1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Tiền tỉ vào nhà, không ai hay biết!

Trong khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư hân hoan thông báo kết quả thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài hằng tháng, thì Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gần như “phong tỏa” toàn bộ những thông tin về dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII).

Theo thống kê của một NH nước ngoài đang quản lý số lượng tài khoản lớn nhất cho các tổ chức đầu tư tài chính, có khoảng 74 quĩ đầu tư nước ngoài đang rót tiền vào VN, bao gồm 22 quĩ thành lập từ đầu năm đến nay.

Trong số những quĩ mới có những tên tuổi như Sumitomo Misui VN, Fullerton VN Fund, TongYang VN, Maxford Growth-VN Focus, VN Resource, Credit Agricole Fund...

Loạn con số!

Hàn Quốc đang nổi lên như là một nhà đầu tư lớn với tám quĩ được thành lập từ đầu năm đến nay, tổng số vốn huy động trên 1 tỉ USD. Một trong những đại diện cho “làn sóng” Hàn Quốc là Tập đoàn tài chính Golden Bridge.

Trong vòng sáu tháng Golden Bridge đã thành lập hai quĩ tại VN, tổng số vốn 70 triệu USD với trọng tâm đầu tư vào cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, khoáng sản...

Ngoài Hàn Quốc, các quĩ còn lại được thành lập tại Singapore, Nhật, Malaysia... Trong bối cảnh vốn của các nhà đầu tư VN còn nhỏ và phân tán, các quĩ này tiếp tục gánh vác “sứ mệnh” là tác nhân chính tạo tính thanh khoản cho thị trường.

Họ cũng được kỳ vọng sẽ “hâm nóng” các đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng của các doanh nghiệp nhà nước lớn sắp đến do hầu hết các quĩ đang hiện diện tại VN đã cạn tiền và chưa sẵn sàng cho các đợt huy động mới.

Các quĩ đầu tư đang giữ vai trò khá quyết định đối với thị trường chứng khoán nhưng đến nay chưa có một con số công bố chính thức tổng lượng vốn họ đã mang vào VN.

Một quan chức của Ủy ban Chứng khoán nhà nước đã đưa ra con số FII là gần... 5 tỉ USD. Tuy nhiên, sau đó một quan chức khác của ủy ban đã “đính chính” rằng con số này chỉ là... đoán chừng.

Còn NH Thế giới trong một báo cáo lại cho rằng số vốn FII vào VN khoảng... 4 tỉ USD với lời giải thích đây là con số ước tính giá trị thị trường của phần cổ phiếu do nước ngoài nắm giữ, cao hơn nhiều so với số vốn đầu tư gốc.

Trong khi đó, theo Hãng tài chính LCF Rothschild (Anh), nếu tính theo qui mô của 20 quĩ đầu tư vào VN đang niêm yết tại các sàn giao dịch chứng khoán nước ngoài thì con số này là... 5,4 tỉ USD.

Đâu là con số thật? Theo các cơ quan chức năng, chỉ có NHNN mới có thông tin chính xác vì hằng tháng các NH thương mại đều nộp báo cáo về tình hình hoạt động của tài khoản góp vốn mua cổ phần bằng đồng VN của nhà đầu tư tổ chức và cá nhân nước ngoài.

Thế nhưng vì sao khi mỗi nơi đang đưa ra mỗi con số khác nhau thì NHNN vẫn im lặng cứ như thể cơ quan này đứng ngoài cuộc?

Biết đến từng xu nhưng công bố làm gì!?

Theo các ngân hàng, không phải tất cả quĩ đầu tư đều có báo cáo giá trị tài sản ròng định kỳ, tuy nhiên thống kê sơ bộ ở những quĩ có báo cáo thì tổng tài sản của họ vào khoảng 6 tỉ USD. Trong đó, ước tính vốn ngoại đã đổ vào chứng khoán riêng trên hai sàn Hà Nội và TP.HCM là 4,8 tỉ USD.

Theo các chuyên gia tài chính, đã 15 năm trôi qua kể từ khi VN mở cửa thị trường cho dòng vốn FII. Thế nhưng, NHNN chỉ mới chính thức yêu cầu các tổ chức và cá nhân đầu tư nộp báo cáo tình hình đầu tư từ tháng 5/2004 với việc ban hành thông tư hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với việc góp vốn, mua cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài trong các DN VN.

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa trên những báo cáo này thì NHNN cũng không sao nắm được dòng luân chuyển của nguồn vốn này vì dòng vốn đã bị “cắt khúc” làm nhiều phần. Một phần nằm ở tài khoản ngoại tệ, một phần nằm ở tài khoản tiền đồng dành cho việc góp vốn, một phần lại nằm ở công ty chứng khoán nơi NĐT nước ngoài mở tài khoản giao dịch...

Như vậy, con số NH nhà nước nắm chỉ là “vốn gốc”, tức số tiền được chuyển vào VN, còn chúng đã sinh sôi nảy nở như thế nào thì đành “bó tay”.

Một quan chức của NHNN cho rằng đừng nhọc công đi tìm vì không thể có một con số chính xác với lý do nguồn vốn ngoại này đang chảy vào VN theo nhiều đường khác nhau chứ không riêng vào hệ thống NH. Với nguồn vốn vào theo kênh chính thống, ông không đưa ra con số tuyệt đối mà chỉ nói xấp xỉ 10% GDP (tức hơn 6 tỉ USD).

Vị quan chức này cũng cho rằng ranh giới giữa dòng vốn đầu tư gián tiếp và trực tiếp đang bị xóa dần. Tập đoàn VinaCapital đầu tư 29,9 triệu USD để sở hữu 70% khách sạn Hilton Hà Nội, 18,6 triệu USD để mua lại 70% phần hùn của khách sạn Omni Saigon và đầu tư hàng loạt dự án bất động sản như Danang Resort 260ha với tổng vốn 24,8 triệu USD, Century 21 với 41,2 triệu USD...

“Nếu như họ đầu tư một phần hùn đủ lớn để nắm quyền định đoạt đối với số phận dự án thì có nên tiếp tục đưa họ vào thống kê dòng vốn FII nữa hay không? Tôi nghĩ cần nhận dạng và lọc ra để chọn cách xử lý phù hợp”, ông nhận định.

Lý giải vì sao NHNN chưa bao giờ công bố con số FII, ông nói: “đương nhiên NHNN biết đến từng xu đối với lượng ngoại tệ được chuyển vào VN, nhưng vấn đề là có cần phải công bố hết các số liệu kinh tế vĩ mô hay không (!?)”.

Theo Như Hằng
Báo Tuổi trẻ