1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thuế thu nhập cá nhân chưa tác động đến đại bộ phận nhân dân

(Dân trí) - Đó là ý kiến của bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, thành viên Ban soạn thảo Dự án Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) khi trả lời phỏng vấn <i>Dân trí</i>.

Dự luật này đã chịu nhiều ý kiến tranh cãi về cách thức tính mức chịu thuế, căn cứ thực tiễn và sự bảo đảm thực hiện cũng như tác động to lớn tới công chúng.

Thưa bà, Dự thảo Luật thuế TNCN lần này có gì mới sau khi Ủy ban TVQH cho ý kiến?

Ban soạn thảo đã tiếp thu một số nội dung cơ bản. Thứ nhất, chuyển một số thu nhập đang là thu nhập không chịu thuế sang thu nhập miễn thuế, ví dụ như thu nhập của hộ nông dân trong hạn điền sản xuất, của hộ ngư dân hoặc diêm dân, các khoản thu nhập từ di sản thừa kế, chuyển nhượng bất động sản giữa ông bà, cha mẹ, con cái...

Thứ hai, chuyển thu nhập đang chịu thuế sang thu nhập miễn thuế như tiền lương hưu trả từ quỹ BHXH, thu nhập từ kiều hối, từ tiền lãi tiết kiệm, khoản chênh lệch thu nhập cao hơn do làm việc ban đêm, thêm giờ.

Ngoài ra, đối với các khoản chi làm từ thiện của người nộp thuế: như chi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cho người tàn tật… tiếp thu ý kiến nhân dân, dự thảo luật lần này đưa hẳn thêm một điều mới: cho phép được trừ khoản đóng góp từ thiện ra khỏi thu nhập chịu thuế.

Tuy nhiên, để tránh lợi dụng tránh thuế, các khoản đóng góp từ thiện được trừ sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Chính phủ. Ví dụ: thu nhập của một cá nhân là 10 triệu đồng, làm từ thiện 2 triệu thì mức thu nhập tính thuế sẽ được trừ 2 triệu nên chỉ còn lại  8 triệu.

Thứ tư, số tiền giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng được bỏ mức khống chế tối đa là 10 triệu đồng/tháng, đồng thời bổ sung thêm: ngoài cha mẹ, vợ chồng, con; nếu người nộp thuế có nuôi dưỡng ông bà, cô dì, chú bác, cháu mà người đó không nơi nương tựa thì cũng được tính là người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh.

Thưa bà, nếu được luật hoá, Luật thuế TNCN sẽ tác động tới nhân dân thế nào?

Thuế TNCN hiện nay chưa tác động đến đại bộ phận nhân dân. Vì mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế là 4 triệu đồng, cho người phụ thuộc mà người nộp thuế nuôi dưỡng mỗi người 1,6 triệu đồng.

Nếu một người nuôi dưỡng 2 con, được trừ cho mình 4 triệu, 2 con 3,2 triệu, tổng cộng là 7,2 triệu đồng. Trường hợp này thu nhập trên 7,2 triệu đồng mới nộp thuế, trong khi đó thu nhập của đại bộ phận nhân dân ta còn rất thấp nên người nộp thuế không nhiều...

Nếu ấn định mức giảm trừ gia cảnh bằng 1 con số cụ thể thì sẽ không đúng vì luật chưa tính đến mức trượt giá, thưa bà?

Về nguyên tắc, thuế TNCN là có thu nhập thì phải nộp thuế. Dự luật quy định không phải ai có thu nhập là thu thuế mà chỉ thu thuế với người có thu nhập trên mức bình quân của xã hội.

Các nước cho trừ mức giảm trừ gia cảnh rất ít. Việc giảm trừ gia cảnh là để tính đến hoàn cảnh cụ thể của người nộp thuế.

Theo dự Luật thì nước ta là nước có tỷ lệ mức giảm trừ gia cảnh trên GDP cao nhất so với các nước trên thế giới. Mức giảm trừ 4 triệu đồng đã tính đến yếu tố thay đổi chính sách tiền lương, tình hình phát triển kinh tế, giá cả đến năm 2009.

Như vậy, khi chỉ số lạm phát cao, đồng tiền trượt giá mạnh, chúng ta phải điều chỉnh lại đạo luật thuế TNCN?

Không phải như vậy. Mức giảm trừ gia cảnh không thay đổi cùng với mức trượt giá, mà được ổn định một thời gian để khi kinh tế phát triển lên thì mức 4 triệu trở thành mức thu nhập bình thường và có thêm nhiều người được nộp thuế thu nhập cá nhân.

Mặt khác, ngoài mức giảm trừ gia cảnh, người nộp thuế còn được trừ các khoản đóng góp BHXH, y tế, sau đó mới tính thuế. Tiền thuế nộp là không nhiều nên không ảnh hưởng lắm đến thu nhập sau thuế khi có lạm phát.

Vấn đề ở cách nộp thuế. Đối với các tiểu thương ở chợ, với thói quen giao dịch bằng tiền mặt, chúng ta dựa vào cơ sở nào để đánh thuế TNCN?

Theo quy định của Luật, phương pháp thu nộp được tính theo từng loại thu nhập: TN từ tiền lương tiền công, trúng thưởng xổ số, cổ tức, chứng khoán… được khấu trừ tại nguồn.

TN của hộ kinh doanh cá thể cũng áp dụng thu theo biểu thuế luỹ tiến từng phần nhưng  thu theo phương pháp khác: đối với hộ giữ sổ sách kế toán thì tự kê khai, tự tính, tự nộp thuế và tự chịu trách nhiệm về kê khai của mình.

Đối với trường hợp không giữ sổ sách kế toán hoặc có nhưng không đầy đủ thì sẽ ấn định thuế và công khai mức thuế theo luật quản lý thuế. Mức ấn định sẽ hợp lý, có căn cứ chứ không thể thấp hơn hộ giữ sổ sách kế toán được. Mức ấn định thuế được công khai để các hộ tự giám sát lẫn nhau.

Như vậy, đối với những trường hợp này thì phương pháp tính thuế là họ tự kê khai và công khai?

Đúng vậy. Đối với tiền lương tiền công, cổ tức, chứng khoán… thì áp dụng biện pháp khấu trừ tại nguồn. Với hộ giữ sổ sách kế toán thì tự kê khai tự tính thuế và công khai cả đối với các hộ ấn định thuế.

Thưa bà, thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản - vốn đang rất nóng hiện nay - được chỉnh lý thế nào?

Hoạt động chuyển nhượng bất động sản hiện nay đang là một vấn đề nóng. Tiếp thu ý kiến đống góp, dự thảo lần này sửa đổi về phưong pháp nộp thuế: Đối với những cá nhân cư trú ở Việt Nam (ở Việt Nam từ 183 ngày trở lên) thì được lựa chọn 1 trong 2 cách: nộp 2% trên giá trị chuyển nhượng hoặc 25% trên lãi thực.

Trân trọng cám ơn bà.

Việt Dũng (thực hiện)