cho biết, nước giếng ô nhiễm không dùng được nhưng “tưới bằng nước máy cũng nguy không kém”. Hàng trăm gốc mai trị giá non tỷ bạc của bà vì tưới nước máy mà bị nấm mốc xanh toàn thân, cây suy từ từ rồi khô hết cành.

Nhiều nhà vườn “chạy trốn” lên tận Bình Dương, Bình Phước mướn đất làm mai nhưng kết quả cũng không khả quan do chi phí chuyên chở quá cao mà bệnh nấm thân cây cũng không dứt hẳn.

Giá mai cao hơn gấp đôi

Mai trên đường Kha Vạn Cân (Thủ Đức), ngã Tư Ga (quận 12) hay tại công viên 23/9 vẫn bày bán ngập đường nhưng chỉ lưa thưa nụ. Người mua vẫn tấp nập ra vào các vườn mai nhưng… không có nhiều gốc cho họ chọn lựa. Gốc gọi là “đạt” của năm nay, nụ cũng chỉ bằng 60 - 70 % của những năm trước.

Trong khi hai làng mai lớn của TP điêu đứng thì mai từ các tỉnh miền Tây đổ bộ vào TP cũng ăn theo lên giá. Gốc mai các năm trước 5 triệu đồng thì nay phải mua không dưới 10 triệu. Mai bonsai loại nhỏ nhất hàng năm không quá 80.000 đồng/chậu, giờ chắc giá 250.000 đồng.

Nắm được tâm lý của người Sài Gòn “nhà thiếu mai chưa phải là Tết”, người khấm khá sẵn sàng bỏ 5-10 triệu thậm chí vài chục triệu đồng mua cho được gốc mai ưng ý nên giới đầu nậu lại được dịp ra tay. Họ săn lùng gốc đẹp, rồi đẩy giá lên gấp 2-3 lần mà vẫn bán chạy.

Hồng Tâm