1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tính giá chuyển nhượng, cách nào?

Trong năm 2006, song hành với việc nộp báo cáo tài chính, thuế vào cuối năm, doanh nghiệp có giao dịch với các bên liên kết còn có trách nhiệm phải kê khai và chuẩn bị các thông tin để chứng minh các giao dịch liên kết là đúng theo quy định.

  Lê Hồng Hải, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, vừa có cuộc trao đổi với báo giới về vấn đề này.

 

Năm 2006 bắt đầu thực hiện Thông tư 117/2005/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết, vậy khi triển khai có trở ngại không, thưa bà?

 

Thời gian khởi đầu của một vấn đề mới bao giờ cũng có những khó khăn nhất định trong việc áp dụng các quy định về chuyển giá, khi các thông tin về thị trường, về giá giao dịch quốc tế, và những nguồn thông tin khác còn có những hạn chế nhất định. Và tôi nghĩ đối với cả hai bên, doanh nghiệp và cơ quan thuế đều cần phải chuẩn bị làm quen để khắc phục dần những khó khăn này.

 

Tuy nhiên, trên phương diện quản lý Nhà nước, việc ra các quy định về phương pháp tính giá chuyển nhượng sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho người nộp thuế và cơ quan thuế cùng hiểu chung một vấn đề theo nguyên tắc giá thị trường.

 

Liệu doanh nghiệp ở Việt Nam có bị “sốc” khi thực hiện kê khai theo những qui định về giá chuyển nhượng?

 

Phần lớn các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ở Việt Nam đều thuộc các tập đoàn đa quốc gia. Họ là các tập đoàn đa quốc gia, việc kê khai theo qui định về giá chuyển nhượng họ đã gặp ở Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, v.v…, nên đây không phải là vấn đề mới đối với họ.

 

Vậy công cụ cơ quan quản lý thuế đưa ra để xác định giá chuyển nhượng của doanh nghiệp là gì?

 

Như Thông tư nêu trên, Việt Nam đã đưa ra năm phương pháp xác định giá để doanh nghiệp lựa chọn.

 

Thứ nhất là phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập. Tiếp đến là phương pháp giá bán lại. Thứ ba là phương pháp giá vốn cộng lãi. Thứ tư là sử dụng phương pháp so sánh lợi nhuận. Và cuối cùng là phương pháp tách lợi nhuận .

 

Các phương pháp của Việt Nam đưa ra, như tham chiếu với một số quốc gia đi trước là phù hợp với các thông lệ quốc tế. Cơ quan thuế không áp đặt mà đưa ra các nguyên tắc để doanh nghiệp xác định giá. Doanh nghiệp dựa vào loại hình kinh doanh, mặt hàng kinh doanh để làm căn cứ đâu là phương pháp xác định giá chuyển nhượng phù hợp và  chứng minh với cơ quan thuế.

 

Doanh nghiệp cần phải lưu giữ các thông tin, tài liệu, chứng từ có liên quan làm căn cứ áp dụng phương pháp xác định giá chuyển nhượng và xuất trình theo yêu cầu của cơ quan thuế.

 

Năm 2004, ngành thuế Nhật Bản điều tra và thu vế 216,8 tỷ Yên liên quan đến giá chuyển giao, theo bà về con số này ở Việt Nam khi triển khai sẽ là bao nhiêu?

 

Rất khó dự đoán. Vì tham gia vào các vấn đề chuyển giá này là của các tập đoàn, mà thông thường giao dịch của họ không nhỏ.

 

Theo bà, Thông tư 117/2005/TT-BTC ra đời có ý nghĩa như thế nào?

 

Ngày 19/12/2005, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 117/2005/TT-BTC hướng dẫn thực hiện việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết. Thông tư có hiệu lực từ 26/1/2006.

 

Thông tư đã đưa ra cách tiếp cận mới về vấn đề giá chuyển nhượng của các doanh nghiệp liên kết tại Việt Nam. Đó là, doanh nghiệp được quyền chủ động chứng minh về phương pháp tính giá của mình theo thực tiễn áp dụng được quốc tế chấp nhận.

 

Đây cũng là bước quan trọng giúp tạo ra sự cạnh tranh công bằng hơn giữa các doanh nghiệp hoạt động trong nước và các tập đoàn quốc tế khi Việt Nam đã từng bước hội nhập vào nền kinh tế khu vực và quốc tế, đặc biệt là việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) trong năm nay.

 

Văn bản này có hiệu lực từ 2006, trong khi vấn đề này như ở Nhật Bản thực hiện từ 1986 hay ở Trung Quốc là từ năm 1998. Phải chăng thuế chống chuyển giá “chuyển chậm” ở Việt Nam?

 

Thông tư 117 hướng dẫn về giá chuyển nhượng không phải là một chính sách thuế mới mà là sự chuẩn hoá về biện pháp quản lý thuế.

 

Thực ra về chống chuyển giá, nếu nói về quy định thực ra có cách đây cũng lâu. Trước năm 2000, Bộ Tài chính cũng đã ban hành thông tư có đề cập đến trường hợp cơ quan thuế kiểm tra phát hiện và xử lý nếu doanh nghiệp có những biểu hiện về vấn đề giá cả giao dịch không phù hợp với nguyên tắc theo giá thị trường. Còn với sự ra đời của Thông tư 117, các nội dung trên đã được hướng dẫn thực hiện chi tiết hơn.

 

Chúng tôi mong muốn, doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam sẽ nhìn nhận tích cực về những quy định chuyển giá. Từ đó, họ sẽ có những bước chuẩn bị thật tốt để chứng minh cho sự lành mạnh trong giao dịch kinh doanh, nâng cao uy tín và khẳng định vị trí của mình trong đời sống kinh tế và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

 

Trong quá trình thực hiện, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế cũng mong muốn nhận được sự cộng tác, đóng góp từ phía doanh nghiệp để hoàn thiện hơn các quy định, trợ giúp tốt hơn các doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

 

Theo Quý Hiểu

VnEconomy