1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Nếu nói bỏ quỹ bình ổn xăng dầu thì đơn giản lắm

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Tại họp báo chiều 16/6, báo chí đặt câu hỏi quan điểm của Bộ Công Thương về đề xuất bỏ quỹ bình ổn và liệu nhiệm vụ "bình ổn" của quỹ này thời gian qua đã hoàn thành hay chưa.

Trả lời câu hỏi về đề xuất bỏ quỹ bình ổn, bà Lê Việt Nga - Vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương - cho biết, việc này sẽ được Bộ Công Thương tiếp tục nghiên cứu, sau đó sẽ đưa ra ý kiến về việc có nên bỏ hay không.

Tuy nhiên, theo bà Nga, quỹ này thời gian vừa qua hỗ trợ nhiều cho việc giá xăng dầu không tăng "sốc", tránh những cộng hưởng tăng giá.

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Nếu nói bỏ quỹ bình ổn xăng dầu thì đơn giản lắm - 1

Bà Lê Việt Nga - Vụ phó Vụ thị trường trong nước (Ảnh: C.N).

Còn ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - ví quỹ bình ổn giá xăng dầu như "hồ điều hòa", phần "tiết kiệm" để lúc cần thì bỏ ra. Ông dẫn chứng vừa qua, giá thế giới tăng mạnh nhưng ở trong nước tăng thấp hơn. Song quỹ thì có mức độ, do vậy theo ông Hải, không thể lạm dụng quỹ, bởi có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp.

Ông Hải cũng cho rằng, nếu bàn đến vấn đề bỏ quỹ thì cũng cần biện pháp nào bù để đảm bảo hạn chế thấp mức tăng giá tác động đến người dân và doanh nghiệp.

"Nếu nói bỏ thì đơn giản lắm. Tôi cũng nói nhiều lần, bỏ quỹ này để "cong ăn cong, thẳng ăn thẳng", nhưng vấn đề tác động như thế nào thì phải xem xét. Nếu bỏ thì có thể tăng sốc, giật cục. Hôm rồi tăng tới 4.000 - 5.000 đồng thì sao, lúc đó làm thế nào", ông Hải nói. Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ có những ý kiến về vấn đề này.

Trước đó, Bộ Tài chính lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi) nhằm khắc phục những hạn chế sau hơn 9 năm thi hành luật. Về việc bình ổn giá, Bộ này cho rằng cần được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế xã hội nhất định.

Bộ Tài chính đề xuất danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá sẽ được giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở các nguyên tắc chặt chẽ được quy định tại Luật; tăng cường phân công, phân cấp, rõ trách nhiệm trong việc triển khai bình ổn giá trên phạm vi cả nước và trên địa bàn.

Các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như luật hiện hành. Tuy nhiên, Bộ Tài chính có điều chỉnh theo nội dung chính sách bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá.

"Hiện nay chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường", Bộ Tài chính nhìn nhận.

Quỹ bình ổn một trong những vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất thời gian qua trong việc điều hành xăng dầu. Nhiều doanh nghiệp cho rằng nên bỏ quỹ này, bởi thực tế vừa qua giá xăng tăng sốc, quỹ không có tác động nhiều. Chưa kể, việc sử dụng quỹ này bản chất là người tiêu dùng tự bỏ "tiền túi" ra, trong khi nhiệm vụ bình ổn đáng lẽ nên của nhà nước.