1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đồng bằng sông Cửu Long:

Tổn thất 13.700 tỷ đồng mỗi năm sau thu hoạch

(Dân trí) - ĐBSCL mỗi năm xuất khẩu gạo đạt từ 6,5 - 7 triệu tấn với giá trị khoảng 3,2 - 3,7 tỷ USD. Nhưng sau mỗi vụ thu hoạch, ĐBSCL tổn thất lên đến 13.700 tỷ đồng - một con số thất thoát đáng để các nhà quản lý quan tâm.

Sáng 28/4, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ phối với Bộ NN&PTNT cùng với các diễn giả, các đồng chí chủ tịch, phó chủ tịch các tỉnh ĐBSCL tổ chức buổi hội thảo với chuyên đề “Cơ giới hóa Nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa gạo hàng hóa – Mô hình cánh đồng mẫu lớn” trong khuôn khổ Triển lãm - Hội chợ thành tựu 10 năm xây dựng và phát triển ĐBSCL được khai mạc vào 27/4 vừa qua.

Vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên khoảng 4 triệu hecta (chiếm khoảng 12% diện tích đất của cả nước, trong đó diện tích đất dành cho trồng lúa trên 2 triệu hecta, với tổng diện tích gieo trồng 3,86 triệu hécta đạt sản lượng khoảng 21 triệu tấn chiếm 50% sản lượng lúa cả nước. Vì vậy, có thể khẳng định sản xuất lúa gạo có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và ổn định chính trị của cả vùng.

Tổn thất 13.700 tỷ đồng mỗi năm sau thu hoạch

Giảm thiểu chi phí, tăng năng suất, giúp nông dân có lợi là những vấn đề được các diễn giả trao đổi tại hội thảo lần này

Thực tế hiện nay cả nước có gần 500 nghìn máy kéo các loại sử dụng trong nông nghiệp, với tổng công suất trên 5 triệu mã lực (CV), tăng 4 lần so với năm 2001; Máy tuốt lúa có 580.000 máy, trong đó máy gặt đập liên hợp chiếm 17.992 máy. Riêng vùng ĐBSCL có 11.424 chiếc máy gặt các loại, trong đó có 6.609 máy gặt đập liên hợp, 4.815 chiếc máy rải hàng và có 9.608 máy sấy lúa.

Mức độ cơ giới hóa ở ĐBSCL trong khâu thu hoạch là 36% (so với cả nước); sấy lúa chủ động 39%, tuốt lúa 95%; xay xát lúa, gạo đạt 95%. Một số tỉnh ĐBSCL có mức độ cơ giới hóa cao góp phần tăng năng suất, đảm bào tính thời vụ, giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch như: Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, An Giang, … trong đó các khâu làm đất, thu hoạch lúa các tỉnh đạt 100% sử dụng máy cơ giới.

Nhìn nhận vấn đề này ông Đỗ Văn Nam - Cục Trưởng cục Chế biến, Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối cho biết: “Nếu so sánh việc trang bị cơ giới hóa cho toàn ngành nông nghiệp Việt Nam với các nước bạn thì còn thấp, phát triển chưa đồng bộ và toàn diện. Cụ thể, mức độ trang bị động lực của ngành nông nghiệp nước ta chỉ 1,3 CV/ha canh tác nhưng Thái lan đến 4 CV/ha, Hàn Quốc 4,2 CV/ha, Trung Quốc là 6,06 CV/ha”.

Ngoài ra ông Nam cũng cho biết nguyên nhân dẫn đến mức độ trang bị động lực trong ngành nông nghiệp thấp, khó khăn là do đất đai phục vụ nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ; trình độ sản xuất công nghiệp, cơ khí chế tạo máy nước ta còn nhiều hạn chế; Thu nhập của nông dân từ ngành nông nghiệp thấp nên việc tích lũy đầu tư máy móc của nông dân là việc hết sức khó khăn.

Tổn thất 13.700 tỷ đồng mỗi năm sau thu hoạch

Muốn đạt mục tiêu giảm tổn thất trong khi thu hoạch và sau thu hoạch thì phải đưa cơ giới hóa vào trong sản xuất

Thực tế những năm gần đây sản xuất lúa ĐBSCL có nhưng bước phát triển vượt bậc, với tổng diện tích gieo sạ 3,86 triệu hécta đạt sản lượng khoảng 21 triệu tấn/năm, góp phần quan trọng cho an ninh lương thực quốc gia (chiếm 50 % sản lượng lúa cả nước - PV), ổn định tình hình kinh tế vĩ mô cho Việt Nam. Tuy nhiên, tổn thất sau mỗi vụ thu hoạch còn cao (chiếm 13,7%), tổn thất cao nhất vẫn là khâu phơi sấy (chiếm 4,2%). Theo tính toán sơ bộ, nếu giá trung bình của mỗi kg lúa là 5.000 đồng/kg thì tổn thất sau thu hoạch hằng năm lên đến 13.700 tỷ đồng, trong khi tổng thu nhập 1 năm của một người làm nông nghiệp chỉ có 17 triệu đồng.

Chia sẻ vấn đề này TS Lê Văn Bảnh - Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết: “Vụ đông xuân bà con xuống giống đồng loạt để tránh sâu rầy nên đến khi lúa chín bà con cũng thu thu hoạch đồng loạt nên gặp nhiều khó khăn. Vì hiện tại toàn vùng có 7.000 máy gặt đập liên hợp, số máy này chỉ giải quyết 40% diện tích lúa trong vùng, gây tổn thất không ít khi một diện tích lúa chín quá ngày, rụng đổ khi thu hoạch. Nhưng tổn thất đáng ngại nhất là trong khâu phơi lúa, hiện tại chỉ có 35 % nông dân có thói quen sấy lúa, còn 65% nông dân tự phơi thủ công rất vất vả. Đây là điểm mà các nhà quản lý cần quan tâm để tránh “mất mùa” sau thu hoạch.”

Hiện nay, các địa phương trong vùng ĐBSCL đang triển khai thí điểm mô hình cánh đồng mẫu lớn. Bước đầu đã thu được những kết quả đáng khích lệ như năng suất lúa tăng khoảng 0,5 tấn/ha, trong khi chi phí sản xuất lại giảm, đã góp phần làm tăng thu nhập đáng kể cho người trồng lúa. Bên cạnh những kết quả đạt được, mô hình cánh đồng mẫu lớn chắc chắn vẫn còn không ít những khó khăn, trở ngại.

Theo ông Bùi Ngọc Sương - Phó trưởng Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ đánh giá: “Các địa phương đang tập trung đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại. Nhưng ở nông thôn đang xuất hiện những thách thức mới, đó là thiếu lao động và tổ chức sản xuất lúa hàng hóa với quy mô lớn gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với khâu thu hoạch và sau thu hoạch nên dẫn đến tổn thất mỗi năm lên đến 13.700 tỷ đồng. Tháo gỡ vấn đề này Chính phủ đã có chủ trương về việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua sắm các máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân tăng năng suất, chất lượng và giảm giá thành sản phẩm.

Ngô Nguyễn