1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thủ tướng yêu cầu giảm chênh lệch lãi suất huy động và cho vay

(Dân trí) - Mặc dù lãi suất huy động đã giảm còn 7,5% từ hồi tháng 3 song lãi suất cho vay vẫn đang ở mức phổ biến 11-15%, ở mức cao so với khả năng tiếp cận của doanh nghiệp. Tính ra chênh lệch lãi suất mà các ngân hàng đang hưởng có thể lên tới 7,5%.

Mức lãi suất cho vay vẫn đang cao gần gấp đôi so với trần lãi suất huy động.
Mức lãi suất cho vay vẫn đang cao gần gấp đôi so với trần lãi suất huy động.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 4/2013. Theo đó, tại văn bản này, Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục điều hành giảm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay ở mức hợp lý theo tín hiệu thị trường.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm được đặt ra ở mức 12%. Tuy nhiên, đến tính đến ngày 23/4/2013, tín dụng mới chỉ tăng 1,4% so với cuối năm 2012.

Tín dụng tăng thấp được lý giải một phần lớn do lãi suất cho vay dù đã giảm nhẹ song vẫn còn ở mức cao so với khả năng tiếp cận của doanh nghiệp. 

Ghi nhận của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho thấy, hiện lãi suất cho vay phổ biến ở mức 9-12%/năm đối với lĩnh vực khuyến khích, đối với các lĩnh vực khác, phổ biến ở mức 11-15%/năm. Mức lãi suất này chưa đủ hấp dẫn doanh nghiệp vay vốn đầu tư trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế còn yếu như hiện nay

Cùng với đó, tín dụng tắc nghẽn giữa bối cảnh nợ xấu hệ thống ngân hàng vẫn đang ở mức cao còn lãi suất huy động liên tục giảm mạnh. Từ đó, gây ra hiện tượng “tồn kho vốn” tại các ngân hàng.

Cũng tại phiên họp vừa rồi, Chính phủ yêu cầu tập trung vốn cho vay các lĩnh vực ưu tiên để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh triển khai việc hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội đối với người có thu nhập thấp; kiểm soát chặt chẽ hoạt động đấu giá vàng và chủ động kiềm chế lạm phát.

Đồng thời, tập trung triển khai quyết liệt đề án Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015; khẩn trương hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành để sớm đưa Công ty quản lý tài sản quốc gia (VAMC) vào hoạt động, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, tăng khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế.

Được biết, tại buổi tiếp xúc cử tri Hải Phòng chiều 11/5 vừa rồi, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định đã chỉ đạo các bộ ngành tiếp tục biện pháp xử lý nợ xấu, giảm giãn, miễn thuế cho doanh nghiệp trong cả năm 2013 khoảng 38.000 tỷ đồng. 

Người đứng đầu Chính phủ cũng tiết lộ, “Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt giải quyết nợ xấu. Cần sớm ra đời công ty quản lý, xử lý nợ xấu. Lần này về tôi sẽ ký ngay nghị định về việc cho ra đời công ty này”.

Tính tới cuối tháng 2/2013, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng trong nước đang ở mức 6%, giảm từ trên 8% năm 2012.

Bích Diệp